Ngôi trường nơi thầy cô không ngày nghỉ
Thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng thế, nhanh chóng thu xếp xong việc gia đình, cô giáo Đinh Thị Tú, chủ nhiệm lớp 11C, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum lại đến với học trò thân yêu của mình. Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật đến ký túc xá, ngoài sách vở để phụ đạo thêm cho học sinh, bao giờ cô Tú cũng mang theo kim, chỉ, cúc áo cần mẫn như người mẹ, người chị trong gia đình.
Cô Đinh Thị Tú cho biết, học sinh của mình là con em 6 dân tộc thiểu số, đều đến từ các làng vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Xa gia đình, xa buôn làng, thiếu tình cảm, nên cô muốn bù đắp cho các em bằng cả sự chăm sóc lẫn bảo ban nhắc nhở các em về lối sống, mối quan hệ bạn bè.
Cùng với việc dạy các kiến thức trong chương trình theo quy định, Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum rất quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Một trong số đó là nâng cao sự tự tin và khả năng hòa nhập trong môi trường mới. Để làm được điều này, các thầy cô thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào ngày nghỉ trong tuần để các em tham gia.
Thầy Trương Triều Sơn, Bí thư Đoàn trường cho biết: Là ngôi nhà chung của trên 13 dân tộc thiểu số, cùng với việc giúp các em nâng cao khả năng hòa nhập, nhà trường cũng có các hoạt động để các em thêm tự hào, trân trọng, biết bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đoàn trường phối hợp với các Ban và đoàn thể trong nhà trường tổ chức một số hoạt động, có những phần thi nói về sắc phục và món ăn của các dân tộc. Đoàn trường cũng rèn kỹ năng sống, giao tiếp cho các em, và các em hòa nhập rất tốt trong cộng đồng mới và trong môi trường nội trú.
Cùng với việc “dạy”, việc “nuôi” các em học sinh cũng đòi hỏi nhiều tâm sức của các thầy cô trong trường. Cô Đinh Thị Lan, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum cho biết: 4.000 đồng cho bữa sáng, 15.000 đồng cho hai bữa ăn chính trong thời giá hiện nay, là nhiệm vụ bất khả thi, nhất là đối với các em đang tuổi ăn, tuổi lớn. Để khắc phục khó khăn này, Ban giám hiệu nhà trường đã vận dụng các mối quan hệ, phát huy nhiều sáng kiến. Nhà trường đã tổ chức cho các em trồng rau xanh như rau muống, rau mùng tơi, các rau rừng. Ngoài ra bộ phận của Nhà bếp có nhiều sáng tạo và cũng chú ý tới những món ăn để nâng cao chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong bữa ăn của các em lúc nào cũng có 3 món.
Phần thưởng lớn nhất mà các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum nhận được, và luôn thấy tự hào là sự trưởng thành của các em học sinh. Năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của trường đạt 100%, và ngày càng có nhiều học sinh thi đậu đại học. Cũng từ ngôi nhà chung dân tộc nội trú này, không ít học sinh đã trưởng thành, đang đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng ở các địa phương trong tỉnh.
Biết ơn thầy cô, tiếp nối truyền thống của Nhà trường, các em học sinh đang không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện. Là học sinh duy nhất của dân tộc rất ít người B’râu, đang theo học tại trường, em Nàng Sô Vi, lớp 11B cho biết em cảm thấy rất tự hào và vinh dự khi được học ở một ngôi trường đào tạo cho các em về cả tri thức lẫn đạo đức. Với Sô Vi thì các thầy cô giống như những người cha, người mẹ của em.
Quan tâm tới các em học sinh từng buổi học, chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Công việc thầm lặng của các thầy cô giáo ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum đang nâng bước, chắp cánh cho thế hệ tương lai của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.
Biết ơn thầy cô, trên 500 học sinh của trường nỗ lực học tập với quyết tâm mang lại niềm vui cho thầy cô, cho người thân, cho bà con dân làng bằng sự chăm ngoan và kết quả học tập tốt./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nằm mơ thấy kho báu dưới nhà, người đàn ông quyết đào lên không ngờ tìm thấy sông cá ngầm quý hiếm
Tại sao rắn lại sợ lươn? Hé lộ khả năng đặc biệt của lươn
Vớ được khối bầy nhầy bẩn thỉu, người đàn ông không ngờ đây là báu vật 35 tỷ giúp mình đổi đời sau một đêm
Để giải quyết những vấn đề 'sinh lý', người xưa đã phát minh ra một căn phòng như vậy, địa vị phụ nữ thấp đến đáng thương
Long bào của Tần Thủy Hoàng là màu đen, vì sao sau này không có hoàng đế nào dám mặc? Lý do rất thực tế
CLIP: Chó nhà hăng máu khiêu chiến rắn hổ mang và cái kết gây 'sốc'