Nữ doanh nhân

M.C Doanh nhân Thanh Thảo: Tiết lộ bí kíp gắn kết giữa cha mẹ và con cái vào các lớp dạy kỹ năng mềm cho trẻ nhỏ

DNVN - Gần 20 năm trong nghề M.C, Thanh Thảo là gương mặt quá quen thuộc trên truyền hình với vô số chương trình truyền hình nổi tiếng. Khi đang tới đỉnh cao của sự nghiệp M.C, Thanh Thảo quyết định mở Học viện ngôn ngữ và kỹ năng Sun&moon để truyền tải những kiến thức, kinh nghiệm của mình với các bạn trẻ.

Chị Thắm Phong Nha Lake House và giấc mơ bên hồ Đồng Suôn / MC Hoài Hương: Từng bị chê chất giọng mỏng, yếu trở thành Giám đốc Học viện đào tạo MC đầy quyền lực

M.C Doanh nhân Thanh thảo hiện đang điều hành và giảng dạy tại Học viện Sun&moon do chị sáng lập.

M.C Doanh nhân Thanh thảo hiện đang điều hành và giảng dạy tại Học viện Sun&moon do chị sáng lập.

Đặc biệt, bên cạnh những giáo trình, khóa học cho người trưởng thành, Sun&moon có hẳn khóa dành cho Kids. Những khóa học này khởi nguồn từ tình yêu của một người mẹ mong muốn thấu cảm được thế giới trẻ thơ.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng M.C Doanh nhân Thanh Thảo khi những khóa học tư duy ngôn ngữ dành cho trẻ của cô ngày càng được đón nhận tích cực.

Trong xu thế, các phụ huynh muốn con mình đi học ngoại ngữ, thi chứng chỉ này, vượt cấp nọ, thì Thanh Thảo lại chọn cách mở Học viện Sun&moon có hẳn khóa đào tạo, tương tác, tư duy ngôn ngữ cho các bé? Việc này, theo Thảo có phải là một sự chọn lựa liều lĩnh?

M.C Doanh nhân Thanh Thảo: Học viện Sun&moon chính là đứa con tâm huyết của Thảo sau 20 năm theo nghề. Cho tới thời điểm này, Thảo có thể khẳng định, đây chính là “niềm tự hào của riêng mình”. Đặc biệt, khi quyết định mở khóa học đặc biệt dành cho Kids, Thảo đã nghiên cứu, học hỏi về chuyên môn và tâm lý trẻ con, và cũng xuất phát chính từ sự trưởng thành của 2 con. Những dấu ấn, chặng đường phát triển tâm lý, ngôn ngữ, kỹ năng của con mà Thảo được đồng hành từng ngày.

Thảo đã nung nấu ý tưởng về lớp học phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Rồi từ đó, Thảo bắt đầu lao vào tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý, ngôn ngữ. Tài liệu trong nước có, nước ngoài có. Việc tìm hiểu này Thảo đặt mục tiêu phải làm thật chỉn chu, cái gì chưa rõ, chưa hiểu phải tìm người trong ngành, có chuyên môn để học hỏi. Như vậy, trong quá trình mình “học” để dạy con, nhưng thật ra, mình cũng là người hưởng được quả ngọt, mình cũng “trưởng thành hơn”.

Từ việc nghiên cứu đó, Thảo bắt đầu áp dụng trong việc dạy con, tương tác “ngôn ngữ cảm xúc” với các con của mình. Kết quả là rõ ràng các bé phát triển, tư duy ngôn ngữ tốt hơn sự mong đợi của Thảo. Mình mới bắt đầu với câu chuyện của Sun&moon Academy và các lớp học đặc biệt cho Kids để lan tỏa những giá trị tích cực này tới các bậc phụ huynh, những người từng “theo dõi” hành trình nuôi dạy, chăm sóc con của Thảo trên mạng xã hội. Điều này với Thảo chính là sức mạnh chứ không phải là sự liều lĩnh. Các khóa học đều có giá trị, ý nghĩa khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng bé và từng gia đình. Làm cha mẹ, ai cũng biết rõ “nhu cầu thật sự” của con mình, cũng như con mình đang thiếu, thừa cái gì, cần cân bằng thế nào, thế nên Thảo tin, quyết định của mình, đã, đang và sẽ tiếp tục đúng đắn, trở thành nơi đồng hành trong quá trình hoàn thiện ngôn ngữ, cảm xúc cho cả các bậc cha mẹ và con cái.


Số lượng các bé được cha mẹ cho theo học tại trung tâm phản ánh điều gì? Có phải xã hội càng hiện đại, nhịp sống số ngày càng mạnh mẽ thì sự tương tác bằng ngôn ngữ giữa cha mẹ và con cái ngày càng "hiếm" và "khó khăn"?

Số lượng các bé được cha mẹ cho tham gia các khóa học có thể nói lên một điều rất rõ: “Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ, và càng mong muốn con mình được phát triển một cách toàn diện nhất.” Ở đây, Thảo không nói đến sự toàn diện ở phương diện điểm số các môn học văn hóa, mà đó chính sự toàn diện trong các kỹ năng mềm.

Tại sao các trường học lại ngày càng mở ra thêm nhiều khóa học trau dồi kỹ năng cho các em: Kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn… chính là để các em hoàn thiện từ từ, cả trí tuệ lẫn thể chất để có thể thích nghi và sống tốt hơn. Và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, một trong những “kỹ năng” tương tác vô cùng quan trọng lại càng cần được chú trọng hơn.

Thảo biết, có những em nhạy nói, nói liên tục, không có điểm dừng, lại có những em rất ngại nói, nhất là trước mặt người lạ. Vậy làm sao để các em có thể tự tin hơn về mặt giao tiếp và có thể phát triển tốt kỹ năng nói. Làm sao để các em có thể diễn dạt tốt nhất, chân thật với cảm xúc của mình để cha mẹ có thể hiểu các em hơn, cũng như dễ dàng thuận lợi hơn trong quá trình nuôi dạy các em, chính là trăn trở của Thảo cũng như tất cả các đồng sự tại Học viện Sun&moon.


Bên cạnh khóa học giúp các bé điều chỉnh, phát triển ngôn ngữ phù hợp, những khóa học này còn có giá trị khác, chính là kết nối sâu sắc hơn giữa cha mẹ và con cái. Sự gắn kết đó chính là sự thấu hiểu lẫn nhau, vì trong quá trình dạy và đồng hành cùng các bé, Thảo thấy, có thể ai cũng cho rằng, chỉ có cha mẹ mới có áp lực mưu sinh, cuộc sống, cơm áo gạo tiền còn các con, thì đã được chu cấp mọi thứ rồi, tiền học, quần áo, thiết bị đủ đầy, có gì mà áp lực đâu. Nhưng thật ra không phải vậy, các con cũng có áp lực của các con chứ, áp lực từ trường lớp, bạn bè, áp lực từ yêu cầu của cha mẹ, thầy cô.

Và các con là một cá thể độc lập nên những “áp lực” mà các con đang gánh cũng cần lắm sự thấu hiểu. Qua những khóa học mà các học viên đã theo học, Thảo đã nhận ra sự gắn kết, hòa hợp tích cực hơn giữa cha mẹ và con cái, và Thảo tin rằng, sự gắn kết đó, đôi khi chỉ bắt đầu từ những vòng tay, những cái ôm ấm áp, những câu nói: cảm ơn, xin lỗi đơn giản. Rồi từ từ thế giới của con sẽ được mở ra trong quá trình tương tác với cha mẹ. Cha mẹ cũng bắt đầu học cách “chia sẻ” với con, những niềm vui, nỗi buồn, hay thậm chí những áp lực trong cuộc sống. Chúng ta có thể nói cùng con trên những đoạn đường đưa con tới trường, trong bữa cơm gia đình, hay có khi là lúc ngồi cùng nhau ăn sáng trước khi vào lớp học. Thảo nghĩ, ai cũng bận rộn, nhưng “cơ hội” để trao đổi là do mình tạo ra, nếu mình muốn, mình sẽ tìm được cách.


Theo tôi, nếu làm tốt việc này, Thảo không chỉ "huấn luyện" cho các em, mà còn phải "huấn luyện" cho phụ huynh. Nguyên tắc “bảo mật” thông tin giữa các bé và phụ huynh Thảo sẽ thực hiện như thế nào để các bé có thể thoải mái, cởi mở, trao đổi với Thảo nhiều hơn trong quá trình theo học?

Thảo xin được giải thích rõ, đây là những khóa học thay đổi về thói quen giao tiếp và tư duy ngôn ngữ, nên không thể nào chỉ cần một, hay hai buổi học, hai tháng mà có thể thay đổi các bé. Mà cần được kích thích duy trì theo thời gian để con hình thành tâm thế chủ động, biết cách kiểm soát cảm xúc. Chính vì vậy, Thảo quyết định có những khóa học trọn gói, theo quý, theo năm với có nhiều kỹ năng khác đặc biệt hơn: Kích hoạt tư duy ngôn ngữ; Ngôn ngữ logic, public speaking, be a star, M.C kid. Tùy theo từng bé, mà cha mẹ có thể chọn lựa khóa học phù hợp với con em mình. Ngoài ra, trước khi được chọn lớp, các bé hơi đặc biệt, thì đích thân Thảo sẽ là người trò chuyện cùng bé, tâm sự cùng phụ huynh để hiểu rõ con hơn, và xem khóa học của mình sẽ can thiệp được ở mức độ nào.Và chắc chắn một điều, “học” bắt buộc phải “hành”. Hành như thế nào, thì cần sự tương tác rất lớn từ cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình.

Và ngoài việc các bé theo học, bên học viện luôn có sự kết nối với phụ huynh. Bản thân phụ huynh cũng tham gia 1 lớp học để hiểu rõ giáo trình các bé theo học và họ cần phải làm gì để thay đổi và thích nghi hơn với con. Ngoài ra, Thảo cũng có những nguyên tắc của mình, trong độ tuổi từ 6-13 theo học tại Sun&moon, các bé có những sự thay đổi rất đặc biệt về tâm lý, có bé khủng hoảng vì cấp học mới, có bé lần đầu biết rung động, có bé bị bạn bè bắt nạt, tẩy chay… Những vấn đề mà các bé có khi dám hoặc không dám trò chuyện cho ba mẹ biết thì lại có thể dễ dàng chia sẻ với Thảo.

Và để trở thành một người “bạn”, một người lắng nghe tốt để các bé có thể thoải mái tâm sự thì Thảo càng phải bảo mật thông tin giúp các bé. Thông tin nào có thể chia sẻ với ba mẹ, thông tin nào cần giữ riêng cho các bé tất nhiên cần phải chọn lọc để bé và cha mẹ cùng tìm cách giải quyết vấn đề là cách tốt nhất. Và Thảo vô cùng tự hào, bây giờ ngoài 2 bé Dâu Bon của mình và “bé út” Sun&Moon, thì trong quá trình dạy học, Thảo đã có thêm rất nhiều con, nhiều người bạn nhỏ.


Với tư cách là một người mẹ, một hiệu trưởng, một giảng viên đồng hành cùng vô vàn trẻ em trong quá trình “hoàn thiện kỹ năng” ngôn ngữ, theo Thảo, các kỹ năng ngôn ngữ của các em bắt buộc phải hoàn thiện là những kỹ năng nào?

Các kỹ năng ngôn ngữ bao gồm cách diễn đạt, cách dùng từ và cách giao tiếp. Nhưng quan trọng hơn cả là yếu tố Tâm lý. Đây là mới là yếu tố then chốt mở được nút thắt “chủ động bày tỏ” của các con. Có những bé sẽ vô cùng hoạt bát lanh lợi với người nhà, nhưng khi gặp người lạ không hề dám hé nửa lời. Cũng có những bé lại không hề biết điểm dừng, cái gì cần nói, cái gì không nên nói… và có vô số tình huống cười ra nước mắt với những “sai lệch” trong cách sử dụng ngôn ngữ này. Chính vì vậy, ngoài việc đứng lớp đồng hành cùng các em, Thảo và các đồng sự luôn thống nhất một điều: “Các kỹ năng ngôn ngữ của các con không tự nhiên mà hình thành mà phải có sự rèn luyện và hỗ trợ từ học viện và bố mẹ trong một thời gian dài.”

Ví dụ, nếu không muốn con mình trở thành một đứa trẻ nhút nhát, ngại nói và ít giao tiếp khi bước vào tuổi đi học thì mọi bậc phụ huynh đều phải đưa mục tiêu phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ lên hàng đầu. Với những em “loạn ngữ” thì lại cần một giáo trình khác phù hợp hơn, hoặc có những trường hợp không đến từ ngôn ngữ mà đến từ tâm lý của em có vấn đề. Đó chính là sự khởi nguồn của nguyên lý Kiềng ba chân: “tâm lý - ngôn ngữ - kỹ năng” mà Thảo xây dựng trong giáo trình Kích Hoạt Tư Duy Ngôn Ngữ

Vừa làm MC, vừa đứng lớp, vừa làm hiệu trưởng, làm mẹ, làm vợ. Thảo đã “cân tuốt” như thế nào để mọi thứ thật tốt và hoàn hảo như hiện tại?

Thật ra, để làm được như ngày hôm nay, Thảo ngược lại phải cảm ơn các con, ông xã và gia đình rất nhiều. Có những ngày, Thảo bận việc tại học viện, về đến nhà khi các con đã ngủ, sáng dậy, chào vội, ôm con một cái. Có lần bé nói: “Mẹ ơi, vậy là gần 2 ngày rồi con mới được gặp mẹ.” Ôi, mình nghe xong, giật mình, và hỏi “thế con có giận mẹ không?” Nhưng bé đáp lại làm mình hoàn toàn ngạc nhiên:”Con không giận mà con thương mẹ quá.” Chị thấy đó vài lời nói đơn giản của con trẻ khiến những người là mẹ như chúng ta mềm lòng và có thêm động lực ngay.

Chính vì vậy, khi thu xếp được công việc MC hay việc ở học viện… Thảo toàn tâm toàn ý dành thời gian cho các con. Mấy mẹ con cùng làm đồ handmade, chơi lego, hay cùng nhau bơi, đánh cầu lông thư giãn. Những thời khắc này, Thảo tuyệt đối gạt các thiết bị công nghệ ra ngoài. Bạn bè đôi khi cũng hỏi Thảo, sao không đi Spa, đi xem Kịch, xem phim thư giãn… Bản thân mình cũng biết, thời gian cho công việc, tâm huyết đã chiếm trọn hết quỹ thời gian vốn hạn hẹp của mình, mà sống với công việc, được làm việc mình thích cũng chính là “Làm đẹp cho tâm hồn” và thư giãn rồi, nên còn lại, chắc chắn chỉ ưu tiên cho gia đình.

Các con hiểu chuyện, đáng yêu vô cùng, nhìn các con ngày càng trưởng thành đáng yêu, nhiều khi Thảo nghĩ, mình đang “dựa dẫm” vào con còn đúng hơn là ý các con tựa vào mình đó chứ. Trong khâu làm vợ, thì nói sao nhỉ, Thảo vô cùng hạnh phúc và biết ơn sự đồng hành, thấu hiểu của ông xã. Chính anh là người cho mình thêm động lực, sức mạnh để mở Sun&moon, chính anh là hậu phương vững chắc, và hiểu vợ mình đang làm gì. Anh thay Thảo trong mọi lần đi họp phụ huynh cho con, thậm chí đưa đón con, nếu không có gia đình lớn, các con và những người cộng sự tuyệt vời thì không thể có Thảo như bây giờ.

Cảm ơn những chia sẻ của Thanh Thảo!

Hồ Ngọc (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm