Khám phá

Những ‘cuộc ra đi’ lặng lẽ trên thị trường viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa chính thức ký quyết định thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ di động ảo của Đông Dương Telecom, xác định sự ra đi của mạng di động ảo này trên thị trường di động.

“Ảo vọng” Đông Dương Telecom

Ngày 19/8/2009, Bộ
Thông tin & Truyền thông đã chính thức trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động cho Công ty Đông Dương Telecom. Về bản chất, đây là mô hình bán lại dịch vụ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực di động, gọi nôm na là mạng di động ảo. Thời điểm đó, đại diện của Đông Dương Telecom cho biết, trước mắt, Đông Dương Telecom sẽ tập trung hợp tác với Viettel, nhưng trong tương lai có thể mở rộng hơn sử dụng hạ tầng với các nhà cung cấp khác.

Vị này cũng thừa nhận trong bối cảnh thị trường di động ngày một cạnh tranh, Đông Dương Telecom cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng có những thuận lợi vì đã có những doanh nghiệp đi trước sẵn sàng chia sẻ hạ tầng, được lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tốt, lại là người đi đầu trong loại hình này.

Ngoài thế mạnh là sự hợp tác hạ tầng với Viettel, Đông Dương Telecom còn có lợi thế đáng kể khi sở hữu hai dải của đầu số “vàng” 099 (0998 và 0999).

Thế nhưng, hơn 3 năm sau khi được cấp phép, Đông Dương Telecom vẫn không thể cung cấp dịch vụ mạng di động ảo trên thị trường, trong khi bối cảnh thị trường viễn thông thay đổi mạnh mẽ và cơ hội dành cho mạng di động ảo ngày càng hẹp cửa.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thu hồi giấy phép mạng di động ảo của Đông Dương Telelecom vì quá thời gian quy định phải cung cấp dịch vụ nhưng không triển khai cung cấp đã xác định Đông Dương Telecom sẽ chính thức nói lời chia tay với thị trường di động.

Sắp có những cuộc chia tay khác?


Diễn biến thị trường viễn thông thời gian qua cho thấy, có những
doanh nghiệp viễn thông lớn vẫn phát triển khá tốt, song một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ đang trong tình trạng rất bi đát.

Có chuyên gia cho rằng, trên thị trường viễn thông đang tồn tại những
doanh nghiệp mà “chết còn dễ hơn sống”. Cái tên được nhắc đến đầu bảng vẫn là S-Fone, khi nhà mạng này đang “lao dốc không phanh” do không có tiền đầu tư, phải thu hẹp mạng của mình. Điều đó khiến cho thuê bao của S-Fone phải đành rời mạng do không còn vùng phủ sóng.

Trong quá trình vật lộn, nhà mạng này còn phải đối mặt với sự phẫn nộ của nhân viên do bị chấm dứt hợp đồng và nợ nghĩa vụ. Hiện tại, S-Fone đang "ôm" một khoản nợ khổng lồ gồm tất cả các khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích.

Trước khi chủ thương hiệu Beeline chính thức rút khỏi liên doanh, mạng Beeline đã từng phải vật lộn với số lượng thuê bao ít ỏi trong khi chi phí làm thương hiệu và gây dựng hạ tầng lớn. Giờ, nhiều chuyện gia vẫn cho rằng, sau khi thay đổi thương hiệu và chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn của Việt Nam, Gmobile chưa có đột phá gì đáng kể.

Trong bối cảnh thị trường viễn thông cạnh tranh khắc nghiệt, một cuộc sáp nhập như câu chuyện của Viettel và EVN Telecom sẽ rất khó diễn ra, bởi các
doanh nghiệp nhỏ không ai có đủ sức hút với doanh nghiệp khác, trong khi mỗi nhà mạng đang phải lo giữ mình.

Bộ Thông tin & Truyền thông vẫn bảo vệ quan điểm phải thực hiện theo đúng quy hoạch thị trường viễn thông là duy trì ít nhất có 3
doanh nghiệp ở thế cân bằng những dịch vụ quan trọng để giúp cho thị trường cạnh tranh theo đúng cơ chế thị trường, nhưng đại diện Cục Viễn thông chia sẻ với báo chí rằng, doanh nghiệp lớn thì có năng lực cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ không có năng lực cạnh tranh. Khi họ chọn thị trường hợp lý, có phương pháp kinh doanh hiệu quả thì sẽ vẫn tồn tại và họ phải được đảm bảo quyền thâm nhập thị trường. Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp này, nhưng cũng sẽ không bảo vệ bằng mọi giá tất cả các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh.

 

 

Như Trâm (Theo Pháp luật VN)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo