Tin tức - Sự kiện

Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ: Vẫn là ông “Bộ trưởng bão lụt”

Một chiều cuối năm, trời Hà Nội nắng nhẹ, se lạnh. Ông ra tận đầu ngõ đón tôi. Vẫn dáng người cao to, khuôn mặt khắc khổ. Cầm tay tôi, ông bảo, ông vừa đi dự hội thảo về nông thôn mới. Dường như cái bức xúc về dồn điền đổi thửa, đền bù đất đai, tìm đầu ra cho nông sản… ở cuộc hội thảo vẫn còn đè nặng tâm trí ông. Ở cái tuổi 77 ông yếu đi nhiều, đi lại đã chậm chạp, nhưng những câu chuyện về những người nông dân chân lấm tay bùn thì vẫn vậy, đầy nhiệt huyết, đầy trăn trở.

Ông Lê Huy Ngọ trong lần xuống với bà con tỉnh Ninh Bình.

 

 “Bộ trưởng bão lụt”

 

Lâu lắm rồi tôi mới lại được ngồi trò chuyện với ông. Ông nói, rồi ông hỏi đủ thứ không đầu, không đuôi, chuyện nọ xọ chuyện kia. Lúc thì nhớ lại thuở cơ hàn, lúc thì kể thời làm Bí thư Tỉnh ủy, rồi thì chống bão lụt, lúc họp thâu đêm suốt sáng bàn về chiến lược “năm cây ba con”.
 
Vợ ông vào, đem theo đĩa lạc rang và đĩa mực khô vừa nướng thơm phức. Ông rót 2 ly rượu quốc lủi nút lá chuối. Ông cụng ly, đưa lên miệng làm một hơi, đặt ly xuống bàn, như thói quen thường lệ, ông rút hai chân lên ghế, ngồi xếp bằng, ông bảo, ông đã hoàn thành xong tập bản thảo định ra cuốn sách. “Mình thu thập các bài anh em báo chí, văn chương viết về mình, cũng có đến cả trăm bài. Nhưng đang suy nghĩ xem ra sách vào lúc nào cho hợp lý” - ông đăm chiêu. Rồi ông lại bảo, vừa có một đơn vị đến đặt vấn đề làm một bộ phim tài liệu về ông, nhưng ông cũng đang cân nhắc. Ông nói: “Cũng phải cân nhắc kỹ xem mình đã xứng đáng được làm chưa, chứ không bà con người ta lại bảo ông Ngọ lại đi khoe khoang bản thân thì phản tác dụng”.
 
Vợ ông lại vào, đem theo đĩa hến sào và 5 chiếc bánh đa. Ông bẻ chiếc bánh đa đưa cho tôi một mẩu: “Ăn đi em! Toàn món nhà quê cả”. Lại cụng ly. Trầm ngâm một lúc, ông nói: “Ngày xưa nghèo, không có cơm ăn, mình toàn ăn món này đi học”. Thì ra ông đang nhớ về tuổi thơ nghèo đói của mình. Rồi ông kể: “Tôi có một tuổi thơ có thể nói là rất khó khăn”. Tôi đã có dịp về quê ông: Xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Điều kỳ lạ là mặc dù ông đã rời quê hơn 60 năm rồi mà người dân Tĩnh Hải vẫn còn lưu mãi hình ảnh ông - một cậu bé nghèo mà học giỏi, lam lũ mà hiếu thảo...
 
Sau một tuần rượu nữa, tôi chuyển đề tài: “Trước đây, có lần nhà văn Nguyễn Khải nói: “Trong số các bộ trưởng ở Việt Nam thì ông Ngọ là bộ trưởng khổ nhất”. Nghiệm ra thì đúng thật. Có thể nói trong giới viết lách thì Nguyễn Khải là một trong những người mà ông Ngọ rất mến phục.
 
Sau chừng 15 phút luận bàn về Nguyễn Khải, ông Ngọ trầm tư: “Tháng 10.1997 mình về bộ. Còn nhớ, hôm ấy bay từ TPHCM ra Hà Nội để nhận chức Bộ trưởng Bộ NNPTNT, vừa xuống sân bay Nội Bài, chưa kịp về số 2 Ngọc Hà (trụ sở Bộ NNPTNT) thì đúng lúc cơn bão số 5 ập tới. Mình quyết định lên máy bay bay ngược trở lại TPHCM, để từ đó dùng trực thăng bay tức tốc ra Côn Đảo chỉ đạo chống lụt bão với anh em ngoài đó. Có lẽ đây là điềm báo trước rằng những ngày tháng tới đối với mình sẽ hết sức khó khăn. Quả đúng là như vậy. Không năm nào là không có bão lụt và hạn hán. Có anh em gọi đùa mình là “Bộ trưởng bão lụt” là thế”.
 
Cuộc đời ông Lê Huy Ngọ dường như sinh ra để gắn liền với lũ lụt. Khi còn là Trưởng ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, ông phải đối mặt với trận lũ lụt đầu tiên năm 1971. Đến năm 1988, ông về làm Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá thì một năm sau đó tỉnh này bị trận bão nặng nề nhất trong lịch sử địa phương (cơn bão số 6 năm 1989). Những năm 1999, là trận lũ lụt miền Trung, 2000-2001 là lũ Đồng bằng sông Cửu Long, rồi cơn bão số 4 năm 2004…
 
Mấy ai quên được trong cơn lũ lụt miền Trung (năm 1999), hình ảnh vị Bộ trưởng Lê Huy Ngọ với chiếc áo phao trên người, quần xắn quá gối đang trực tiếp chỉ huy tại điểm nóng ngập úng nhất của miền Trung. Sự có mặt của ông Lê Huy Ngọ vào đúng thời điểm quan trọng đó dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào miền Trung vượt lên lũ lụt.
 
Buồn vui một thuở
 
Tôi còn nhớ trong một lần tôi được tháp tùng Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đi công tác Vĩnh Phúc. Cứ nhìn cái cảnh cán bộ và người dân nơi đây tiếp đón, vây quanh lấy ông mỗi nơi ông đến mới rõ tình cảm của cán bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đối với ông vẫn còn sâu nặng biết dường nào. Tôi nhắc lại kỷ niệm này. Ông nhấp một ngụm rượu, nhìn tôi, nhưng dường như đầu óc ông đang hướng về một nơi xa xăm nào đó. “Có thể nói một trong những khoảng thời gian đẹp nhất của mình là gắn với mảnh đất Vĩnh Phú (vợ ông cũng là người Vĩnh Phú - NV). Gần như cả thời trai trẻ của mình là ở đây: Đi lên từ một cán bộ khuyến nông của Sở Nông nghiệp, rồi trưởng phòng, trưởng ban, Phó Giám đốc, Giám đốc, Phó Chủ tịch tỉnh, rồi Chủ tịch, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh uỷ”.
 
Tuy nhiên, thành thực mà nói, nơi để lại dấu ấn cá nhân sâu đậm nhất của ông Ngọ lại là thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, mặc dù chỉ có một nhiệm kỳ. Chúng ta hãy nghe ông kể: “Dạo ấy tình hình Thanh Hoá có nhiều vấn đề không ổn, nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Một hôm anh Linh (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thời ấy - NV) cho gọi tôi từ Vĩnh Phú về và nói: “Bộ Chính trị có ý định điều anh về làm Bí thư Thanh Hoá, anh có ý kiến gì không? Tôi thưa với anh Linh là tôi phục tùng sự điều động của Bộ Chính trị. 
 
Anh Linh hỏi: Trước khi về Thanh Hoá, anh có yêu cầu Bộ Chính trị giúp đỡ gì không? Tôi nói có 2 yêu cầu: Một là, cho Thanh Hoá hoãn chuyển 1,8 tấn gạo ra Hà Nội cứu đói (lúc bấy giờ nạn đói đang hoành hành dữ dội ở Thanh Hoá - NV). Hai là, Bộ Chính trị cho phép tôi được sắp xếp lại bộ máy nhân sự theo ý mình. Anh Linh đồng ý và thế là tôi về làm Bí thư Thanh Hoá. Đó là mùa hè năm 1988”.
 
Kết thúc nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy của ông, Bộ Chính trị đánh giá “4 năm về làm Bí thư Thanh Hoá, ông Ngọ đã làm tốt 3 việc: Một là, ổn định tình hình Thanh Hoá. Hai là, nội bộ lãnh đạo Thanh Hoá đoàn kết. Ba là, Thanh Hoá phát triển đi lên”.
 
Ngồi với ông, nghe ông kể lại chuyện đời mình: Có thành công, có thất bại, có vui, có buồn và cũng không ít những thăng trầm. Sau cái vụ án om xòm một thuở - vụ Lã Thị Kim Oanh - ông viết đơn từ nhiệm. Trở lại với cuộc sống của một thường dân, nhưng ông bảo, cái làm ông cảm động nhất (và cũng là cái được nhất) đó là tình cảm quý trọng mà ông nhận được từ những người dân lao động bình thường. 
 
Ông kể: “Hôm rồi đi hội thảo về, mình quyết định bắt xe ôm. Đưa tới cổng, anh xe ôm nói: “Bây giờ bác đi đâu cháu lại chở bác đi tiếp và không lấy tiền của bác đâu”. Mình ngạc nhiên, nhưng cậu ấy bảo: “Cháu biết bác là bác Lê Huy Ngọ, “Bộ trưởng bão lụt” ấy mà!”. Lại một lần khác, mình ra phố Thuỵ Khuê ăn phở Cò Cử, 2 cậu công nhân của Công ty vệ sinh môi trường mua 4 bát phở và nói: “Chúng cháu mỗi người ăn một bát, còn bác phải ăn 2 bát”. Mình lại ngạc nhiên, còn các cậu ấy nói: “Bác là bác Lê Huy Ngọ, bác phải ăn 2 bát mới đủ sức để chống bão lụt”. Những chuyện đại loại như vậy thật là cảm động”.
 
Vâng, ông Lê Huy Ngọ là vậy, cho dù cuộc đời ông có những lúc thăng lúc trầm, và ngay cả khi đã về với cuộc sống của một thường dân, ở cái tuổi gần 80 rồi, thì trong lòng người dân vẫn còn đó hình ảnh lừng lững một ông “Bộ trưởng bão lụt” và nói như Nguyễn Khải thì đó là cốt cách của một hào kiệt xứ Thanh.
 
Theo Lao động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo