Nhập siêu dự kiến giữ được ở mức dưới 5%
Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2015 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Tại Hội nghị, báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành Công thương, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, so với tháng 9/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 9/2015 tăng 10,1%. Tính chung trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% (cao hơn mức tăng 6,7% của cùng kỳ 9 tháng năm 2014 so với năm 2013).
Về tăng trưởng các nhóm ngành, các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến chế tạo tăng 10,2%; ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%. Nhiều sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2015 cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành như điện sản xuất tăng 12,3%; thép cán tăng 20,1%; điện thoại di động tăng 50,4%; tivi tăng 45,5%; ô tô tăng 55,3%,...
Mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 cao hơn mức tăng của cùng kỳ 2014 và 2013 (lần lượt là 6,7% và 5,4%). Bên cạnh đó, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện, có thể thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phát triển.
Nhóm ngành dệt, da giày, sản xuất sản phẩm điện tử, xe có động cơ… có sự tăng trưởng cao. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiêu, chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức gia công, lắp ráp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu.
Về xuất khẩu hàng hóa, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt gần 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI không kể dầu thô ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 21,1% và chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tăng trưởng tăng trưởng 19,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 78,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó nhóm hàng nông sản, thuỷ sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản gặp nhiều khó khăn, lần lượt giảm 9,9% và 45,5% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá 9 tháng ước đat 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 73,3%, tăng 20,7% chiếm tỷ trọng 58,8%; Kim ngạch nhâp khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 51,3 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ 2014.
Đại diện ngành Công thương, nhập siêu 9 tháng năm 2015 ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất khẩu, tháng 9/2015 ước nhập siêu 100 triệu USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,9 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15,8 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2015, xuất khẩu ước đạt khoảng 73,2% kế hoạch năm 2015 (kế hoạch là 165 tỷ USD). Khối các doanh nghiệp FDI vẫn duy trì vụ trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng ngày càng tăng, xuất khẩu của khối FDI (không kể dầu thô) 9 tháng năm 2015 chiếm 68%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm cho thấy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước còn khó khăn. Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2015 thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2014, do giá xuất khẩu giảm.
Trong 9 tháng năm 2015, các mặt hàng xuất khẩu có sự tham gia của khối FDI như máy vi tính, điện tử và linh kiện… có mức tăng trưởng xuất khẩu không mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sau một thời gian tăng trưởng cao, các mặt hàng này đã có sự tăng trưởng ổn định. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giầy dép, đồ gỗ vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại khởi sắc, trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, củng cố xu thế ổn định. Tăng trưởng công nghiệp ổn định.
Thứ trưởng ngành Công thương cũng cho rằng, mặc dù xuất khẩu ở một vài ngành hàng chưa đạt được như mong muốn nhưng về cơ bản duy trì được đà ổn định. Bộ Công Thương vẫn đang đạt được mục tiêu, chính sách và giải pháp đã đề ra với nhập siêu và dự kiến giữ được ở mức dưới 5% như Quốc hội đã giao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm