Những thông tin cần thiết khi sử dụng bình cứu hỏa
Theo quy định mới, kể từ ngày 6/1/2015 thông tư số 57 của Bộ Công an về việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, các xe ô tô có từ 4 đến 9 chỗ ngồi sẽ phải trang bị ít nhất 1 bình cứu hỏa thuộc 1 trong các dạng sau: bình chữa cháy dạng bột, bình chữa cháy dạng bọt, bình nước pha phụ gia hoặc bình CO2. Để trang bị đúng loại bình thích hợp cho ô tô của mình, trước hết chúng ta phải hiểu rõ ưu nhược điểm của từng loại bình.
Tính năng cứu hỏa
Các cơ quan phòng cháy chữa cháy của Hoa Kỳ đã chia các vụ hỏa hoạn ra thành nhiều loại khác nhau tùy theo thành phần các chất gây cháy. Loại A là những vụ hỏa hoạn do các chất có thành phần tự nhiên như gỗ, vải, giấy…gây ra. Trong khi đó các chất cháy loại B gồm: xăng dầu, nhựa plastic. Còn loại C là các vụ cháy do cầu chì, thiết bị điện tử chập nổ tạo thành…
Như vậy đối với nguyên nhân cháy nổ ở xe hơi thường do xăng dầu và chập điện sẽ phải cần tới bình cứu hỏa loại B và loại C. Trong 4 loại bình cứu hỏa nêu trên, chỉ có bình dạng bột và bình CO2 là có thể dập tắt được cùng lúc đám cháy loại B và loại C. Bình dạng bọt và bình nước phụ gia không phải lựa chọn tốt đối với xe hơi.
Nhược điểm của từng loại
Do cấu tạo hóa học khác nhau, mỗi loại bình lại có nhược điểm riêng. Loại bình bột khô: Các hóa chất sử dụng dập lửa có tính ăn mòn, không nên dùng để xịt vào các vị trí có thiết bị điện tử. Loại bình CO2: Khi xịt nhanh hết hơn loại bình bột có cùng dung tích, dễ gây ngạt trong không gian chật hẹp.
Đặt bình cứu hỏa
Hầu hết các bình cứu hỏa dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 - 55 oC; do đó, khi đặt bình cứu hỏa trên ôtô, cần tránh không đặt bình ở những nơi ánh nắng chiếu trực tiếp như khu vực táp-lô, khay để đồ dưới kính hậu (xe hatchback), cột A... bởi vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao (có lúc tới 70oC ở trong xe) sẽ làm tăng nguy cơ nổ bình cứu hỏa.
Vị trí tốt nhất dành cho chiếc bình cứu hỏa là ở dưới gầm ghế, dưới chân hành khách phía trước; hoặc hốc để đồ trên cánh cửa. Điểm cốt lõi là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái để thuận tiện khi có sự cố xảy ra; tuyệt đối không để bình chữa cháy trong tầm tay trẻ nhỏ để tránh bất trắc.
Cách sử dụng
Do bình cứu hỏa mini dành cho ôtô du lịch dưới 10 chỗ đa số là loại dùng bột chữa cháy; do đó, trước khi sử dụng, cần lắc nhẹ để hỗn hợp khí đẩy và bột chống cháy được trộn đều, không bị vón cục và cần lưu ý khi phun, phải đứng ở đầu hướng gió (cháy ngoài); đứng gần cửa xe (cháy trong). Phải phun liên tục, không ngắt quãng và phun đến khi đám cháy tắt hẳn mới ngừng phun.
Khi dập các đám cháy chất lỏng như xăng, dầu, cồn…, cần phải phun chất chữa cháy bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng bị bắn ra ngoài, cháy to hơn. Khi phun, giữ bình ở tư thế thẳng đứng.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng các bình chữa cháy mini dành cho ôtô đạt hiệu quả tối ưu nhất là đối với đám cháy vừa bùng phát hoặc các đám cháy nhỏ. Đối với các đám cháy lớn (ví dụ cháy khoang động cơ, bình nhiên liệu…) không có cách nào khác là nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh với đủ hoặc đội chữa cháy chuyên nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo