Nhọc nhằn… ngoại ngữ hiếm
Sự lựa chọn dũng cảm
Thời gian gần đây xu hướng học các ngoại ngữ lạ và hiếm đang trở thành trào lưu trong giới trẻ. Điều này không chỉ xuất phát từ sự đam mê, muốn tìm hiểu cái mới mà chủ yếu bởi lý do mưu sinh, tìm kiếm việc làm. Sự lựa chọn này được cho là dũng cảm bởi việc học một ngoại ngữ ít thông dụng luôn gặp nhiều trở ngại.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, Vũ Thu Trà (ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đã lập kế hoạch ngay từ khi mới bước chân vào trường Đại học Hà Nội. Dù đã thi đỗ vào khoa tiếng Anh nhưng Trà lại đăng ký học thêm tiếng Ý. “Ban đầu khi thấy em đi học tiếng Ý, bạn nào cũng cản vì cho rằng đây là thứ tiếng không thông dụng, vừa mất tiền lại mất thời gian, sau này không dùng cũng phí. Tuy vậy, em nghĩ nếu chỉ có tiếng Anh thì khi ra trường rất khó xin việc.
Quyết tâm là thế nhưng để theo học được thứ tiếng “lạ” này đối với em không đơn giản. Do còn khá mới ở Việt Nam nên tài liệu về tiếng Ý hầu như không có, giáo trình tại lớp lại không đủ nên em phải đến các nhà sách, thư viện để tìm mua song số lượng rất hạn chế và giá khá đắt. Bên cạnh đó, giáo trình thứ tiếng này hầu hết viết bằng tiếng Anh nên khi muốn hiểu nghĩa lại phải học nhuần nhuyễn tiếng Anh trước.
Ngoài ra, việc hoàn thiện những kỹ năng như nghe và nói tiếng Ý rất khó khăn do thiếu băng, đĩa hay video. Chưa kể đến việc, tiếng Ý với tiếng Anh do có chung ngữ hệ Latin nên rất dễ nhầm lẫn. Thêm vào đó, do có ít người học tiếng Ý nên khó để thực hành, học nhóm hay trao đổi bài với nhau” - Trà chia sẻ.
Cũng với mục đích tìm kiếm việc làm, sau khi học xong chương trình Đại học chuyên ngành tiếng Trung, Vũ Tuấn Thanh, ở quận Tây Hồ, Hà Nội lại chọn tiếng Hàn Quốc để theo học nhưng chỉ mới được nửa khóa học, Thanh đã phải bỏ dở giữa chừng.
Thanh tâm sự: “Do thấy nhu cầu về phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc ngày càng nhiều nên tôi đã đăng ký học một lớp tiếng Hàn sơ cấp. Tuy vậy, chỉ sau vài tháng theo học, sự chán nản đã thay thế cho cảm giác hào hứng ban đầu. Dù không phức tạp như chữ Hán nhưng để nhớ được các nét chữ Hàn là điều không đơn giản. Hơn nữa, cấu trúc câu trong tiếng Hàn Quốc rất phức tạp, cú pháp và cách chia động từ rắc rối khiến cho việc học tiếng Hàn gặp nhiều khó khăn. Tôi đành bỏ cuộc và chấp nhận mất toàn bộ số tiền đã nộp”.
Càng hiếm càng dễ xin việc
Theo bà Vũ Thu Hạnh - chuyên gia về ngôn ngữ học: “Có thể nói 5 thứ tiếng khó học nhất hiện nay là tiếng Arập, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hungary. Tuy vậy, những sinh viên thông thạo những ngôn ngữ này sẽ có nhiều cơ hội khi tìm kiếm việc làm. Để đáp ứng nhu cầu học tập của các em, hiện một số trường Đại học đã tổ chức đào tạo một số ngôn ngữ hiếm. Tôi được biết, tình trạng khan hiếm lao động thành thạo tiếng hiếm đang diễn ra ở khá nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Đây là điều vô cùng đáng tiếc, đặc biệt là khi còn khá nhiều sinh viên ngoại ngữ ra trường đang thất nghiệp”…
Cũng theo bà Hạnh, việc học bất cứ ngoại ngữ nào cũng đòi hỏi sự kiên trì. Để học ngoại ngữ thành công, các em cần thiết lập những ước muốn thực tế, phân chia thời gian học một cách hợp lý, học từ vựng hiệu quả, thực hành từ vựng một cách chủ động, làm bài tập về nhà chu đáo, hình thành những nhóm học tập. Bên cạnh đó, các em cần xác định phong cách học tập nghiêm túc, sử dụng thời gian có mục tiêu, tăng cường giao tiếp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến giữa năm 2011, trên cả nước có trên 5.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế có thẻ hành nghề, song số hướng dẫn viên tiếng hiếm (Tây Ban Nha, Thái Lan, Italia, Bulgaria, Indonesia, Rumani...) chỉ có gần 200 người. Do đó, cơ hội về việc làm dành cho những người thông thạo ngoại ngữ hiếm rất lớn…
Để sử dụng được ngoại ngữ hiếm một cách thành thạo, người học cần đầu tư nhiều thời gian và công sức cũng như sự nỗ lực và quyết tâm cao. Do vậy, trước khi quyết định học ngoại ngữ mới, mỗi cá nhân cần suy nghĩ kỹ và đầu tư thời gian hợp lý, không nên chạy đua theo phong trào kẻo vừa tốn công vừa tốn của…
Theo ANTĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Profile khủng của sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên làm Chánh Văn phòng cố vấn Cảnh sát LHQ ở New York
Khám phá loài động vật có khả năng đi lộn ngược 180 độ trên cây, hạ gục con mồi bằng chiêu tuyệt đỉnh
Gấu nước là gì mà gần như không thể tiêu diệt kể cả đốt cháy, đóng băng ở nhiệt độ âm 200 độ
Sắn có chứa chất độc nhưng người dân châu Phi vẫn trồng với số lượng rất lớn, không sợ ngộ độc vì ăn sắn hàng ngày sao?
CLIP: 'Đơn thương độc mã', linh cẩu 'tung chiêu độc' hạ gục linh dương trong vòng '1 nốt nhạc'
CLIP: Cả gan trộm đồ ăn của sư tử, linh cẩu nhận cái kết thê thảm