Khám phá

Phát hiện hành tinh rung lắc mạnh trong không gian

Các nhà khoa học NASA kinh ngạc khi phát hiện một hành tinh bất định trong không gian.

Hành tinh rung lắc Kepler-413b. Ảnh: Alamy. 

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, hành tinh Kepler-413b không di chuyển theo một quỹ đạo cố định. Nó liên tục đi lên, hạ xuống hoặc rung lắc do chịu ảnh hưởng từ 2 ngôi sao lùn màu cam và đỏ. Tuy nhiên, hành tinh này vẫn có thể quay trên trục của chính mình.

Kepler-413b nằm trong hệ sao Cygnus, cách trái đất 2.300 năm ánh sáng. Người phát ngôn Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian có trụ sở tại Baltimore, bang Maryland, Mỹ cho biết: “Mọi thứ đều rung động nhưng những gì xảy ra trên hành tinh này dữ dội hơn nhiều. Nếu vũ trụ của chúng ta rung lắc như thế, mọi thứ sẽ trở thành một mớ hỗn độn”.
 
Trong khi đó, ông Jonathan McDowell, nhà nghiên cứu của Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết: “Đây là hành tinh tròng trành đầu tiên mà chúng ta tìm thấy. Một vài hành tinh khác cũng lung lay đôi chút nhưng chúng chẳng là gì nếu so sánh với Kepler-413b”.
 
Ngoài ra, trục của hành tinh này nghiêng tới 30 độ, kéo theo những biến đổi nhiệt độ và khí hậu rất lớn. “Hãy tưởng tượng trục của trái đất cũng nghiêng như trục của Kepler-413b, chúng ta sẽ không biết mặc quần đùi hay áo khoác dày khi bước ra đường”, người phát ngôn của NASA cho biết.
 
Dù Kepler-413b khá độc đáo nhưng các nhà khoa học đã loại trừ khả năng sự sống tồn tại trên hành tinh này. Nó ở gần ngôi sao chủ nên bề mặt Kepler-413b quá nóng nên nước không thể tồn tại dưới dạng lỏng.
 
Theo Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo