Nguyên Tổng giám đốc bia Huda lĩnh lương hưu 65 triệu/tháng
Hôm nay, QH thảo luận tại hội trường về dự án luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Điểm được quan tâm nhiều nhất là điều chỉnh mức lương hưu.
Cho rằng 2 cách tính lương được đưa ra trong luật sửa đổi sẽ làm giảm lương hưu của người lao động và gây bất bình đẳng với người nghỉ hưu trước và sau năm 2018 nên nhiều ĐBQH đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu như hiện nay.
Theo ĐB tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, nêu một ví dụ cho thấy bất cập của cách tính lương hưu hiện hành.
"Nếu được hưởng lương hưu bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ thì hiện có 1 trường hợp rất đặc biệt là ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc nhà máy bia Huda Huế hiện hưởng lương hưu 65 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội hiện nay", ông Lợi cho hay.
Ông cho rằng tuổi nghỉ hưu trung bình hiện nay là sớm (54 tuổi) trong khi tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nên thời gian hưởng dài, nếu không tính lương hưu theo nguyên tắc đảm bảo cân bằng quỹ thì sẽ rất khó khăn.
Cách tính lương hưu hàng tháng được dự thảo luật đưa ra 2 phương án tính toán:
Phương án 1: điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2: tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
ĐB Trần Thanh Hải (Chủ tịch liên đoàn lao động TP HCM) cho biết nếu áp dụng cách tính lương như dự thảo luật thì người lao động sẽ thiệt: Nam phải mất 35 năm, nữ phải 30 năm mới được hưởng tối đa 75%, trong khi bình quân hiện nay là nam 30 năm và nữ 25 năm. Nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 30% lương hưu so với nghỉ từ 31/12/2017.
Vì vậy, ông đề nghị giữ nguyên quy định về cách tính toán lương hưu như luật hiện hành.
ĐB Y Khút Niê (Đắk Lắk) cũng đồng tình cho biết các cử tri trên địa bàn không nhất trí với cách tính lương hưu mới vì quy định vậy là làm giảm lương hưu một cách vô lý, làm mất sức hấp dẫn của BHXH với người lao động và giảm tính công bằng của người nghỉ hưu trước và sau 2018, nhất là sau 2022 thì chênh nhau hơn 30 % mức lương hưu được hưởng. Theo cách tính mới, người lao động khó có thể đạt được mức lương hưu tối đa 75% khi nghỉ hưu đủ điều kiện.
ĐB Lê Trọng Sang - PGĐ Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho biết thực hiện cách tính lương hưu theo quy định hiện hành được đồng thuận cao.
“Cách tính theo dự thảo luật sẽ làm thiệt người lao động, với mức lương hưu vào năm 2018 của lao động nam sẽ là 45% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 10%, mức lương hưu của lao động nữ vào năm 2018 là 55% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 5%” - ông Sang cho hay.
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá nếu tính lương hưu theo cách mới như trong dự thảo luật thì coi như một bước “thụt lùi” vì phải đóng BHXH nhiều hơn nhưng mức hưởng hàng tháng khi về hưu lại giảm đi. “Tôi với tư cách là người lao động cũng không muốn, cử tri gặp tôi cũng nói không muốn” - ông Sơn cho hay.
Tuy nhiên, theo ý kiến của mình, ông Sơn cho rằng hiện nay quỹ BHXH mất cân đối, khả năng 10-15 năm nữa có thể vỡ quỹ. Đứng trước bài toán làm thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi, đời sống của người về hưu với khả năng cân đối quỹ BHXH có thể khiến việc ấn nút thông qua luật này sẽ có những băn khoăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo