Nguyên thống đốc Ngân hàng nói gì vụ gửi tiết kiệm 20 năm?
Sau khi Tuổi Trẻ ngày 11-3 đăng bài “Sau 20 năm gửi tiết kiệm: từ một căn hộ còn vài bát phở”, tòa soạn đã nhận được hàng ngàn ý kiến của bạn đọc chia sẻ những thiệt thòi với ông Lê Minh Toán, người sở hữu 12 cuốn sổ tiết kiệm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết ông từng trăn trở, suy nghĩ để tìm giải pháp hỗ trợ, bù đắp thiệt thòi cho những người gửi tiền từ thời bao cấp.
Ông Kiêm nói: "Tôi xin chia sẻ rằng phần lớn tiền tiết kiệm của người dân là tích cóp từ đồng lương chân chính mà ra. Giờ họ không còn nhận được là bao thì đấy là những hi sinh của thế hệ trước mà họ đã cống hiến, đóng góp cho đất nước. Họ đã quá thiệt thòi...
Thời điểm Nhà nước thực hiện chính sách đổi tiền vào năm 1985, nên xem đây là rủi ro của thời cuộc, dù nhiều người oán thán rằng gửi con bò thì lấy ra chỉ được một con gà.
Trước thời điểm này, anh gửi 1.000 đồng, sau khi đổi tiền nhận được chỉ có 100 đồng. Thậm chí có người đang sung sướng, giàu có nhưng sau khi đổi tiền thì mất hết, phá sản, khánh kiệt.
Đó là tình trạng chung của xã hội khi lạm phát tăng phi mã lên tới 700%. Lạm phát những năm đó được ví như quả bom nguyên tử đánh vào kinh tế, nó không gây ra chết chóc nhưng giết chết dần nền kinh tế.
Sức mua không còn, đồng tiền mất giá. Điều này đã khiến tất cả người dân, cơ quan nhà nước đều bị mất mát rất lớn, thiệt thòi. Do đó, trong xã hội, mọi người rất sợ lạm phát tăng lên".
Với trường hợp như ông Lê Minh Toán và chị Bích Thủy, họ đã dành dụm từ tiền lương cả đời mình để gửi tiết kiệm. Vậy mà sau 20-30 năm gửi tiền, từ 2 chỉ vàng còn 0 đồng hay giá trị mua được một căn hộ giờ mua được vài ba tô phở. Nhà nước phải có chính sách gì bù đắp cho họ?
- Nếu mình truy lại và đòi nguyên giá so với khi người ta gửi tiền thì đất nước này không thể làm được. Vì tiềm lực đất nước rất có hạn.
Giờ thì không thể lấy tiền đâu mà bù cho tất cả mọi người khi chúng ta thu còn không đủ chi. Để có tiền bù đắp cho những thiệt thòi của họ thì chỉ có cách phát hành trái phiếu, nhưng nếu phát hành thì không ổn vì sẽ là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng. Nếu để lạm phát tăng cao sẽ làm khổ cả xã hội, hệ lụy rất ghê gớm.
Tôi được biết Chính phủ nhiều lần đã bàn nhưng không đưa ra được giải pháp. Dường như đến lúc này chưa thể có cách nào bù đắp được cống hiến của những người đã gửi tiền tiết kiệm từ thời bao cấp cả. Chúng ta rất muốn làm nhưng chưa có cách nào.
Qua những trường hợp như vậy, nhiều ý kiến cho rằng những người có tiền nhàn rỗi nên mua vàng, USD thay vì đem tiền mặt gửi ngân hàng. Theo ông, người dân có mất dần niềm tin khi gửi tiền vào ngân hàng?
- Tùy quyền của mỗi người thôi. Người dân có quyền lựa chọn cách sinh lời cho đồng tiền của mình sao cho tốt nhất. Nhưng nếu đầu tư vào bất động sản thì kênh đầu tư này cũng có rủi ro chứ không phải không, cả USD và vàng cũng vậy. Còn gửi ngân hàng thì lòng tin chưa cao nên họ cũng xem xét. Nhiều người gửi tiền vào ngân hàng vì không biết đầu tư tiền nhàn rỗi ở đâu.
Khi người dân có những băn khoăn, thấy tiền gửi vào ngân hàng mà không sinh lợi thì ngành ngân hàng phải xem xét. Lòng tin của người gửi tiền giảm đi thì ngân hàng nên nhận thấy đây là yếu kém của mình. Thế nên, cũng cách đây chỉ vài ba năm, cuộc đua lãi suất huy động đã diễn ra để hút tiền gửi của người dân.
Với cương vị của một đại biểu Quốc hội, ông có kiến nghị gì để Chính phủ có giải pháp hỗ trợ những người gửi tiền từ thời bao cấp?
- Nếu như có giải pháp thì Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng đã đề xuất rồi. Mục tiêu này rất tốt đẹp nhưng bị khống chế, áp lực bởi những điều kiện để thực hiện, như tôi nói trên là tiềm lực tài chính của chúng ta rất khó khăn.
Nếu đưa ra chính sách thì phải thực hiện chung cho tất cả đối tượng chứ không thể bù đắp cho người A mà lại không cho người B.
Số lượng người gửi tiết kiệm trước đây nhiều lắm, thiệt hại của họ cũng rất lớn. Người ta có 10 đồng thì người ta mất 9 đồng. Đó là lịch sử mà chúng ta đã trải qua. Mọi người có lẽ đành phải chấp nhận.
Có ý kiến đặt ra là nếu người dân đi vay nhà nước từ thời bao cấp thì sau 20-30 năm số tiền có giá mua được một căn nhà thì khi trả là vài ba bát phở không, thưa ông?
- Chính khi tôi lên làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 1989 đã phải chịu hậu quả của việc xóa nợ đó. Hồi đó có chính sách thanh toán công nợ dây dưa, tức là xóa nợ hết chứ không phải họ vay thì Nhà nước thu nợ theo giá mới đâu.
Các hợp tác xã vay khi đồng tiền giảm thì Nhà nước cũng thu được một tí, không ăn thua gì. Thế nên, nền kinh tế méo mó, trì trệ. Nhà nước nợ lương người lao động, có trường hợp nhận lương bằng khoai, bằng sắn… Mọi người đều rất khổ.
Đến thời điểm bây giờ, để người dân yên tâm gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thì hệ thống ngân hàng phải xây dựng lòng tin với người dân thế nào?
- Ngân hàng phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng, đảm bảo sức mua của đồng tiền. Nếu người ta gửi tiền vào mà có nhiều rủi ro thì chắc chắn người ta sẽ chọn kênh đầu tư khác. Nguyên tắc kinh tế thị trường phải như thế.
Để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền thì phải giữ lạm phát ổn định ở mức chấp nhận được. Trong bối cảnh hiện nay, VN là nước đang phát triển thì lạm phát ở mức chấp nhận được chỉ quẩn quanh mức 4-5%, nếu cao hơn là hỏng vì đồng tiền mất giá.
Còn nếu thấp hơn 1-2% thì không có động lực tăng trưởng, thất nghiệp, đói nghèo… đất nước sẽ lâm vào cảnh hết sức khó khăn.
Nói tóm lại là ngành ngân hàng điều hành tiền tệ để lạm phát giữ mức ổn định, để đồng tiền của người dân làm ra 1 đồng là 1 đồng. Đó là cách tốt nhất để xây dựng và duy trì lòng tin với người dân.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024