Pháp luật

Cách nào để "khống chế" tội phạm rửa tiền qua tiền mã hoá tại Việt Nam?

DNVN - Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng tiền mã hoá hấp dẫn tội phạm rửa tiền vì tính ẩn danh, thiếu quy định đồng bộ và tính chất giao dịch xuyên biên giới. Do vậy cần có giải pháp, quy trình phòng chống hiệu quả.

Ngân hàng Thụy Sỹ nhận tội rửa tiền cho các quan chức FIFA / Đồng Tháp: Trào lưu lan đột biến, nguy cơ biến tướng thành đa cấp hoặc rửa tiền

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, các quy định về phòng, chống rửa tiền (AML) trong lĩnh vực tiền mã hóa đang một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới.

Các báo cáo gần đây của các tổ chức uy tín toàn cầu chỉ ra nguy cơ rửa tiền đang có xu hướng tăng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa, tài sản số, đồng thời đặt ra thách thức mới trên toàn cầu. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô các hoạt động rửa tiền toàn cầu có thể lên tới 1.600 – 4.000 tỷ USD/năm, tương đương 2 - 5% tổng GDP toàn thế giới. Trong khi đó, các số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), quy mô của các hoạt động bất hợp pháp này còn có thể cao hơn, từ 2.000 - 5.000 tỷ USD/năm.

Nguy cơ rửa tiền đang có xu hướng tăng cao trong lĩnh vực tiền mã hóa.

Theo Financial Times, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã bị phạt gần 5 tỷ USD vì vi phạm quy tắc AML và các biện pháp trừng phạt cũng như sai sót trong hệ thống xác thực danh tính khách hàng (KYC - Know Your Customer) vào năm 2022, nâng tổng số tiền phạt trong lĩnh vực này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 lên gần 55 tỷ USD.

Về thị trường tiền mã hóa và tài sản số, theo CoinmarketCap, tổng vốn hoá thị trường tiền mã hoá đạt đỉnh là hơn 3.000 tỷ USD vào tháng 11/2021, khối lượng giao dịch 24h đỉnh điểm là 169,4 tỷ USD vào ngày 9/11/2021. Hiện tại, tổng vốn hóa thị trường này dao động quanh mốc 1.000 tỷ USD và khối lượng giao dịch 24h khoảng 31 tỷ USD.

Theo Chainalysis, công ty phân tích dữ liệu blockchain hàng đầu thế giới, các địa chỉ bất hợp pháp đã rửa gần 23,8 tỷ USD giá trị tiền mã hoá vào năm 2022, tăng 68% so với năm 2021. Còn tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.

Cụ thể, theo một số liệu từ Chainalysis được Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ gần đây trong một chương trình tập huấn tại Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam vào cuối tháng 8/2023, tổng giá trị tiền mã hoá Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sản giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 – 1/10/2022. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.

Trả lời câu hỏi vì sao tiền mã hoá hấp dẫn tội phạm rửa tiền, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, tính ẩn danh, thiếu quy định đồng bộ và tính chất giao dịch xuyên biên giới đã tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền. Theo đó, bên cạnh các nền tảng giao dịch yêu cầu người dùng tiền điện tử danh tính, nhiều ví blockchain cho phép người dùng khởi tạo tài khoản và bắt đầu giao dịch mà không cần xác minh danh tính.

Các chuyên gia khuyến nghị cần nhận diện giao dịch tài sản số để ngăn chặn hành vi rửa tiền.

Tính đến năm 2023, một số quốc gia đã xác định tiền mã hóa, tài sản mã hóa là một loại tài sản, do đó có thể áp dụng luật AML dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Tuy nhiên nhiều khu vực vẫn chưa chấp nhận tiền mã hóa, tài sản mã hóa nên việc áp dụng tiêu chuẩn AML toàn cầu là không khả thi. Còn thiếu tính đồng bộ giữa các quốc gia nên việc xác định và xử lý hành vi rửa tiền xuyên biên giới trở nên khó khăn. Giao dịch xuyên biên giới diễn ra tức thì 24/7 nên rất hấp dẫn tội phạm rửa tiền quốc tế.

Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhấn mạnh dù chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã. Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động.

Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027. Hơn nữa, Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.

Nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần thực hiện 3 nhiệm vụ: nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản này theo các quy tắc của Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS), các quy định do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đưa ra dưới dạng hiệp ước và khuyến cáo các ngân hàng tuân thủ (Basel) và chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Các định chế tài chính nên xây dựng các quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hoá đối với các tài khoản cá nhân.

Đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Nguồn nhân lực này không thể chỉ trông chờ vào luật hay cơ quan Nhà nước mà cần được chủ động thực thi bởi tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo ngân hàng.


Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm