Những ‘quả bom xịt’ của làng công nghệ
Không phải cái mới nào cũng thành công. Không phải sự cải tiến nào cũng được đón nhận. Những ý tưởng, sản phẩm thành công nhất đôi khi không phải là những thứ tốt nhất. Có chăng nó đã xuất hiện đúng lúc. Và những thứ không đúng lúc sẽ buộc phải lui về phía sau.
Ảnh: Wired
2006 - Microsoft Zune
Chiếc máy nghe nhạc Zune được tạo ra để trở thành đối thủ của iPod. Nhưng nó đã không thành công.
Có mặt trên thị trường lần đầu tiên vào cuối năm 2006, nhưng chỉ sau 5 năm, Zune đã trở thành quá khứ. Zune từ thế hệ đầu tiên đến thế hệ thứ ba vẫn còn được khá đông người nghe nhạc chú ý, nhưng đến khi ra mắt Zune HD thì hãng lại vấp phải những sai lầm cố hữu của một tay đua thiếu bền sức: chậm ra mắt, không có một nền tảng phần mềm đủ mạnh hỗ trợ khiến cho Zune HD mất dần vị thế so với iPod. Trong khi thị phần máy nghe nhạc của Apple chiếm tới hơn 80% thì thị phần của cái tên đến từ Microsoft ngày càng co lại.
Robbie Bach, cựu lãnh đạo mảng kinh doanh thiết bị di động và giải trí gia đình của Microsoft đã lý giải về thất bại này: Chúng tôi đã không đủ dũng cảm và cho ngừng một sản phẩm được tạo ra để đuổi theo Apple. Nó không phải là một sản phẩm quá tồi, nhưng chung quy nó vẫn chỉ là một sản phẩm “đuổi theo” chứ không phải “đuổi kịp”. Nó không đủ sức để khiến cho mọi người thất lên “Ồ, mình phải chạy ngay ra cửa hàng mua nó ngay thôi”.
2006 - Mobile ESPN
Ảnh: Business Insider
Là một kênh thể thao nổi tiếng, song sự thâm nhập của ESPN vào thị trường vô tuyến viễn thông lại không mấy thành công. Cùng với Amp'd Mobile, Helio, Disney Mobile, Mobile ESPN đã trở thành một trong những dịch vụ di động thất bại nhất trong lịch sử.
Ý tưởng ban đầu của ESPN là bán độc quyền một chiếc điện thoại cung cấp những nội dung và video độc đáo của ESPN. Thế là một thiết bị chuyên biệt đã ra đời dưới nhãn hiệu Sanyo với giá khởi điểm 400 USD.
Nhưng chẳng ai mua nó cả. Tháng 1/2006, ESPN khai trương dịch vụ dành cho điện thoại di động mang tên “Mobile ESPN”, và cũng gần như ngay lập tức đóng cửa trong cùng năm đó và phải chuyển nhượng toàn bộ cho những hãng khác.
2006 - HD DVD
Ảnh: Business Insider
2006 có lẽ sẽ trở thành một năm khởi đầu của những thất bại làng công nghệ. Thêm một sản phẩm thất bại khác ra đời trong năm này là HD DVD do Toshiba đề xuất, được các hãng công nghệ NEC, Intel, Microsoft và hai hãng phim Paramount, Universal hậu thuẫn.
Mang theo kỳ vọng sẽ trở thành tay chơi lớn trên sân chơi đĩa quang cao cấp, song HD DVD nhanh chóng bị thất bại trước Blu-ray do Sony đề xuất được Philips, Matsushita, Dell và nhiều xưởng phim Hollywood hỗ trợ.
Thực tế, cả hai định dạng này không khác biệt quá lớn về mặt công nghệ và chất lượng. Song Toshiba và các đối tác đã sai lầm khi không thể cho ra một sản phẩm có tính tương thích cao. Đầu đọc 30 GB không đọc được đĩa 15 GB, HD DVD 51 GB không tương thích với các sản phẩm 15 và 30 GB, trong khi Sony tập trung đưa ra một loại sản phẩm 50 GB vào tháng 11/2006.
Toshiba tin rằng người dùng và giá bán dưới 500 USD sẽ là mấu chốt để quyết định thắng thua. Do đó, những sản phẩm đầu HD DVD giá rẻ chỉ 200-500 USD so với đầu đọc Blu-ray có giá từ 800-1.500 USD đã thi nhau ra mắt thị trường. Trong khi đó, Sony sau thất bại của VHS - Betamax đã nhận ra rằng: trên thị trường băng đĩa này, các nhà sản xuất phim mới là người quyết định, người dùng buộc phải lựa chọn sản phẩm cung cấp từ các nhà sản xuất phim và kéo theo đó là các hãng bán lẻ. Việc lôi kéo được nhiều hãng phim hơn đã tạo ưu thế đáng kể cho Sony.
Đòn quyết định số phận của hai kỳ phùng địch thủ này đã rơi vào tay đại gia Warner Bros chiếm gần 1/5 thị trường Mỹ. Hãng phim này gạt đi HD DVD và chỉ phát hành phim độ nét cao qua định dạng Blu-ray của Sony vào đầu tháng 1/2008, sau đó đến lượt Wal-Mart tuyên bố chỉ nhập và phân phối sản phẩm Blu-ray của Sony. Rất nhanh sau đó, Toshiba thông báo đóng cửa các nỗ lực phát triển HD DVD. Thiệt hại 461 triệu USD vì HD DVD tồn kho, thanh toán phúc lợi cho những nhân viên phải nghỉ việc... hãng điện tử Nhật Bản cũng phải quay sang sản xuất đầu Blu-ray.
2007 - Joost
Ảnh: Softpedia
Joost, nằm trong “Dự án Venice”, được cho là mạng truyền hình trực tuyến peer-to-peer (P2P) đầu tiên trên thế giới đạt chuẩn chất lượng truyền hình truyền thống. Công ty đã tuyển dụng một ngôi sao đang lên, Mike Volpi, người rời Cisco để trở thành Giám đốc điều hành của công ty. Tuy nhiên, Joost đã đối mặt với một loạt vấn đề về kiến trúc P2P, thư viện nội dung, thư viện âm nhạc…. Sau khi tung ra vào tháng 9/2007, nó đã không bao giờ cất cánh được, với “phế tích” của nó đã bị bán đi vào cuối năm 2009.
2008 - Google Lively
Ảnh: Business Insider
Không phải sản phẩm nào dính đến cái tên Google cũng thành công. Ra mắt vào mùa hè năm 2008 với những dự báo đầy triển vọng sẽ cạnh tranh với các thế giới ảo, như Second Life, thế nhưng, Lively không đạt được thành công như mong đợi.
Lively là một dịch vụ web cho phép người dùng Internet thiết kế ra những không gian ảo cho riêng mình với nhiều phòng khác nhau. Lively có thể nhúng vào các trang blog hay là mạng xã hội Facebook.
Google kỳ vọng Lively sẽ khuyến khích người dùng “thám hiểm” sâu hơn nữa thế giới thực tại ảo với tư cách là một dịch vụ hoàn toàn miễn phí, không giống như Second Life đôi khi phải mất khá nhiều tiền mới “có được một chỗ đứng trong thế giới ảo này”.
Thế nhưng, chỉ sau gần nửa năm hoạt động, Google quyết định khai tử “thế giới ảo” này. Google cũng chỉ giải thích khá chung chung: “Mặc dù số lượng thành viên tham gia khá đông đảo nhưng chúng tôi buộc phải đóng của Lively vì phải tập trung nguồn lực cho những dự án cốt lõi”. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do không mấy người đủ sức sống trong thế giới ảo khi nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng từ hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính và nhà đất ở Mỹ, kể cả Lively có là hàng miễn phí đi nữa.
2011 - Qwikster
Ảnh: Coinbranding
Sở hữu một cái tên khó nhớ, mảng kinh doanh DVD của Netflix khi tách ra thành một công ty mới đã trở thành một thảm họa thực sự. Không ai hiểu “Qwikster” là gì, phát âm ra sao. Khách hàng cảm thấy mông lung và bị phản bội. Chỉ 23 ngày sau khi cho ra mắt Qwikster, Netflix đã bỏ công ty này và mang mảng cho thuê DVD trở lại với Netflix.
Qwikster ra đời vốn bắt nguồn từ một sai lầm trước đó của Netflix. Khi đối thủ cạnh tranh số một Blockbuster lâm cảnh phá sản, Netflix đã quá may mắn trong việc tăng phí hàng tháng tối thiểu cho các dịch vụ thuê DVD lên 60%, từ 9,99 USD lên 15,98 USD để rồi “giá trị tuyệt vời” thì không thấy, nhưng nhiều khách hàng đã quay lưng lại với công ty này. Và để sửa chữa cho một quyết định sai, hãng lại dùng tiếp một sai lầm nữa với Qwikster. Chỉ trong 3 tháng, Netflix đã mất ít nhất 800.000 khách hàng và cổ phiếu sụt giảm mạnh khi đang ở mức cao 304 USD hồi tháng 7.
2011 - HP Touchpad
Ảnh: Wikipedia
Ế ẩm chỉ sau 2 tháng phát hành, chiếc tablet này đã bị HP quyết định khai tử và bán tống bán tháo với mức giá không thể rẻ hơn: 99.99 USD cho bản 16GB - giảm tới 300 USD so với giá gốc. Cũng chính từ đó mà TouchPad đã bất ngờ trở thành sản phẩm bán chạy như tôm tươi. HP sau đó tiếp tục bổ sung hàng để kiếm nốt từ cơn sốt này và sau đó thì cho tuyệt chủng hẳn. Sự thất bại của HP Touchpad cũng không quá ngạc nhiên, khi hãng sử dụng nền tảng WebOS của Palm vẫn còn khá lạ lẫm với thế giới tablet trong khi iOS và Android đã quá nổi bật. Hơn nữa, chiếc Touchpad này cũng chỉ bình bình như những tablet khác trên thị trường và càng chưa thể đọ được với iPad. Cái chết của nó cũng là tất yếu.
2013 - Facebook Home
Ảnh: Facebook
Với Home, Facebook đã cố gắng trở thành một giao diện màn hình chủ thân thiện. Nhưng nó thực sự là một mớ hỗn độn.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng phát hành, giá thuê bao đã giảm thẳng tuột từ 99 USD xuống 0,99 USD. Người dùng nhận xét: Home chỉ thích hợp cho những ai quá cuồng Facebook. Rất tiếc là không có quá nhiều người cuồng đến độ có thể bỏ qua chuyện nó tốn quá nhiều dữ liệu và pin.
Theo Sống mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?
Loại gỗ quý nhưng 'vô sinh' từng được đồn đoán chữa khỏi bệnh ung thư, cả Việt Nam chỉ còn 162 cây, đó là gỗ gì?
CLIP: Chó sói thoát chết ngoạn mục khi bị bầy chó nhà bao vây cắn xé
Cột tin quảng cáo