Nghiêm cấm trả lại ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả cho khách hàng
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả.
Theo dự thảo, trong giao dịch ngoại tệ tiền mặt với khách hàng, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt phải kiểm tra, đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu hoặc tiền thật cùng loại hoặc đặc điểm nhận biết tiền giả theo thông báo của cơ quan phát hành tiền, cơ quan phòng, chống tiền giả của Việt Nam hoặc nước ngoài để xác định tính xác thực của đồng tiền.
Trường hợp khẳng định là ngoại tệ giả, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt phải lập biên bản, thu giữ và thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất; Đồng thời thông báo cho khách hàng biết, nếu khách hàng không công nhận là ngoại tệ giả thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên biên bản thu giữ có thể yêu cầu cơ quan giám định thực hiện giám định theo quy định.
Trường hợp phát hiện ngoại tệ giả có tính chất phức tạp, mức độ làm giả tinh vi, ngoài việc thông báo cho cơ quan công an, trong thời gian 3 ngày làm việc, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt phải giao nộp ngoại tệ giả và bản sao biên bản thu giữ cho Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn.
Trường hợp là ngoại tệ nghi giả, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt phải lập biên bản và tạm thu giữ. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt phải chuyển 01 bộ Hồ sơ đến cơ quan giám định để thực hiện giám định theo quy định.
Dự thảo nêu rõ, nghiêm cấm tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt trả lại ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả cho khách hàng. Người thực hiện việc thu giữ ngoại tệ giả, tạm thu giữ ngoại tệ nghi giả của tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt phải có Giấy chứng nhận/xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ hoặc nghiệp vụ giám định tiền.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc giám định ngoại tệ giả, ngoại tệ nghi giả và phải thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử chính thức về danh sách, địa chỉ liên hệ các đơn vị trực thuộc thực hiện chức năng giám định ngoại tệ.
Cơ quan giám định ngoại tệ có trách nhiệm bố trí cán bộ được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ giám định tiền hoặc có khả năng chuyên môn thực hiện giám định ngoại tệ, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho công tác giám định.
Cơ quan giám định thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước được giữ lại một số ngoại tệ giả làm tư liệu nghiên cứu. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng, chủng loại và quy định việc quản lý, sử dụng số tư liệu này của cơ quan giám định thuộc Bộ, Ngành.
Các tổ chức được phép giao dịch ngoại tệ tiền mặt và các tổ chức, cá nhân khác không được phép lưu giữ ngoại tệ giả.
Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có ngoại tệ giả phải giao nộp cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, cơ quan hải quan nơi gần nhất hoặc Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước tổ chức tiêu hủy ngoại tệ giả theo quy định như đối với việc tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Việc tiêu hủy ngoại tệ giả là tang vật của các vụ án hình sự thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động