Khám phá

Người thầy đặc biệt và khu vườn đại học trên nóc nhà

Một ông thầy có một không hai ở Việt Nam, ít nhất là trong sự hiểu biết hạn hẹp của người viết. Dạy văn nhưng lại cương cường như cái tên rất “đá” của mình. Cần “cứng”, thầy Thạch cứng chẳng thua ai nhưng anh lại sống rất cảm tình, tử tế hết mức với cảm xúc của mình.

“Thạch gia trang” cố sự

 

Ấn tượng của tôi với anh lần đầu tiên là một “thằng cha” gầy nhom, áo đóng thùng chỉn chu nhưng màu áo cháo lòng, ngồi vắt chân rít thuốc lào sòng sọc.

 

Nhà của thầy Thạch thuộc diện không giống ai, như gia chủ của nó. Mặt trước là cót ép chắn ngang bức tường với một cái của gỗ thuộc diện có cũng như không, chỉ cần đạp nhẹ là bung ra. Trên cửa có tấm bảng xỉn màu ghi ba chữ “Thạch gia trang” rất ngộ nghĩnh. Anh xưng là Thạch lão gia cơ mà, lão gia thì phải có gia trang chớ.

 

Phòng khách, cũng là phòng dạy thêm của “lão gia” là một mớ bàn ghế cũ xếp lại, mấy gốc cây bằng gỗ rẻ tiền nhặt đâu đó làm ghế ngồi. Nước giải khát duy nhất mà Thạch “lão gia” dùng là chè Thái Nguyên, loại một hẳn hỏi. Ngoài mấy thứ đó, hầu như thầy Thạch chẳng có gì đáng giá ngoài một cái máy vi tính để bàn cũ kỹ. Từ trước đến sau nhà của “lão gia” trống trơn, gió Ninh Thuận thổi lồng lộng.

 

Ninh Thuận buổi tối và sáng sớm khá lạnh nhưng thầy Thạch không mặc áo khoác bao giờ. Vóc người nhỏ thó nhưng chắc trời thương nên anh chả bệnh bao giờ. Kiếm áo khoác và thuốc men trong nhà thì anh tóm lại một câu ngắn gọn: “Quên đi”.

 

“Lão gia” giang hồ là vậy nên sự ăn, sự ngủ cũng khác người thường. Nhà có duy nhất một cái gối, một cái nệm nhỏ thuộc loại cũ kỹ vô cùng tận. Chăn đắp còn đặc biệt hơn, đó là những tấm rèm cửa xỉn màu chắp vá.

 

Vào nhà “lão gia” mà chưa bị… đuổi ngay từ đầu thì cứ yên tâm thích làm gì thì làm. Muốn đi thì xe máy để sẵn đấy, muốn ăn thì cứ ra quán, muốn nhậu thì kiếm mỗi, kiếm rượu về để “lão gia” nhấp môi lấy lệ vì tửu lượng của “trang chủ” thuộc nhóm bét hạng.

 

An bần – lạc đạo

 

Người xưa nói: Tri túc (biết đủ) với hàm nghĩa minh triết sâu xa. Cái đủ của “lão gia” tên Thạch càng làm tôi bội phục. Theo tìm hiểu, toàn bộ gia sản được “lão gia” trân trọng, gìn giữ, chăm chút nhiều nhất không nằm trong nhà mà nằm trên nóc nhà, một cái vườn rộng 20m2 với đủ loại câu. “Lão gia” gọi đó là vườn Đại học.

 

Những lứa học trò của anh thi đỗ ĐH và thành đạt rất nhiều, mỗi đứa tặng anh một loại cây làm kỷ niệm nên anh đặt tên như vậy.

 

“Hình như mọi thứ trên đời bị cho là quái gở, nếu tìm hiểu kỹ càng sẽ thấy nó hợp lý và thú vị vô cùng. Cái mảnh vườn bơ vơ, lơ lửng giữa khu phố giáo viên hiện đại xi măng cốt thép ấy cũng bắt đầu tự sự quái gở hợp lý ấy”, một học trò của thầy Thạch cảm nhận.

 

Trong căn phòng của mình, “lão gia” treo hai chữ: An bần – Lạc đạo. Liệu đó có phải là sự lạc thú tinh thần đầy thú vị và… nghèo trong cuộc sống ngày càng xô bồ hôm nay chăng?

 

Mong ước của “đá”

 

Đi và khám phá là mong ước lớn nhất của “lão gia”. Ông thầy từng nhiều lần đưa trò dự thi Đường lên đỉnh Olympia này cũng nhiều lần cay đắng với nghề lắm. Nếu không vì cha mẹ (đều là những giáo viên nổi tiếng Ninh Thuận mấy chục năm nay) thì anh đã bỏ nghề giáo “đi bụi” cho thỏa chí tang bồng rồi. “Lão gia” tâm sự: “Cha mẹ đều là nhà giáo và trụ với nghề, nuôi ba đứa con trong những năm tháng khó khăn nhất. Mình bỏ nghề thì sẽ sốc và thất vọng lắm”.

 

Mỗi năm Tết đến, “lão gia” lại ôm con heo đất của mình kêu gọi đám học trò hảo tâm nuôi nó. Cuộc “mổ heo” diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người và toàn bộ số tiền được dành để giúp đỡ học trò nghèo.

 

Anh tâm sự rằng cách quan tâm đến nhau của những đứa học trò bây giờ cũng khác xưa. Ngày xưa nghèo, lá rách đùm lá nát, ngày nay khá hơn nhiều khi người ta chỉ coi tình thầy trò, đồng môn nhu một quan hệ thông thường… “Lứa trước, lứa sau học trò không còn yêu thương như hồi xưa. Giờ chỉ còn mấy đứa cố cựu”, thầy Thạch ngậm ngùi.

 

Kế hoạch của ông thầy đặc biệt biệt này là dành mùa hè để rong ruổi khắp nơi bằng xe máy, đến khi về già chuyển qua đi xe khách thăm lại những chỗ bạn bè tứ xứ khắp nơi ba miền.

 

“Năm nay ta đi chơi cho xong Tây Bắc, năm tới sẽ là trung du Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Đi đến 50 tuổi thì sẽ giảm mật độ lại cho vừa sức, lúc đó đi xe khách cho khỏe”, thầy Thạch hồ hởi khoe.

 

Sẽ chẳng có gì đáng nói thêm nếu “lão gia” không “năn nỉ” tôi đi cùng chuyến Tây Bắc vì nghe nói tôi biết vùng này. Ừ thì đi, để biết đâu khi về còn có chuyện kể lại cho mọi người nghe về thầy Thạch “giang hồ” đã từng sát xế, chung yên với mình.

 

Theo Nguoiduatin.vn

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo