Ông Mai Liêm Trực: Tôi rất tiếc vì tái cơ cấu thị trường viễn thông quá chậm
“Tôi nghĩ thời gian tới muốn thị trường viễn thông của Việt Nam thực sự cạnh tranh hoàn thiện thì phải có 1 đến 2 doanh nghiệp (DN) không phải của nhà nước, chiếm 1/3 thị phần của thị trường viễn thông Việt Nam lúc đấy thị trường viễn thông Việt Nam mới gọi là có cạnh tranh thực sự”.
Đó là ý kiến của ông Mai Liêm Trực – Nguyên Tổng giám đốc VNPT – Nguyên Thứ trưởng Bộ Bứu chính viễn thông về vấn đề tái cơ cấu thị trường viễn thông trong thời gian tới.
PV: Hiện nay đa phần thị trường viễn thông đều do các DNNN năm giữ, chính điều này đã tạo nên sự thiếu cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam. Theo ông sắp tới các DN viễn thông phải làm gì để tăng tính cạnh tranh? Và việc tái cơ cấu thị trường viễn thông có phải là giải pháp duy nhất và phải chăng là đã muộn?
Ông Mai Liêm Trực: Đến năm 2020 thị trường viễn thông truyền thống sẽ không còn sự hấp dẫn, không chỉ ở Việt Nam mà kể cả nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, các công ty viễn thông phải tái cấu trúc lại chiến lược kinh doanh của mình, chiến lược sản phẩm của mình. Trong đó các công ty viễn thông phải trở thành các nhà cung cấp đa dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm về dịch vụ trên mạng. Họ không những xây dựng đường truyền, xây dựng đường ống, không những cung cấp các phương tiện vận tại mà họ phải sản xuất ra những hàng hóa.
Nói nôm na là các công ty viễn thông truyền thống đầu tiên là phải làm nền, làm xa lộ cho các công ty vận tải đi trên đó, cho các công ty dịch vụ đi trên đó. Cho nên các công ty viễn thông muốn tái cấu trúc, muốn cạnh tranh trên thị trường quốc tế phải đẩy mạnh phát triển phần mạng, phần dịch vụ và đặc biệt là phần nội dung (tức là phần sản xuất hàng hóa truyền qua mạng mà mình cung cấp dịch vụ cho các nước).
PV: Hiện nay 95% thị phần viễn thông đang thuộc về các công ty 100% vốn nhà nước, vậy ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa của các DN viễn thông trong thời gian qua?
Ông Mai Liêm Trực: Tôi rất tiếc là từ năm 2000 đã có pháp lệnh Bưu chính viễn thông và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dịch vụ viễn thông và Internet nhưng 13 năm vừa qua thị trường viễn thông Việt Nam vẫn chiếm 95% là của nhà nước. Đây là quá trình rất chậm trong vấn đề tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông, internet như chỉ thị 58 của Bộ chính trị và như pháp lệnh Bưu chính viễn thông đã trình quốc hội thông qua.
Điển hình là việc cổ phần hóa MibiFone 8 năm đến nay vẫn chưa đâu vào đâu. Việc chúng ta chưa tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia thị trường sẽ làm cho tính cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thí dụ như là các DN viễn thông nhỏ bước đầu tham gia thị trường đều rất khó khăn để phát triển, tồn tại.
Cho nên tôi nghĩ rằng bàn tay nhà nước không phải can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà tạo sức ép cho các doanh nghiệp đấy. Thí dụ tạo sức ép bằng cách cổ phần hóa, không thể để kéo dài. Phải tạo sức ép về những cơ chế công khai minh bạch để làm sao cho các DN khác tham gia thị trường người ta được biết tất cả để người ta phát huy hết khả năng, đây là một điều rất đáng tiếc.
Cho nên tôi nghĩ thời gian tới muốn thị trường viễn thông của Việt Nam thực sự cạnh tranh hoàn thiện thì phải có 1 đến 2 DN không phải của nhà nước, chiếm 1/3 thị phần của thị trường viễn thông Việt Nam lúc đấy thị trường viễn thông Việt Nam mới gọi là có cạnh tranh thực sự.
PV: Đối với trường hợp của MobiFone cho thấy việc tái cơ cấu, cổ phần hóa của chúng ta đôi khi phụ thuộc quá nhiều vào những cá nhân, đơn vị cụ thể. Ở góc độ là chuyên gia về vấn đề này theo ông các cơ quan nhà nước cần phải có những giải pháp gì để không bị dắt mũi bởi những kịch bản cụ thể?
Ông Mai Liêm Trực: Theo tôi nhà nước phải can thiệp mạnh và đúng hướng, tôi nói ví dụ như một chủ trương là sử dụng chung cơ sở hạ tầng mà lâu nay các DN nhà nước DN nào cũng muốn đầu tư cơ sở hạ tầng của riêng mình tức là nhà nước vẫn chưa tạo được một sức ép và những quy định cụ thể.
Là nhà nước thì phải có những quy chế bắt buộc các DN phải làm. Quá trình cổ phần hóa của MobiFone cũng như vậy, tôi cho rằng dứt khoát nhà nước phải tạo ra một ban cổ phần hóa mà không phải dựa vào doanh nghiệp, cũng không phải phụ thuộc Bộ Thông tin truyền thông. Cần phải có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, của Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư nhập cuộc để tạo nên một sức ép để khó đâu thì gỡ đấy.
Chứ nếu chỉ dựa vào một ban cổ phần hóa của DN thì họ chưa muốn cổ phần hóa là cứ kéo dây ra mãi. Điều này sẽ rất thiệt thòi cho một chủ trương lớn của nhà nước.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Như Trâm (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Cột tin quảng cáo