Nhập nội tạng, đừng đổ lỗi WTO
Có lợi ích đằng sau ?
Thưa ông, một trong những lý do quan trọng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra trong Công văn 79 về đề xuất cho nhập trở lại nội tạng trắng là chúng ta phải “tuân thủ theo thông lệ quốc tế” của WTO. Theo ông, lý do này có thỏa đáng?
- Theo tôi, WTO không bao giờ bắt mình phải nhập cái này, cái kia. WTO chỉ yêu cầu mình không được phân biệt, đối xử, ví dụ như mình vẫn nhập hàng nội tạng của Mỹ, nhưng lại không nhập nội tạng của Úc, chuyện đó là không được. Còn giả dụ, vì vào WTO, nên phải nhập nội tạng, lý do này theo tôi là không thỏa đáng.
Riêng về trường hợp nhập khẩu nội tạng trắng, nếu chúng ta thấy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì hoàn toàn có thể dùng hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn của Việt Nam để chúng ta không nhập. Hơn nữa, hiện chúng ta đang tạm dừng và việc kéo dài quyết định này không có gì ảnh hưởng cả.
Cũng theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu chúng ta cứ cấm nhập nội tạng trắng, các nước sẽ gây khó dễ cho hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, có nghĩa là chúng ta phải đánh đổi cái này để được cái kia, việc đánh đổi này có đáng không, thưa ông?
- Nói rằng không cho nhập nội tạng trắng, các nước họ sẽ gây khó dễ cho chúng ta trong xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như rau, quả, mật ong… thì cũng không thỏa đáng. Bởi vì, hàng rào kỹ thuật, rồi tiêu chuẩn của họ đặt ra như thế nào mình cũng phải đáp ứng, chứ đừng đổ vì mình cấm nhập nội tạng, mà họ gây khó dễ cho mình.
PGS-TS Phạm Tất Thắng
Ngay cả khi mình cho nhập nội tạng, mà hàng hóa nông sản của mình vi phạm, thì họ vẫn thổi còi. Đây không phải là chuyện đánh đổi, không thể nói rằng, tôi nhập nội tạng cho anh, thì anh xí xóa cho tôi nếu có vi phạm một số tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trên rau thơm, hoa quả, rồi mật ong...
Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có giải thích, việc đề xuất cho nhập nội tạng trắng lần này là do áp lực từ các nước thành viên WTO, chứ không phải từ doanh nghiệp, song vẫn có ý kiến cho rằng đề xuất này là vì một lợi ích nào đó. Theo ông liệu có chuyện này không?
- Tôi cũng thấy có một điều là, ở những nước tiên tiến, họ không ăn nội tạng, mà chỉ dùng để chế biến thức ăn gia súc, nhưng ngay cả việc dùng làm thức ăn gia súc cũng được kiểm soát rất chặt chẽ, bởi nếu nội tạng được đưa vào mang mầm bệnh, họ cũng cấm.
Nói thật, nội tạng ở các nước tiên tiến, họ coi là rác khó xử lý. Vì vậy, nếu chúng ta nhập nội tạng của họ, tức là đi dọn rác cho họ. Tôi nói thật, nếu ai được phép nhập cái này hoặc đi làm cái này, lãi rất lớn, bởi mình có công đi dọn rác cho họ, nên chi phí cực thấp. Thậm chí, họ còn hỗ trợ cho người nhập khẩu công vận chuyển.
Ngược lại, ở nước ta và các nước lân cận, nhất là Trung Quốc, thì lại tiêu thụ nội tạng rất nhiều, thậm chí còn được coi là đặc sản. Nói như vậy để khẳng định, nhập nội tạng sẽ lãi rất lớn, nhưng lại gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất trong nước.
Do vậy, tôi nghĩ cũng phải thông cảm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bởi chắc cũng đã có hứa hẹn với một số doanh nghiệp rồi, cho nên nếu tiếp tục không cho nhập, thì cũng hơi khó xử. Song đứng về lợi ích nhiều mặt, tôi cho rằng nhất định không được cho nhập nội tạng.
Đừng đổ oan cho WTO
Theo ông, nhu cầu đối với mặt hàng này ở nước ta có lớn và liệu khi cho nhập về, chúng ta có thể kiểm soát được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm?
- Nhu cầu của chúng ta về mặt hàng này trong nước không có gì cấp thiết, theo kiểu không có không được. Thậm chí, ngành y tế còn khuyến cáo người dân không ăn vì hàm lượng cholesterol trong nội tạng rất lớn, có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Đồng thời còn có một nguy cơ nữa đối với nội tạng nhập khẩu là mang theo mầm bệnh ảnh hưởng đến đàn gia súc của chúng ta, bên họ có thể kiểm soát được nhưng mình thì không.
Về vấn đề kiểm soát, tôi thấy, ngay như mức độ hiện nay (đang cấm) đã còn khó khăn, nay lại cho nhập khẩu vào còn khó kiểm soát hơn. Bởi mình lấy đâu ra người để mà kiểm soát? Do đó, lý do mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra đều không thỏa đáng.
Có phải khi đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đã phải chấp nhận nhiều điều kiện do tổ chức này đưa ra, nên mới dẫn tới việc như hiện nay là cứ hễ muốn nhập khẩu mặt hàng gì là các bộ lại đưa ra lý do là “tuân thủ theo thông lệ quốc tế”?
-Việc không nhập mặt hàng này, mặt hàng kia, đặc biệt là các mặt hàng có nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta hoàn toàn có quyền. Bởi mình không có nhu cầu, thì mình không nhập. Không bao giờ có chuyện WTO và các nước văn minh lại đi bắp ép mình ăn cái này, cái kia cho họ. Ngay cả cứ cho là theo WTO đi, chúng ta cũng có thể hỏi lại họ, xem họ có ăn không, mà lại bắt mình ăn.
Tôi xin nhắc lại, WTO chỉ đảm bảo nguyên tắc công bằng. Nhiều khi người ta cứ đổ oan cho WTO, thực tế tổ chức này có những nguyên tắc rất chặt chẽ như không phân biệt, đối xử. Theo đó, mình đối xử với hàng hóa trong nước như thế nào thì phải đối xử với hàng hóa ngoài nước như thế đấy; đối xử với quốc gia A như thế nào, cũng phải đối xử với quốc gia B như thế. WTO không yêu cầu chúng ta bắt buộc phải nhập một mặt hàng nào đó của các nước khác mà chúng ta không có nhu cầu.
Xin cảm ơn ông!
Đoàn Huế (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo