An toàn thực phẩm

Nguồn gốc thực phẩm bẩn là từ đâu?

(DNVN) - Đó là chia sẻ của đại biểu quốc hội (ĐBQ) Lê Văn Lai (Quảng Nam) với báo giới về nguồn gốc thực phẩm bẩn vào chiều 2/4.

ĐBQH Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) nói thẳng quan điểm của mình trước lời trấn an của trưởng ngành nông nghiệp khi cho rằng đa số thực phẩm là an toàn nhưng người dân không biết trong cuộc trao đổi với PV báo Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 2/4. 
Theo ĐB Lê Văn Lai, thực phẩm bẩn cũng là một "nạn tham nhũng". Phải coi như vậy thì mới mong đẩy lùi thực phẩm bẩn ra khỏi bữa ăn mỗi gia đình Việt.

Giải trình, báo cáo thêm trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế chiều 1/4 về những kế sách của ngành nông nghiệp trong việc đẩy lùi thực phẩm bẩn, sau khi dẫn loạt số liệu từ báo cáo lấy mẫu phân tích, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát khẳng định: “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn…”.

ĐBQH Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) nhấn mạnh, "Công việc xảy ra như thế, Bộ trưởng nói mấy phút thì người dân khó có thể an tâm ngay được”. Ảnh: TN báo Thanh tra.

Bày tỏ mối lo về thực phẩm bẩn mà người dân đang phải đối mặt, ĐB Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Lo về thực phẩm bẩn thì không ai không lo, tất cả mọi người đều lo lắng. Suy cho cùng, thực phẩm bẩn cũng có nguồn gốc từ tham nhũng, cũng là một nạn tham nhũng thôi”.

Ông Lai giải thích, vì không có sự kiểm soát, thay vào đó là sự thông đồng, không làm hết chức trách nên mới sinh ra cái tệ hại đó. “Ở đây thì có vấn đề đạo đức nghề nghiệp, nhưng nói đến cùng thì là vì lợi ích không chính đáng”- vị ĐBQH tỉnh Quảng Nam nói.

Nêu quan điểm về câu nói của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), nhìn nhận đánh giá của Bộ trưởng như vậy là hơi chủ quan, vì thực tế các vụ việc liên quan tới thực phẩm bẩn từ các địa phương, báo chí nêu nhiều. Báo Thanh tra thông tin.

“Vấn đề cần xác định, nó nhiều hay ít ở mức độ nào? Các cơ quan chức năng cần quá trình tổng hợp rồi xác định. Chứ còn giờ nói thực phẩm đó nhiều, ít,  rồi an toàn  ... thì nhìn nhận đưa ra con số như vậy là chủ quan”, ông Học nói.

Việc Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra kết luận như thế trên cơ sở lấy mẫu phân tích. ĐB Học cho rằng, cách suy nghĩ, nêu vấn đề của người dân cũng chỉ mang tính cảm tính. Mức độ nào, tỷ lệ bao nhiêu thuộc về các cơ quan chức  năng. Bộ trưởng cũng không đưa ra kết quả khảo sát như thế nào để xác định ít như vậy.  “Nếu nói ít như vậy để người dân yên tâm thì rõ ràng là người dân chưa thực sự yên tâm với khuyến cáo của Bộ trưởng”.

 

Một vấn đề khác, theo đánh giá của vị ĐBQH đến từ Phú Yên, việc tuyên truyền để người dân hiểu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu rất khó. Trước tiên, chưa có cơ sở nào để chúng ta đánh giá thuyết phục là sản phẩm của chúng ta an toàn tới mức nào? Sản phẩm nào chưa an toàn, mình chưa có địa chỉ đánh giá cụ thể.  

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá, “Nếu nói ít như vậy để người dân yên tâm thì rõ ràng là người dân chưa thực sự yên tâm với khuyến cáo của Bộ trưởng”. Ảnh. TN báo Thanh tra.

“Để nói người dân sử dụng thực phẩm an toàn cần cơ sở thuyết phục hơn, làm sao người dân tin được. Chứ dân đang lo lắng mà người co trách nhiệm chỉ nói như vậy thì người dân không an tâm”, ĐB Học chốt lại.Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, vấn nạn thực phẩm bẩn đang đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: “không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.

Hành lang pháp lý cho an toàn thực phẩm đã rất đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều? Nguyên nhân bao trùm là việc tổ chức thực thi Luật còn nhiều yếu kém. Bà Nga chỉ ra, sự chia cắt và thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến khi có vụ việc xảy ra, ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm.

Đơn cử như Salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ Nông nghiệp cấm nhập, nhưng được Bộ Y tế cho phép nhập với số lượng lớn.

“Hơn 9 tấn trong 2 năm, khi vào được nội địa, cơ quan chức năng đã không kiểm soát được đường đi của chất này, hiện chưa ai trả lời được: có bao nhiêu tấn được dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu bị sử dụng sai mục đích, tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc?”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nga nghi vấn.

 

Chế tài xử lý lại không nghiêm, có vụ phạt cho tồn tại, không loại trừ tiêu cực trong xử phạt. Hiếm có trường hợp xử lý hình sự. Trong khi đó, việc quy trách nhiệm cho công chức quản lý, chí ít cũng về hành vi “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ” hiếm khi được thực hiện.Thậm chí, đội ngũ cán bộ, công chức có trách nhiệm trong lĩnh vực này từ trung ương đến địa phương hàng năm đều được đánh giá là“hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Tất nhiên, ở đây cũng có trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý buông xuôi, chưa kiên quyết "nói không" với thực phẩm “bẩn”. Tuy nhiên, theo bà Nga, đối với hàng triệu người thu nhập trung bình và thấp thì việc chọn thực phẩm sạch với giá cao là điều quá xa vời.

“Quốc hội cần giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. Chính phủ tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng, mức độ mất an toàn thực phẩm hiện nay và có giải pháp chặn đứng tình hình”, bà Nga đề nghị.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo