Những chia sẻ "lạnh người" về mặt tối trong công việc ở Amazon
Cũng sau bài viết cùng phát ngôn “Thà làm người vô gia cư còn tốt hơn làm việc cho Amazon” thì ở khắp các diễn đàn lớn như Quora hay Reddit, nhiều người tự xưng là nhân viên tại Amazon cũng đã tiếp tục lên tiếng chia sẻ về những câu chuyện của họ.
Được "tặng" cổ phiếu, chưa kịp nhận đã bị đuổi việc
Amazon quy định trao 80% lợi tức cho cổ phiếu thuộc về mỗi nhân viên. Tuy nhiên họ chỉ được nhận số lợi tức đó sau 2 năm làm việc tại đây.
"Vấn đề là tất cả mọi người khi nhận được lời hứa về số cổ phiếu nói trên, đều lấy nó làm động lực để phấn đấu làm việc. Thế nhưng hầu hết đều bị "tống cổ" trước thời điểm đó" - một nhân viên giấu tên của Amazon chia sẻ trên Reddit.
Không "sướng" như ở Google hay Facebook
Eric Aderhold, cựu kĩ sư phần mềm của Amazon đã "đá đểu" công ty cũ của mình trên Quora: "Amazon sẽ giúp cuộc sống của mọi người trở nên "thanh đạm" hơn vì không bao giờ hỗ trợ ăn trưa, trả đủ tiền bảo hiểm, làm từ thiện hay đầu tư các thiết bị lao động cần thiết cho nhân viên như các công ty khác".
Ông cũng cho rằng, nhờ sự "bủn xỉn" đó mà Amazon mới có thể phát triển như ngày hôm nay. Nhưng cũng vì thế mà Amazon không thể giữ chân những "tướng tài" khi mà các công ty khác sẵn sàng chào đón họ với những khoản phúc lợi hấp dẫn.
Mất cân bằng trong cuộc sống
Rất nhiều nhiều nhân viên tại đây phải làm việc tới đêm hoặc thậm chí cả ngày nghỉ lễ. "Cá nhân tôi chưa từng được tham gia bất cứ hoạt động ngoại khóa nào tại Amazon, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh công việc" - một nhân viên giấu tên viết.
Amazon chỉ được trang Glassdoor chấm 2,7/10 điểm cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên. Điều này đi ngược lại hoàn toàn sự phát triển của các công ty tại thung Lũng Silicon đối với nhân viên của mình. Phụ nữ làm việc tại đây chỉ được trả lương cho 8 tuần nghỉ phép sinh nở, thay vì 12 tuần như những công ty khác.
Luôn bù đầu với lịch trực
Các nhân viên kỹ thuật tại Amazon phải dành cả ngày nghỉ để nghe những cuộc gọi về công việc. Họ có thể bị yêu cầu phải sửa bất kỳ lỗi nhỏ gì trong ngày với thời gian phản hồi chỉ là 15 phút.
"Mặc dù điều đó chỉ diễn ra một tuần trong tháng, nhưng tôi dần cảm thấy mệt mỏi trong việc sắp xếp cuộc sống của mình, khi mà công việc làm ảnh hưởng tới mọi vấn đề khác", Eric Aderhold chia sẻ thêm.
"Bạn sẽ phải tỉnh giấc lúc 2h sáng để đánh thức một nhân viên khác vào lúc 2h15', chỉ để có thể khởi động lại một máy chủ", một nhân viên giấu tên chia sẻ.
"Mệnh lệnh của Jeff" là tối cao
Một nhân viên đã viết : "Jeff Bezos - CEO của Amazon quản lý tới từng phần nhỏ nhất của công ty. Bạn sẽ luôn trong tình trạng thụ động, khi email của lãnh đạo có thể tới bất cứ khi nào. Khi bạn nhận được một mệnh lệnh từ cấp trên, ngay lập tức phải hoàn thành nó dù bạn đang làm gì, ở đâu. Mệnh lệnh của Jeff luôn phải được ưu tiên cao nhất".
Xếp hạng nhân viên, đuổi việc người xếp sau
Nghe rất giống nội dung của bộ phim "The Hunger Games", mỗi năm quản lý sẽ viết những báo cáo về nhân viên của mình và xếp hạng họ. Nhân viên tại đây được xếp hạng theo hiệu suất làm việc của họ, và những người nằm dưới cùng sẽ bị loại bỏ mỗi năm.
"Bạn sẽ phải học cách chà đạp lên những đồng nghiệp khác để tồn tại, đó là một cảm giác thật kinh khủng!" - Một nhân viên mảng tiếp thị chia sẻ.
Hệ thống làm việc làm tăng "sức cạnh tranh" giữa đồng nghiệp với nhau, một cách quá mức. "Nhiều nhân viên cho đó là nguyên nhân của sự rạn vỡ âm thầm giữa các đồng nghiệp. Họ mô tả điều này giống như việc bị chính những đồng nghiệp của mình 'chôn sống' cùng một lúc".
Liên tục đào thải
Một kế hoạch có tên "cải thiện hiệu suất (PIP)" là một chương trình dài 3 tháng mà Amazon dành cho nhân viên của mình nếu năng suất làm việc của họ giảm sút. Mặc dù PIP là một chương trình đưa nhân viên trở lại quá trình thử việc, dưới sự kiểm soát gắt gao của người quản lý, nhưng theo mô tả của những nhân viên tại đây, nó giống một biện pháp "buộc nhân viên phải nghỉ việc".
"Tại Amazon, PIP đang được sử dụng như một công cụ để "xử lý" nhân viên. Một khi bạn đã bị đưa vào chương trình này, mọi cử chỉ hành động của bạn sẽ bị theo dõi gắt gao như đang trong quá trình thử việc vậy." - một cựu nhân viên giấu tên chia sẻ.
"Nhiệm kỳ" làm việc trung bình là 1 năm
Theo khảo sát, thường thì người lao động tại Amazon bị thay thế sau 1 năm làm việc. Có thể là họ nghỉ việc hoặc bị điều chuyển sang bộ phận khác.
Như đã miêu tả về sự "đào thải" nhân viên ở trên, Amazon gần như không hề quan tâm đến nhân viên của mình. Rõ ràng phương pháp quản lý của họ là vô cùng thông minh và đem lại hiệu quả cao cho công việc kinh doanh của mình. Nhưng nó dẫn tới những sự bất bình của nhân viên tại đây.
Có lẽ trong thời gian tới đây, cái tên Jeff Bezos và công ty Amazon sẽ còn tốn khá nhiều giấy mực của báo chí.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo