Nguy cơ sụt giảm xuất khẩu sang EU
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) đã cảnh báo, trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục đà giảm. Cảnh báo này được dựa trên thực tế trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như dệt may, thủy sản, đồ gỗ… sang EU đều bị sụt giảm khá mạnh, trong khi tình hình của 6 tháng đầu năm 2013 được dự báo chưa có gì sáng sủa hơn.
Nhiều doanh nghiệp giày dép đều có chung nhận định, thị trường EU đã giảm 10% mức tiêu dùng mặt hàng này.
Ông Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Công ty Giày Rieker Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) đóng tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong 10 tháng qua, giá trị đơn hàng xuất khẩu của Công ty sang EU đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2011.
Xu hướng đơn hàng teo lại cũng đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp dệt may.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU 10 tháng qua đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6% (tương đương hơn 100 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2011.
Đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may sang EU cho năm 2013 cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Thực tế này đang khiến các doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ tiếp tục giảm xuất khẩu.
Ngoài nguyên nhân từ suy giảm kinh tế, khủng hoảng nợ công, thì một nguyên nhân khác cũng khiến cho đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm trong năm 2013. Đó là nhiều doanh nghiệp nhập khẩu EU đang có xu hướng chuyển dần đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh, nhằm tránh mức thuế suất thuế nhập khẩu 10%. Ba quốc gia trên đang được hưởng Quy chế Tối huệ quốc (MFN), với mức thuế suất thuế nhập khẩu hàng dệt may là 0%.
Bên cạnh đó, thị trường EU còn tăng cường áp dụng nhiều chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu thông qua các rào cản thương mại, gia tăng nhiều đòi hỏi khắt khe về chất lượng, áp dụng hệ thống kiểm soát hóa chất có trong các sản phẩm dệt may đưa vào EU…
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, xuất khẩu sang EU sẽ bị tác động đáng kể khi các nền kinh tế thuộc khu vực này không chỉ có mức tăng trưởng thấp trong năm tới, mà còn gặp nhiều bất ổn về tài chính, nợ công… “Vì vậy, chủ động thích ứng và linh hoạt tìm thị trường mới được xem là nhiệm vụ sống còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Thành nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Tiến Đạt, chuyên làm hàng thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu tại Thường Tín (Hà Nội) cho biết, gần đây, thay vì thị trường EU, Công ty phải chuyển hướng sang khai thác các thị trường châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản và trong năm 2013, Công ty có ý định tìm kiếm đối tác tại Nga, Ukraine để đưa hàng thâm nhập các thị trường này.
“Chúng tôi chấp nhận thử thách bằng các lô hàng mẫu để được lòng các nhà nhập khẩu và lấy uy tín nhằm hợp tác lâu dài”, ông Tuyên cho biết.
Đoàn Huế (Theo Báo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo