Phát hành trái phiếu công trình để kích cầu
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã đặt ra nhiều vấn đề nóng của nền kinh tế trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2012.
Tổng cung, tổng cầu vẫn yếu
Trước đó, trong báo cáo tháng 9, cơ quan này đã nhận định tổng cầu của nền kinh tế được cải thiện tốt hơn so với 2 quý đầu năm. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá mạnh, tháng 9 đạt khoảng 24.000 tỉ đồng so với bình quân 16.000 - 18.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân ổn định khoảng 1 tỉ USD/tháng, tín dụng ngân hàng cũng được cải thiện. Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tính bình quân 9 tháng tăng 17,15% so với cùng kỳ năm trước.
Đã đến lúc nên phát hành trái phiếu công trình nhằm kích cầu kinh tế để giải phóng hàng tồn kho.
Trong tháng 10, chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,8% so với tháng 9 nhưng nếu so sánh theo tốc độ tăng bình quân tháng so với cùng kỳ thì sau 5 tháng gần như liên tục tăng dần đều (từ tháng 5 đến 9-2012), tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ (chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước). Đáng lưu ý là những ngành sản xuất có sản lượng suy giảm tập trung chủ yếu vào các ngành nghề có liên quan lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Những vấn đề được cải thiện là đầu tư công đã có trọng điểm, bớt tính dàn trải so với giai đoạn trước. Đầu tư FDI cũng đã có sự dịch chuyển từ bất động sản sang khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, thực chất đi vào sản xuất hơn. Lạm phát sau khi bất ngờ tăng vào tháng 9 đã giảm nhiệt, mức độ tăng giá do tâm lý đã được hạn chế đáng kể.
Ngân sách không trả nợ thay doanh nghiệp
Để gỡ khó cho nền kinh tế trong điều kiện dư địa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa còn rất hẹp, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phát hành trái phiếu công trình nhằm kích cầu kinh tế để giải phóng hàng tồn kho. Cụ thể là phát hành trái phiếu công trình có định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Số liệu từ năm 2005 đến nay cho thấy lĩnh vực xây dựng (tính theo giá so sánh) đóng góp tới 8%-10% vào tổng sản lượng quốc nội hằng năm và luôn duy trì được tốc độ tăng mạnh từ 10%-12% năm. Tuy nhiên, năm 2012 là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng và tăng trưởng của lĩnh vực này suy giảm.
Bên cạnh đó, để khơi thông nguồn vốn tín dụng, vấn đề cốt lõi của chính sách hiện nay là phải ưu tiên đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Để quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu có thể đẩy mạnh một cách thực chất, cần sớm hoàn thiện nhanh nền tảng pháp lý cho việc mua bán nợ, thanh lý tài sản trong tiến trình xử lý nợ xấu, đồng thời có những chính sách ưu đãi về thuế và phí cho những tổ chức tài chính liên quan đến mua bán nợ xấu.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, có nhiều ý kiến quan ngại về hiệu quả của quá trình này và sốt ruột khi thấy Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn chưa trình được đề án. Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 diễn ra tuần qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định nợ xấu vẫn đang được giải quyết và Nhà nước sẽ không lấy ngân sách để bù, trả nợ thay cho các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đến nay đã giảm được 36.000 tỉ đồng trong tổng số 202.000 tỉ đồng.
Việt Anh (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo