Khám phá

Ôn thi môn Toán: Cần hệ thống kiến thức và rèn luyện kỹ năng

(GD&TĐ) - Giáo dục & Thời đại xin chia sẻ một số kinh nghiệm từ GV và HS để các thí sinh tham khảo cách ôn tập môn Toán đạt hiệu quả nhất.

Chú trọng rèn kỹ năng

Cô Phạm Hải Anh, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ:  Đặc thù của môn Toán là phải tính toán nhiều, chính vì thế khi ôn tập cần phải có hệ thống và phân phối thời gian hợp lý.

Điều đầu tiên các HS phải lưu ý, đó là ôn tập một cách thật vững chắc tất cả các kiến thức cơ bản và các dạng bài tập cơ bản có trong chương trình. Tuỳ từng đối tượng HS để có phương pháp và cách dạy khác nhau.  Dựa vào tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp và ôn thi ĐH, GV có thể phân phối chương trình theo tuần, mảng, dạy đại trà cho các lớp. Tuỳ từng lớp đi vào chuyên sâu, có kế hoạch cụ thể từng tuần, mỗi tuần một chuyên đề.

Những bài tập trong đề cương thi được lựa chọn, có sự kiểm tra của GV. Một tuần có 2 tiết GV cọ xát cho HS qua đề thi còn 3 tiết thì làm theo mảng, phát hiện kiến thức HS thường hay mắc lỗi cần nhấn mạnh để HS rút kinh nghiệm. Sau khi làm bài tập áp dụng cho từng bài, cuối mỗi chương cần làm bài tập ôn luyện để nhìn lại các bài toán có tính chất tổng hợp và đó cũng là dịp tập huy động kiến thức liên quan để giải một bài toán.

Mặc dù trọng tâm kiến thức thi tốt nghiệp tập trung ở chương trình lớp 12 nhưng phần lớn các bài toán THPT đều liên quan đến chương trình lớp 10,11 như việc rút gọn một biểu thức, giải phương trình và bất phương trình bậc nhất, khảo sát, tích phân... Học sinh cần phải nắm vững các kiến thức, kĩ năng nói trên.

Phân bố thời gian hợp lý


Theo cô Hải Anh, bài khảo sát và vẽ đồ thị hàm số là bài có sẵn quy trình giải và luôn xuất hiện trong các kì thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể làm ngay bài khảo sát trước. Nếu học sinh làm bài khó không ra kết quả thì có thể mất tinh thần làm bài.

Một số lỗi có thể xảy ra khi làm bài thi môn Toán đó là bài toán khảo sát hàm số thiếu bước, bài toán có căn, phân thức, logarit, quên đặt điều kiện và thử lại. Tích phân thì khi đổi biến nhớ đổi cả cân. Một số bài toán phương trình, hệ phương trình, phương trình lượng giác có điều kiện nên thử cẩn thận. Các bài hình học không gian thì có thể tưởng tượng sai dẫn đến vẽ sai hình, hình giải tích thì nhầm trong tính toán. Nhìn chung các lỗi này hoàn toàn khắc phục được khi ôn tập, trong quá trình tự giải và so sánh đáp án. Vì thế việc tập trung giải nhiều bài toán là để lúc thi không còn sai nữa.

Thi tốt nghiệp chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản nhưng thi ĐH đòi hỏi HS phải sự xâu chuỗi kiến thức chương trình lớp 10, 11, 12, ngoài kiến thức cơ bản đòi hỏi phải có kĩ thuật, tư duy biết phân tích tìm hướng đi. Ví dụ phần kiến thức nền tảng về Hình học không gian, Lượng giác và Đại số (phương trình, bất phương trình và hệ phương trình) thường có trong các đề tuyển sinh ĐH mà lớp 12 thì không dạy trực tiếp. Thực tế cho thấy rất đông thí sinh làm bài kém ở phần các câu hỏi ở nội dung này, nếu không nắm vững chương trình lớp 10 và 11 thì cần phải có kế hoạch tự ôn tập một cách đều đặn, bền bỉ từng tuần, từng tháng; không thể ôn cấp tập trong thời gian ngắn.

 Hệ thống kiến thức theo từng chương, từng dạng bài


Để đạt điểm cao trong kì thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ sắp tới, Đỗ Phi Trường, sinh viên khoa Toán, K11 Trường ĐH Tây Nguyên (Đoạt giải Ba Olympic Toán quốc gia năm 2012) chia sẻ:Phải nắm vững kiến thức căn bản, vạch ra cho mình một phương pháp học cơ bản. Môn học nào cũng vậy, nên đọc kỹ lý thuyết và áp dụng một cách có hệ thống vào thực tế. Trên lớp nên chú ý các thầy cô giảng bài, chỗ nào chưa hiểu thì nên hỏi thầy cô ngay. Ngoài ra nên đọc thêm nhiều loại sách tham khảo khác và tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.

Bố cục đề thi Toán thường (câu 1: Khảo sát hàm số, câu 2: Giải phương trình; 3. Hình học không gian (tổng hợp):... ). Tính chất đặc trưng này đưa đến một cách học vô cùng hiệu quả, đó là học và hệ thống kiến thức theo từng chương, từng dạng bài. Với mỗi chương học sinh nên nắm chắc kiến thức cơ bản, không được chủ quan bỏ qua kiến thức trong sách giáo khoa bởi đây mới thực sự là tài liệu quý nhất, gần nhất với dạng bài thi ĐH.

Tuy nhiên, học phải đi đôi với hành. Với mỗi dạng bài cần chọn ra những bài tập tiêu biểu, mức độ từ dễ tới khó, làm đi làm lại nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau đề nhận ra và sửa chữa những lỗi bản thân hay mắc phải. Ngoài ra, cũng cần chú trọng tới cách trình bày khoa học, ngắn gọn mà đầy đủ.

 

Minh Đức

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo