Những chuyện khủng khiếp chưa từng biết về máu và đá đỏ ở tây Nghệ An
Kỳ 1: Dấu ấn một thời tàn khốc
Chúng tôi đặt chân đến mảnh đất Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An, lúc tầm 5h chiều, nhưng trời cũng đã tối. Cái lạnh buốt của mùa đông, những vệt nắng cuối ngày hiu hắt chiếu xuống, ai cũng cảm thấy có chút nao lòng.
Dừng xe ven đường, nghe văng vẳng giọng hát xẩm não nùng: "Anh đi đào đá đỏ, ở vùng mỏ Quỳ Châu. Anh biết tìm đâu, tìm đâu ra đá đỏ... Ra đi tìm đời sống cao sang, ngỡ đâu xác thân nằm lại rừng hoang vu. Thương cho bao người mẹ, người vợ sống cô đơn nay tang trắng vọng trên đầu...".
Cho tới giờ, ở miền đất phía tây xứ Nghệ này, vẫn thường xuyên nghe thấy giai điệu xẩm buồn cất lên, lời hát như thấm đẫm máu và nước mắt.
Thê lương, da diết, đau đớn quằn quại và trên hết là chất giọng có một không hai của một lão già mù vác cây đàn ghi ta đi tìm con 24 năm trước, nghe như mới vừa hôm qua.
Người ta kể rằng, lão tên Trung, trước thường hát rong kiếm sống ở bến xe huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Thời mảnh đất Châu Bình lên cơn sốt đá đỏ những năm thập niên 90 thế kỷ trước, hàng vạn người từ mọi miền đất nước đổ xô về đây tìm vận may, đứa con trai duy nhất của lão cũng bỏ nhà đi đào đá.
Khi nghe tin đồn con trai bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc này, lão vội bắt xe lên, nhưng hỏi ai cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: “Người chết nhiều lắm, biết con lão chết hồi nào đâu”.
Thương con, lão khóc, khóc cho đến lúc mờ hết cả mắt, rồi cứ ngồi một góc nơi ngã ba Quỳ Châu mà hát, vừa để kiếm ăn, vừa hy vọng rằng con trai mình nếu như còn sống, sẽ nghe tiếng hát và tìm về bên lão. Hơn năm trời, lão âm thầm biến mất, nghe đồn lão đã chết trong đau khổ tuyệt vọng.
Chẳng biết câu chuyện thực hư thế nào, nhưng cái tên Trung mù và bài hát từ gan ruột của lão thì người dân ở miền thủ phủ đá đỏ một thời này không ai không nhớ. Ngày đó, những đứa trẻ đến người già, phu đào đá đến tội phạm... ai cũng thuộc lòng.
Tiễn đưa những người xấu sổ bỏ mạng, người ta hát lời của lão, vui cũng hát, buồn hát, đau khổ bất hạnh cũng hát... bởi lời hát là những tâm sự, là toàn bộ bức tranh chân thực nhất của một thời “đá và máu” ở mảnh đất miền tây xứ Nghệ.
Anh Nguyễn Đức Nguyên, một người dân ở trung tâm xã Châu Bình dẫn chúng tôi thăm lại những dấu tích cũ. 24 năm sau ở vùng đất đá đỏ, rừng xanh đã kịp bao phủ lên những dấu vết nham nhở, lở lói của một thời đào núi tìm đá. Nếu như không được biết, không được nghe kể, chẳng ai nghĩ rằng miền quê bình yên này đã từng trải qua một biến cố tàn khốc.
“Bão” đá đỏ qua đi, để lại những vùng đồi xác xơ, những bản làng đìu hiu, vắng lặng. Tài nguyên đá quý cạn kiệt, có người thoáng chốc trở nên giàu có nhờ buôn bán đá đỏ. Nhưng đồng tiền “dưới đất chui lên” ấy cũng thoáng chốc bay vèo! Người dân sống quanh mỏ đá đỏ thì nghèo vẫn hoàn nghèo...
Anh Nguyên cũng là một tay buôn đá đỏ có hạng vào thời điểm ấy, sau bỏ nghề mở một quá cafe ngay cạnh ủy ban xã sinh sống qua ngày. Nhắc lại câu chuyện cũ, anh thở dài: “Thời ấy, vàng tính bằng xâu, tiền thì cứ cân từng xấp lên rồi ước lượng chứ nhiều không đếm xuể. Tuy nhiên, cơn bão qua đi, cho đến giờ đá còn thì người mất, mà người còn thì đá mất”.
Những địa danh nổi tiếng như đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Mồ, đồi Liệt... vẫn còn đó và giờ đã phủ một màu xanh ngắt, lặng lẽ, rêu phong, u uất như còn đó những oan hồn đá đỏ như còn quanh quẩn đâu đây.
Mới năm ngoái, nghe đâu người ta còn đào được một bộ hài cốt của phu đào đá đỏ hơn 20 năm trước. Chuyện là có một gia đình ở huyện Đô Lương, Nghệ An có người cháu gái theo đoàn đi đào bị sập hầm, tìm mãi không thấy xác.
Phải đến đầu 2014, có người đi rừng vô tình thấy lộ ra mảnh vải, họ đào xuống thì mới phát hiện ra đó là xác người vùi lấp. Chỉ còn bộ xương, nhưng thông qua bộ quần áo nhàu nhĩ bùn đất, cũng đủ nhận diện những đặc điểm để thông báo cho gia đình người xấu số lên nhận xác về chôn cất.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những khu đồi xung quanh xã Châu Bình có cái tên lạ như vậy. Trước khi cơn bão đá đỏ tràn qua mảnh đất này, không ai biết nó mang tên gì, nhưng sau đó được gọi bằng những cái tên gắn liền với ký ức thời “đá và máu” ấy, lâu dần thành quen, như đồi Tỷ (đá đỏ ở khu đồi này đào lên có giá tiền tỷ), đồi Triệu (đá bán tiền triệu), đồi Liệt (đào xới liệt cả tay nhưng không có đá), hay đồi Mồ (khu mồ của người Thái nhưng cũng bị đào xới bung bét để tìm đá quý)...
Đến bây giờ, chẳng ai còn có thể nhớ nổi người tìm thấy đá đỏ đầu tiên ở mảnh đất này, ai đã khơi nguồn lòng tham của con người, để rồi sau đó đưa họ vào cảnh tranh giành, chém giết lẫn nhau.
Nghe đồn, mỏ đá quý trên đất Châu Bình vô tình được phát hiện vào cuối năm 1989, khi một đoàn kỹ sư về khảo sát địa chất và nhặt được viên đá có màu sắc lấp lánh rất đẹp, nặng khoảng 0,5gram tại khu vực đồi Tỷ. Năm 1990, viên đá mang ra trưng bày tại một hội chợ quốc tế diễn ra ở Hà Nội, chuyên gia đá quý Thái Lan mua lại với giá hơn 600.000 USD sau phiên đấu giá.
Câu chuyện vẫn chưa về đến vùng đất Châu Bình, cho nên cuộc sống vẫn lặng lẽ bình yên như thường ngày. 4 tháng sau đó, cũng tại khu vực đồi Tỷ, viên đá thứ 2 được phát hiện, bán ở Vinh được 575.000 USD.
Ông Đỗ Văn Hiệp, năm nay 76 tuổi, chủ một quán ăn ven quốc lộ 48, là một trong những người đầu tiên tham gia tìm đá đỏ kể rằng, quê ông gốc Hải Phòng, năm 1961, vào làm ở lâm trường Châu Bình và sau đó định cư luôn ở đây. Hồi đó thỉnh thoảng ra suối, ông vẫn nhặt được những viên đá có màu sắc óng ánh, không hề biết đến giá trị của nó, viên xấu ông vứt đi, viên đẹp mang về... cho con cháu chơi.
Đầu năm 1990, người con trai đầu của ông tên Đỗ Văn Lý, một lần đi chăn bò nhìn thấy một tổ 10 người lạ mặt dựng lán ven khe Cháy, họ hì hục đào từng lỗ to, rồi cứ múc đất đá và đãi, nhặt lên những viên đá nhỏ li ti bằng hạt gạo màu đỏ.
Anh con trai cũng tìm được 1 viên mang về hỏi, ông Hiệp nhìn bảo rằng đó là đá. Tuy nhiên, thấy đám kỹ sư cứ hì hục trong rừng suốt cả tuần lễ, ông Hiệp tò mò ra hỏi thì nhận được câu trả lời là họ đang làm quặng.
Còn tiếp...
End of content
Không có tin nào tiếp theo