Nguyễn Thị Thục Trinh: Tôn nền cuộc sống đẹp
Vốn đam mê ngành truyền thông, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm chuyên ngành Anh Văn, chị Thục Trinh học tiếp Đại học Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, rồi Thạc sĩ về Truyền thông và Báo chí của đại học Stirling (Anh Quốc).
Để thử sức, chị đã từng trải qua nhiều công việc như dạy học, thư ký Tổng giám đốc, Giám đốc sản phẩm ngành hàng FMCG, Trưởng phòng Lãnh sự và Trưởng phòng giáo dục Tổng Lãnh sự quán New Zealand, giám đốc Cty Tư vấn Du học & Di trú New Zealand ENC, làm việc ở Tổng lãnh sự & Thương vụ New Zealand và Tổng cục Du lịch Singapore...
Chị được xem là người có nhiều kế sách, mở ra nhiều dự án xã hội, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt đối với chị em phụ nữ như: khuyến khích phát triển tài năng trẻ “Giải thưởng Khoa học Quốc tế L’Oréal - UNESCO” đã được trao tại VN cũng đã bước vào năm thứ 5; “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” dạy nghề làm tóc cho phụ nữ nghèo... Bởi với chị luôn tâm niệm không ai dẫn dắt cuộc đời minh bằng chính mình, khi đã dám thay đổi, phải biết chấp nhận rủi ro.
Vì thế trong cuộc sống riêng tư, hay trong công việc chung, chị luôn nhìn thẳng vào vấn đề để thảo gỡ vướng mắc, giải thoát, tìm ra chân lý của sự việc.
“Cần câu hơn con cá”
Vốn tính cởi mở, thẳng thắn, Nguyễn Thị Thục Trinh vào “đề” và “khoe” với tôi liền: Dự án “Làm đẹp để sống – sống để làm đẹp” không còn riêng của L’Oréal Việt Nam mà bây giờ là dự án của Tập đoàn L’Oréal trên toàn cầu. Tôi chợt nhớ, cách đây 5 năm về trước, tôi đã từng đến Trung tâm đào tạo tóc L’Oréal ” tại số 38 Trần Khánh Dư –Q1 làm tóc và niềm tin vào dự án xã hội lúc bấy giờ chỉ mơ hồ. Nhưng đến thời điểm này, dự án “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” thành công trên cả mong đợi từ ý tưởng ban đầu và sự lan tỏa ngày càng sâu rộng đến cộng đồng. Chúng tôi đã có buổi chuyện trò đầy thú vị xung quanh dự án này.
Điều gì đã giúp chị có được ý tưởng thành lập dự án này ?
Tôi làm nhiều năm trong ngành mỹ phẩm, đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc nhiều tổ chức xã hội, thấy người phụ nữ VN phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh, cam chịu số phận nghèo, cam chịu bị bạo hành, ngược đãi. Chúng tôi cũng trăn trở, cân nhắc rất nhiều khi đưa ra mục tiêu dự án xã hội. Và nhiều câu hỏi đặt ra cho chúng tôi: liệu dự án có bền vững, và kéo dài bao lâu, tác dụng như thế nào? trao học bổng, tặng quà... những việc làm này chỉ là hiệu ứng nhất thời, nhiều khi còn tác dụng ngược.
Vì vậy, chúng tôi đã đi đến quyết định triển khai dự án này với hy vọng để chị em phụ nữ có cái nghề mưu sinh sau này. Bởi chúng tôi đã khảo sát: nghề làm tóc càng làm lâu, tay nghề càng nâng cao không bao giờ bị mai một, mà còn được nhân rộng thêm. Dự án “làm đẹp để sống – sống để làm đẹp” ra đời từ sáng kiến của tôi để chào mừng 100 năm thành lập Tập đoàn mỹ phẩm L’Oréal và được Tập đoàn ủng hộ. Và đến nay dự án đã đi qua chặng khởi đầu đầy khó khăn - 5 năm.
Vậy dự án được triển khai như thế nào ?
Người hưởng lợi trực tiếp là các chị em phụ nữ tuổi từ 18 đến 40 có hoàn cảnh khó khăn, các bà mẹ đơn thân không có nguồn thu nhập hoặc thu nhập không ổn định, các học viên đến từ các mái ấm, nhà mở... Tóm lại, đó là những phụ nữ mong muốn được học nghề tóc và thay đổi cuộc sống với nghề.
Là người làm báo tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều dự án xã hội khởi đầu với những ý tưởng thật to tát rồi... chìm nghỉm. Còn dự án“làm đẹp để sống – sống để làm đẹp” đã đi qua 5 năm và ngày càng được nhân rộng. Phải chăng dự án có bí quyết riêng ?
Để học viên tự tin với tay nghề, cần phải được cọ sát với thực tế. Hàng ngày trung tâm nhận khách hàng vào làm tóc, uốn tóc, gội đầu… sử dụng 100% sản phẩm của L’Oréal mà không phải trả tiền. Đồng thời, trung tâm cũng hướng cho học viên biết chia sẻ bằng những chuyến đi định kỳ đến các nhà mở, mái ấm tình thương, cắt tóc, gội đầu, làm đẹp... Ngoài ra, trung tâm đã liên kết gần 100 Salon tóc có uy tín trong thành phố.
“Nhiệm vụ” của các Salon tóc là tham gia sát hạch học viên qua từng phần học và khi học viên tốt nghiệp, họ sẽ nhận vào làm việc với tư cách là người thợ chính thống. Sau khi hoàn thành khoá học đạt kết quả tốt được L’Oréal và trường Cao Đẳng nghề TP HCM trao Diploma tốt nghiệp ngành đào tạo tóc và được hỗ trợ giới thiệu việc làm hoặc hướng dẫn mở tiệm tóc.
Theo chị, ở góc độ là người khai sinh ra dự án và người trực tiếp triển khai, tỷ lệ thành công được bao nhiêu ?
Sau khi được Tập đoàn L’Oréal chấp nhận, chúng tôi đã tiến hành mở trung tâm đầu tiên tại TP HCM vào tháng 7/2009. Mỗi năm tuyển sinh 2 đợt đào tạo và tốt nghiệp ra trường khoảng 90 em. Tháng 6/2012, chúng tôi đã mở thêm 1 trung tâm tại Quảng Bình và tháng 7/2013 một trung tâm nữa được mở tại Hà Nội. Như vậy, cho đến nay các trung tâm đã đào tạo ra trường khoảng 650 em có việc làm, có thu nhập ổn định, bình quân trên 5 đến 10 triệu đồng/tháng, trong số đó có khoảng 20% đã làm chủ tiệm.
Tuy nhiên, cũng không thể nói sự thành công tuyệt đối. Vì trong số những học viên được nhận vào, cũng đến 10-15% bỏ ngang khóa học.
Hiện thực hóa tương lai
Câu hỏi hơi tế nhị, đối tượng học viên của Trung tâm thường là tâm lý không ổn định. Dự án bằng phương pháp nào để một học viên khi ra trường có thể tự tin hơn trong cuộc sống cũng như công việc ?
(Ngập ngừng trong giây lát, nét buồn thoáng qua khuôn mặt của chị).
Không lần phỏng vấn tuyển chọn học viên nào mà nước mắt tôi không rơi. Ban đầu mục tiêu của chương trình chỉ tuyển dụng chị em phụ nữ nghèo tại các quận, huyện. Nhưng dần dự án lan tỏa đến cộng đồng, và rất nhiều tổ chức xã hội đến gửi gắm như: phòng chống tệ nạn xã hội, các trại giáo dưỡng, các trại giam nữ... Có những trường hợp khi phỏng vấn, khuôn mặt lạnh lùng, vô cảm, họ không tin vào thế giới quanh mình “bình đẳng, tương thân, tương ái” họ chấp nhận “số phận” đến tàn nhẫn: trả hiếu bằng bán thân, bị bán qua biên giới, bị chồng hành hạ vì không làm ra tiền... Làm thế nào để đưa họ trở lại chính bản thân mình là vấn đề chúng tôi trăn trở. Vì thế những tháng đầu chúng tôi dạy kỹ năng sống cho họ. Giúp cho họ bớt những mặc cảm, dũng cảm đối diện với cuộc sống, tự bảo vệ chính mình trước những nghiệt ngã cuộc sống, biết vươn lên thoát nghèo...
Qua gần 5 năm thực hiện dự án, chị đã đúc kết được điều gì ?
Dự án thành công trên cả sự mong đợi. Không những tôi tự hào mà dự án này còn được nhân rộng sang các nước khác như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar... và lãnh đạo Tập đoàn L'Ore'al cho đây là một sáng kiến tuyệt vời về mặt kinh tế lẫn an sinh xã hội. Về góc độ kinh tế đã cho thấy kết quả quá ấn tượng: tỷ lệ tăng trưởng từ 200 đến 1.000% khi các bạn ra trường, lập nghiệp. Về mặt xã hội, khó có thể bày tỏ hết nỗi lòng khi nhìn các bạn học viên khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc khi trên tay cầm tấm bằng Diploma. Điều quan trọng là họ tự tin hơn trong cuộc sống, không còn chấp nhận “số phận” sau khi được đào tạo. Và có nhiều học viên tìm được bạn đời sau khi ra nghề. Đó là hạnh phúc, niềm vui khôn tả của chúng tôi không thể cân đo đong đếm.
Vậy dự án có tiếp tục nhân rộng đến nhiều tỉnh thành khác nữa không ?
Chi phí đầu tư các dự án xã hội cũng phải được sự chấp thuận của Tập đoàn. Về phía Tập đoàn họ có hẳn cơ quan giám sát các hoạt động xã hội tại các địa phương. Hàng năm họ đến Việt Nam đánh giá dự án có thực sự đem lại hiệu quả và có làm thay đổi, ảnh hưởng đến xã hội như thế nào mới đầu tư tiếp, cũng như hoạt động kinh doanh có hiệu quả không. L’Oréal Việt Nam tăng trưởng bình quân 25% năm và được Tập đoàn đáng giá là một trong 15 nước thị trường tiềm năng nhất trên thế giới... Hiện tại chi phí đào tạo bao gồm văn phòng, trang thiết bị, sản phẩm, nhân viên... cho mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đã được Tập đoàn đồng ý tiếp tục nhân rộng dự án này. Dự kiến năm 2014, chúng tôi sẽ mở thêm một trung tâm tại ĐBSCL.
Xin cảm ơn chị và chúc cho dự án ngày càng thành công !
Chia tay với chị, tôi tin bằng bản năng của người phụ nữ, chị sẽ thành công hơn với dự án này. Đây không chỉ là sự mong muốn, tâm huyết của chị mà của cả tập đòan L'Oreal, của cả cộng đồng, của những người phụ nữ nghèo, bất hạnh, đang cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng. Dự án “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” của L’Oréal là một điển hình không những giúp chị em phụ nữ nghèo vượt lên số phận, góp phần chia sẽ gánh nặng cùng xã hội mà chính bản thân họ nhân cái đẹp lên gấp bội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Con lợn nặng cả tạ nhưng có 1 bộ phận chỉ nặng 2 lạng vô cùng quý, bổ như nhân sâm, không phải ai cũng biết để ăn
Các cụ khuyên nhủ: 'Con rể lên giường, nhà tan cửa nát', tại sao lại nói như vậy?
Sự khác biệt giữa những người thường xuyên đến thăm mộ và những người không đến là gì?
Tử vi tuần mới (25/11 - 1/12): 3 con giáp đón nhận vận may bùng nổ, tài lộc rực rỡ từ Thần tài
Lời răn dạy của người xưa: 'Khi đến tuổi 49, đừng ở lại bốn nơi này!', ý nghĩa thực sự đằng sau là gì?
Cắm tăm vào ấm siêu tốc: Lợi ích tuyệt vời không phải ai cũng biết