Khám phá

Những chữ cái bị kỳ thị

Bảy chữ cái bị kỳ thị và bốn chữ cái được dùng lậu là cách nói của tiến sĩ Lê Vinh Quốc về bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành.

Bảng chữ cái tiếng Việt theo mẫu tự Latin gồm 29 chữ đã được chính thức thừa nhận từ lâu. Tuy nhiên, sự phát triển của tiếng Việt hiện hành trong thời đại công nghệ thông tin đã làm bộc lộ một số vấn đề cần giải quyết để nó được hoàn thiện hơn.

 

Bảy chữ cái bị kỳ thị

 

Trong bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành có bảy chữ đặc biệt, được tạo thành bằng cách bổ sung các dấu hiệu (“thêm mũ, thêm râu”) vào năm chữ cái Latin gốc (A, D, E, O, U) để làm thành những chữ cái mới cho riêng tiếng Việt (tạm gọi là các chữ biến thể). Đó là: Ă và Â (biến thể của A), Đ (biến thể của D), Ê (biến thể của E), Ô và Ơ (biến thể của O), Ư (biến thể của U).

 

Nếu chỉ sử dụng để đánh vần (hay ghép vần), đọc, viết hay biên soạn từ điển thì những chữ biến thể này dường như không có vấn đề gì phải bàn. Nhưng khi sử dụng chúng trong những trường hợp khác lại có vấn đề phát sinh.

 

Khi cần sắp xếp một hệ thống nào đó theo vần chữ cái, người ta chỉ dùng các chữ cái Latin gốc mà không dùng đến các chữ biến thể đó. Chẳng hạn, khi dùng bảng chữ cái để ghi ký hiệu các hàng ghế của hội trường, nhà hát, rạp chiếu bóng, sân vận động hay tàu xe, người ta đều ghi theo thứ tự như sau: A, B, C, D, E, G (...) O, P, Q (...), T, U, V, X, Y... Như vậy tức là các chữ biến thể (Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư) đã hoàn toàn bị loại bỏ.

 

Khi cần trình bày các luận điểm theo thứ tự vần chữ cái, người ta cũng thản nhiên bỏ qua những chữ đó. Trong các môn học ở nhà trường, khi cần dùng bảng chữ cái để trình bày các ký hiệu hay công thức, những chữ này không bao giờ được áp dụng. Chẳng hạn ở môn hình học luôn có các tam giác A - B - C, nhưng chưa bao giờ có tam giác A - Ă - Â!

 

Áp dụng bảng chữ cái tiếng Việt vào công nghệ thông tin, người ta chỉ dùng font chữ tiếng Việt với đủ các chữ biến thể khi phải viết các văn bản tiếng Việt, còn trong những trường hợp khác thì sự kỳ thị đối với các chữ “thêm mũ, thêm râu” đó đã trở nên gần như tuyệt đối.

 

Khi dùng điện thoại di động để nhắn tin, người ta cũng thường bỏ hết những chữ “thêm mũ, thêm râu” trong font tiếng Việt (trừ trường hợp thật cần thiết mới dùng).

 

Như vậy, trong học thuật cũng như trong cuộc sống hằng ngày, sự kỳ thị đối với các chữ cái biến thể từ lâu đã trở nên hết sức phổ biến, đến mức người ta coi đó là chuyện đương nhiên và bình thường.

 

Nhưng nếu xét về tính khoa học của một ngôn ngữ thì việc 7/29, tức gần 1/4 số chữ cái không được sử dụng trong các trường hợp nêu trên lại cho thấy sự không bình thường của bảng chữ cái chính thức: những chữ cái biến thể không được coi là bình đẳng với những chữ khác.

 

Bốn chữ cái được dùng lậu

 

Trong khi bảy chữ có vị trí chính thức trong bảng chữ cái nói trên bị kỳ thị thì bốn chữ “ngoài luồng”: F, J, W và Z không có tên trong bảng đó lại được sử dụng thường xuyên và ngày càng được trọng dụng.

 

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, cả bốn chữ cái này đã được dùng trong ngôn ngữ điện tín để thay cho dấu giọng và thay cho những chữ “thêm mũ, thêm râu” nêu trên. Khi ghi ký hiệu các hàng ghế người ta loại bỏ các chữ biến thể nhưng lại thêm vào bốn chữ cái gốc Latin này.

 

Cả bốn chữ đó nằm trong học vấn ở nhà trường từ lâu với “lực F”, thang nhiệt độ F, các nguyên tố hóa học Flo, Fe, Wonfram, Zn, thời đại cổ sinh học “kỷ Jura” hay định luật “Jun-Len xơ”, với các bài toán tìm ẩn số x - y - z, các đơn vị đo công suất điện W hay kW hoặc đo sóng điện từ kHz, MHz và tên gọi của hàng loạt hóa chất như bazơ, saccarozơ, glucozơ, benzen...

 

Chúng cũng chính thức hiện diện trong tên gọi tắt của các cơ quan, xí nghiệp của nước ta: Fafilm, Fahasa, TFS, VFF, Z751, Z755, Z25...

 

Chúng thường xuyên xuất hiện trong các văn bản liên quan đến quan hệ quốc tế qua những tên gọi tắt của UNICEF, FAO, IMF, FIFA, AFC, WB, WTO, WHO... Trong đời thường mọi người đã quá quen với tần số FM, máy fax, đèn flash, festival, quần jeans, nhạc jazz, võ judo, thịt jambon, khu vực WC...

 

Chữ Z được dân ta đặc biệt ưa thích nên một số người đã thêm nó vào tên của mình (Dzoãn, Dzếnh, Dzũng...), hoặc chêm vào từ thuần Việt (dzậy, dzũa, dzui dzẻ...) và thường nói câu “từ A đến Z” thay cho câu “từ A đến Y”!

 

Nếu kể cả những tên người, tên đất và tên các sản phẩm của nước ngoài được viết đúng theo từ gốc trong các văn bản của nước ta thì tần suất hiện diện của bốn chữ đó nhiều vô số kể.

 

Đặc biệt là trong công nghệ thông tin, bốn chữ này đã trở thành những ký tự không thể thiếu và bắt buộc phải dùng.

 

Theo đó, mọi website đều phải gắn liền với chùm ký tự “www” và phải viết đúng chuẩn quốc tế (chẳng hạn như website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: www.vff.org.vn); trong khi các phím shift, page down, F1, F2, F3, F4... là những quy chuẩn quốc tế trên bàn phím của máy tính điện tử mà ai dùng cũng phải biết.

 

Nói chung, F, J, W và Z đã trở thành những chữ cái thông dụng và cần thiết trong xã hội nước ta. Sự khiếm khuyết các chữ này trong bảng chữ cái tiếng Việt đã làm việc sử dụng chúng không có cơ sở pháp lý, khiến chúng trở thành những chữ cái được dùng lậu.

 

Giải pháp chuẩn hóa

 

Sự tồn tại của bảy chữ bị kỳ thị cùng bốn chữ được dùng lậu cho thấy bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành thiếu tính chính xác và nhất quán để có thể áp dụng đầy đủ cho mọi trường hợp. Những chuẩn mực quốc tế trong thời đại văn minh thông tin đã chứng tỏ sự kỳ thị và dùng lậu như vậy là xác đáng và cần thiết.

 

Do đó vấn đề chuẩn hóa bảng chữ cái tiếng Việt đã được đặt ra một cách cấp bách, để việc sử dụng các chữ cái đó trở nên hoàn toàn thỏa đáng.

 

Giải pháp khả thi trước mắt cho việc chuẩn hóa này chính là việc bổ sung bốn chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái hiện hành. Sau đó sẽ từng bước xem xét về những tác dụng mới của bốn chữ này cùng với vị trí và vai trò của bảy chữ cái biến thể đối với vần quốc ngữ và bảng chữ cái.

 

Đến nay, các nhà ngôn ngữ học vẫn không hiểu vì sao khi sáng tạo ra chữ quốc ngữ, linh mục Alexandre de Rhodes đã loại bỏ bốn chữ cái gốc Latin nêu trên để rồi phải dùng PH thay cho F, dùng GI thay cho J và dùng D để ghi cái âm đáng lẽ thuộc về Z; rồi lại phải chế ra chữ Đ để ghi cái âm vốn thuộc về D?

 

Dù sao đi nữa, giải pháp chuẩn hóa bảng chữ cái như vậy cũng là một việc rất khó khăn phức tạp, vì nó đụng đến nhiều vấn đề hệ trọng của vần quốc ngữ đã được quen sử dụng từ hàng trăm năm nay. Vì vậy, giải pháp này cần được thảo luận kỹ để xúc tiến một cách hết sức thận trọng.

 

 

Theo TT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo