Nữ phó giáo sư 8X đa tài
Hiện phó giáo sư Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981) là giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Yêu văn thơ, thích vẽ tranh nhưng lại chọn thi khối A
Những cảm nhận đầu tiên với vị nữ phó giáo sư (PGS) trẻ nhất trong đợt phong chức danh này cuối năm 2012 dường như trái ngược so với tưởng tượng về một nhà nữ nghiên cứu khoa học. Nguyễn Khánh Diệu Hồng đem lại cho người tiếp xúc cảm giác hòa đồng nhưng không thiếu chút "kiêu ngầm" của một cô gái Hà thành với những thành công đáng nể trong công việc và cuộc sống.
Những kỷ niệm gắn bó với khu vực Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ thuở nhỏ được Nguyễn Khánh Diệu Hồng đưa ra như một mối duyên cũng là nguyên nhân khiến một nữ sinh Hà thành yêu văn thơ, thích vẽ tranh lại đăng ký thi vào trường đại học này. Không dừng ở đó, sau 4 năm nghiên cứu sinh và thực tập tại Anh, cô đã không chần chừ quay về với ngôi trường mình gắn bó để khẳng định sự nghiệp của mình ở đây.
Trong cuộc trò chuyện với vị PGS trẻ này, sự tò mò về chân dung một nữ khoa học trẻ của phóng viên được thỏa mãn trước bảng thành tích liên tục từ thời học sinh, sinh viên đến nay của Diệu Hồng. Song ấn tượng nhất từ nữ khoa học là phong cách 8x với nét nữ tính, sự thẳng thắn, thông minh cùng khá nhiều tài lẻ được cô tiết lộ. Dù bận rộn với công việc của một giảng viên đứng lớp, tham gia hướng dẫn luận văn thạc sỹ, nghiên cứu sinh, Diệu Hồng vẫn dành không ít thời gian cho gia đình nhỏ của mình khi con gái của cô mới gần 1 tuổi.
"Có lẽ vì là dân Hóa nên có lợi thế trong việc chế biến nấu ăn. Chỉ cần ông xã nói thích món gì mình có thể tự tìm tòi để ra đúng hương vị của món ăn đó" - Diệu Hồng bật mí về cuộc sống gia đình tưởng như không dễ chu toàn với một nữ tiến sĩ say mê nghiên cứu khoa học.
Học giỏi từ nhỏ với nhiều thành tích từ bậc tiểu học đến phổ thông, bao quát các lĩnh vực từ văn hóa, nghệ thuật, sự toàn tài của Diệu Hồng được chứng minh bằng những bức tranh do cô sáng tác.
"Ở nước ngoài một mình phải giải quyết mọi công việc, những lúc như vậy, vẽ tranh là một liều thuốc tinh thần rất hiệu quả với bản thân tôi. Cũng vì vậy mà bức tranh vẽ cầu Tháp bắc qua sông Themes ở London đã được tôi ứng tác trong liền 2 ngày không nghỉ” - Diệu Hồng nhớ lại.
Ngôi nhà của những ai yêu khoa học
Không giống như nhiều bạn bè thường có lựa chọn cơ hội ở lại nước ngoài sau thời gian học tập để tìm kiếm cơ hội phát triển, Diệu Hồng sớm quyết định về nhà ngay khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại đại học University College London, trường được xếp hạng tốp đầu thế giới và 1 năm thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện nghiên cứu hoàng gia Anh dù cô là người Việt Nam đầu tiên có được cơ hội làm việc tại đây. "Về nước thấy ấm cúng hơn nhiều, quanh mình có mẹ, có gia đình nhỏ và cả một môi trường cộng đồng nghiên cứu khoa học kết nối rộng khắp" - nữ PGS 32 tuổi cho biết.
Tiếp thêm niềm say mê nghiên cứu khoa học cho các sinh viên của mình, Diệu Hồng chia sẻ, giới trẻ rất năng động. Sinh viên ở trường luôn có sự tìm tòi, sáng tạo đáng ngạc nhiên. Vì vậy, với vai trò của một giảng viên, một nhà nghiên cứu khoa học, Diệu Hồng không ngừng nỗ lực hết mình. Khó khăn đối với một nhà nghiên cứu cũng khó có thể hình dung hết nhưng không có sự kiên trì, không say mê, không hy sinh sẽ không có thành quả. “Một sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao là rất khó. Mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, có những lúc thất bại, việc thử nghiệm cũng không dễ dàng. Chỉ đến khi mọi người thấy được công dụng cũng như so sánh giá thành thì sản phẩm mới chính thức được công nhận.” - Diệu Hồng chia sẻ.
Ngay từ khi còn là sinh viên, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học đã đến với Diệu Hồng với định hướng lựa chọn rõ ràng về lĩnh vực nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường. Thành công đầu tiên của Diệu Hồng chính là một nhánh đề tài của Hồng cùng nhóm nghiên cứu, trong khuôn khổ một đề tài lớn của thầy hướng dẫn, được ứng dụng thực tế vào năm 2003. Năm đó, đề tài này đã giành giải Nhất “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam” 2003 của Quĩ VIFOTEC và Huy chương Vàng tại Hội chợ công nghệ Việt Nam 2003.
Tiếp tục thành công này là hàng loạt những nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về nhiên liệu sinh học thân thiện môi trường, các chất tẩy rửa trong đời sống và trong công nghệ lọc Hóa dầu trong đó có Hồng được đưa vào ứng dụng... Niềm vui ngày càng lớn khi những thành quả của cả nhóm nghiên cứu “sống” thực sự sau khi vượt qua nhiều thử nghiệm trong môi trường sản xuất kinh doanh vốn với những vị khách hàng thực dụng và khó tính. Đây là một nguồn tiếp sức lớn cho niềm đam mê nghiên cứu của Diệu Hồng và của cả những học trò của cô giáo trẻ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cũng từ ngọn lửa say mê khoa học đó, đối với Diệu Hồng, Viện Kỹ thuật Hóa học là ngôi nhà thứ hai của cô. Ngôi nhà này của Diệu Hồng còn liên tục mở rộng với nhiều thành viên mới khi những sinh viên, nghiên cứu sinh đăng ký làm việc với cô đều được giao kèo phải coi đây là nhà. “Coi là nhà có nghĩa là phải biết tôn trọng các quy định của phòng thí nghiệm, biết tiết kiệm, phải gọn gàng, cẩn trọng an toàn cho ngôi nhà của mình, và quan trọng hơn là biết chia sẻ ý tưởng, giúp đỡ các thành viên trong nhóm thay vì dành riêng cho bản thân, để cạnh tranh...” - Diệu Hồng tâm sự.
Thanh Vân ( Theo Dân trí )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao rắn lại sợ lươn? Hé lộ khả năng đặc biệt của lươn
Vớ được khối bầy nhầy bẩn thỉu, người đàn ông không ngờ đây là báu vật 35 tỷ giúp mình đổi đời sau một đêm
Để giải quyết những vấn đề 'sinh lý', người xưa đã phát minh ra một căn phòng như vậy, địa vị phụ nữ thấp đến đáng thương
Long bào của Tần Thủy Hoàng là màu đen, vì sao sau này không có hoàng đế nào dám mặc? Lý do rất thực tế
CLIP: Chó nhà hăng máu khiêu chiến rắn hổ mang và cái kết gây 'sốc'
CLIP: Cuộc đối đầu nảy lửa giữa chó Pitbull và cá sấu, cái kết đầy bất ngờ