Nhiều triển vọng phát triển cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam
Theo đó, trong năm 2016, ngành xuất khẩu gỗ đã đạt hơn 740 triệu đô-la Mỹ. Năm nay, triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 và Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5-2017.
Đây là những điều kiện thuận lợi, giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Triển vọng phát triển ngành này tại châu Âu trong năm 2017 được dự báo tăng trưởng khả quan hơn nhờ hoạt động xây dựng thị trường tại EU được đẩy mạnh. Tới đây, hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA có hiệu lực. Mức thuế này được áp dụng cho các sản phẩm gỗ chế biến và sản phẩm gỗ (mức thuế trước EVFTA là 3%); đồ nội thất bằng tre hoặc mây (mức thuế trước là 5,6%); ván ép gỗ (trước là 4%), đồ trang trí bằng gỗ (trước là 3%). Cam kết này sẽ cải thiện hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU một cách đáng kể. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống phải chủ động nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất, chế biến để có thể tận dụng được lợi thế từ các cam kết trong quan hệ hợp tác, báo Nhân dân đưa tin.
Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất sang hơn 100 nước và vùng lãnh thổ. Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp gỗ và chế biến lâm sản trong nước đang tích cực triển khai Đề án Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp. Đến nay, đã có bốn mô hình hợp tác, liên kết giữa công ty chế biến, sản xuất sản phẩm đồ gỗ với người trồng rừng gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Trị. Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp các bộ, ngành rà soát văn kiện để ký kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU. Đây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.
Hiện nay, Nhiều doanh nghiệp lâu nay chủ yếu xuất bán hàng cho các đối tác ở dạng bán lẻ, vì vậy, sẽ gặp khó khăn về nguồn hàng không ổn định, giá cả phập phù thường ở mức thấp. Chưa kể, các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, sẵn sàng chào giá thấp để giành giật thị trường gây bất lợi cho ngành xuất khẩu đồ gỗ. Doanh nghiệp Việt Nam đủ sức vươn ra thế giới, không hề thua kém các doanh nghiệp nước ngoài.
Bằng chứng là hiện nay có một số doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi ký được nhiều hợp đồng lớn trang trí nội thất cho các công trình lớn ở nước ngoài. Thành công đạt được phải chọn thị trường, theo sát nhà thiết kế, chủ đầu tư; ký kết với các công ty sở tại, chọn mặt hàng có thế mạnh và nghiên cứu kỹ về giá cả. Giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn do đối tác đòi hỏi khắt khe không chỉ chất lượng, mẫu mã mà giá cả cũng khá thấp. Các công ty đáp ứng được các yêu cầu từ phía đối tác nên đơn hàng tăng gấp nhiều lần với mức giá hợp lý hơn do đó doanh nghiệp dần có lãi.
Việc khó khăn và thách thức nhất là về các giấy chứng nhận tiêu chuẩn rừng, nguồn gốc gỗ là một thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là, trong những năm tới, các nước nhập khẩu gỗ sẽ yêu cầu phải có 100% gỗ có chứng chỉ tiêu chuẩn rừng và gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ có khoảng 200 nghìn ha gỗ rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC, chỉ chiếm 8% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước.
Vietfores dự báo, để kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 thì nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ cần thêm 4 – 5 triệu m3/năm. Như vậy, đây là một thách thức không nhỏ trên con đường thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng: “Trong tương lai, đầu tư của các doanh nghiệp gỗ của Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng nhanh chóng. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp Trung Quốc để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ cho sản xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo