Tin tức - Sự kiện

Nhà báo Hữu Thọ qua đời ở tuổi 84

(DNVN) - Nhà báo Hữu Thọ, nguyên trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương, vừa qua đời sáng 13/8; hưởng thọ 84 tuổi.

Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 (tức mùng 1 tháng 12 năm Tân Mùi) tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính. Nhà báo Hữu Thọ vừa qua đời vào hồi 7 giờ sáng ngày 13/8, hưởng thọ 84 tuổi.  Báo Tuổi Trẻ thông tin.

Ông là học sinh Trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội), tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội, thoát ly gia đình tham gia kháng chiến từ ngày 19/12/1946, làm liên lạc cho Tự vệ chiến đấu khu phố Tống Duy Tân, Mặt trận Hà Nội.

Nhà báo Hữu Thọ qua đời ở tuổi 84 tại Hà Nội.
Nhà báo Hữu Thọ qua đời ở tuổi 84 tại Hà Nội.

Nhà báo Hữu Thọ làm báo chuyên nghiệp từ 8/1957, là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Thư Trì, Chính trị viên trung đội du kích Căm Hờn huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình; Chính trị viên đại đội bộ đội, Khu Tả ngạn sông Hồng; tham gia tiếp quản thị xã Hải Dương, ủy viên Thường vụ thị ủy, 1955. 

Nhà báo Hữu Thọ nguyên là Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khoá 7, 8; Ủy viên Ủy ban đối ngoại Quốc hội các khoá 9, 10; nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1995 - 2001); nguyên Trợ lý Tổng bí thư (2001 - 2006). Báo Thanh niên thông tin. 

Tháng 1-2007 nhà báo Hữu Thọ nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục viết báo, trao đổi ý kiến, giữ chuyên mục "Chuyện làm ăn","Bàn góp sự đời" trên báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa, "Chuyện đời" trên tạp chí Thế giới mới...

Nhà báo Hữu Thọ luôn quan tâm đến những vấn đề xã hội.
Nhà báo Hữu Thọ dù cao tuổi nhưng đương thời ông luôn quan tâm đến những vấn đề nóng của xã hội.

 

Trong cuộc hội thảo quốc gia "90 năm Báo chí Cách mạng VN - Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm", ông từng thẳng thắn nêu bên cạnh những nhà báo tài năng, tận tụy, khiêm tốn, xã hội cũng đang nói đến những hiện tượng tiêu cực trong ứng xử của nhà báo như trịch thượng, ngạo mạn, cố chấp, không chịu nhận sai... Báo Vietnamnet thông tin.

"Đó là hai căn bệnh "lệch thị" - chỉ nhìn một phía, và "nghẽn tai" - chỉ nghe một chiều. Hai bệnh đó không chỉ có ở nhà báo, nhưng với nhà báo thì nó thành tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, rất nguy hiểm".

Ngoài 8 giải Nhất do Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng với tư cách là nhà báo, ông còn được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970), Bằng Danh dự và Huy chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).

Ông cũng nhận Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất… 

Và con người ông trong báo chí, tư tưởng có thể nhìn rõ qua lời Đề từ sách "Người hay cãi": "Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người".

 

Lễ viếng nhà báo Hữu thọ sẽ diễn ra từ 7 - 10 giờ sáng ngày 14/8, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo