Quốc tế

Phát hoảng với "lý lịch đen tối" của hãng hàng không Trigana Air

(DNVN) – Ít ai ngờ được tai nạn máy bay đâm vào núi tại khu vực Papua, Indonesia ngày 16/08 vừa qua là vụ va chạm thứ 15 của hãng hàng không tai tiếng này.

Chuyến bay xấu số chở theo 54 người đâm vào dãy núi Papua ngày hôm qua vẫn chưa có thêm thông tin về số lượng người thương vong, mặc dù các lực lượng cứu hộ Indonesia đã cố hết sức tìm kiếm.

Đến khi lật lại hồ sơ tai nạn hàng không từ nhiều năm qua, mọi người mới phát hoảng vì hãng Trigana Air đã quá "quen" với việc phải xử lý tai nạn hàng không của hãng này. Đến nỗi hãng này đã lọt vào "sổ đen" của các cơ quan kiểm soát không lưu Châu Âu.

Thành lập năm 1991 bởi ông Rubijanto Adisarwovo, Trigana Air khởi điểm chỉ với 2 chiếc máy bay Beechcraft B200C King Air sản xuất từ năm 1972. Sau chưa đầy 1 năm kể từ ngày thành lập, hãng đã "dính" vụ tai nạn đầu tiên vào ngày 08/09/1992, chiếc máy bay loại DHC-6 Twin Otter 100 bị lỗi khi cất cánh tại vùng Pogapa, Indonesia. Tuy chỉ làm 2 người bị thương, nhưng chiếc máy bay bị hư hỏng hoàn toàn không thể sửa chữa.

Xác máy bay trong vụ tai nạn ngày 21/04/2002.
Xác máy bay trong vụ tai nạn ngày 21/04/2002.

Sau 2 năm yên ổn, đến ngày 19/03/1994, lại một chiếc DHC6 của Trigana Air dính tai nạn khi đang cất cánh khiến 2 người bị thương, may mắn là chiếc DHC6 26 năm tuổi (tính đến năm 1994) bị hư hỏng nhưng không đáng kể.

8 tháng sau, vào ngày 4/11/1994, lại một chiếc DHC6 nữa của Trigana "ra đi" vì va quệt vào vách núi, khiến 4 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó gồm 2 phi công và 2 hành khách.

Ngày 30/09/1996, một chiếc DHC6 phiên bản Twin Otter 200 bị tai nạn khi đang cố hạ cánh xuống sân bay Ilaga, Indonesia trong khi trời mưa rất to khiến 5 người bị thương.

Ngày 17/07/1997, chiếc máy bay loại Fokker F27 600 của Trigana Air bị hỏng động cơ khi đang bay từ Bandung tới Jakarta rồi đâm thẳng xuống đầm lầy, khiến 28 người chết và 22 người bị thương.

Một mảnh vụn của máy bay sau vụ tai nạn ngày 03/09/2002
Một mảnh vụn máy bay của hãng hàng không Trigana Air sau vụ tai nạn ngày 03/09/2002.

Chỉ 3 tháng sau vụ tai nạn kinh hoàng nói trên, ngày 28/10/1997, Một chiếc Fokker F28 va chạm khi đang cất cánh từ sân bay Jakarta, may mắn là chỉ có vài hành khách bị thương.

 

Sau 5 năm bình yên, đến ngày 21/04/2002, Một chiếc Antonov 72 va chạm khi đang hạ cánh, may mắn rằng đây là chiếc máy bay trống, chỉ có 4 thành viên phi hành đoàn bị thương nhẹ, nhưng chiếc Antonov này bị hư hỏng quá nặng không thể sửa chữa.

Ngày 25/05/2002, một chiếc DHC6 Twin Otter 300 đâm vào núi khi đang đi từ Nabire tới Enarotali, vụ tai nạn này cướp đi sinh mạng của toàn bộ 6 người trên chuyến bay.

Ngày 03/09/2002, mẫu máy bay đen đủi DHC6 lại gặp nạn khi đang hạ cánh xuống sân bay Silimo, may mắn rằng không có ai bị thương nhưng chiếc máy bay bị hư hỏng hoàn toàn.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không "tai tiếng" này ngày 01/06/2007.

4 năm sau, ngày 10/10/2006, chiếc máy bay DHC 4A Caribou của Trigana lại bị lỗi hạ cánh khi đang đáp xuống sân bay Mamit, khiến máy bay hư hỏng hoàn toàn, 5 người trên chuyến bay chỉ bị thương nhẹ.

Ngày 17/11/2006, một chiếc DHC6 nữa đâm vào núi khi đang đi từ Mulia tới Ilaga, vụ va chạm khiến toàn bộ 12 người trên chuyến bay thiệt mạng.

 

Ngày 01/06/2007, một chiếc DHC6 gặp sự cố khi vừa cất cánh từ sân bay Mulia, tuy nhiên chỉ là va chạm nhẹ nên không có ai bị thương.

Vụ tai nạn ngày 11/02/2010.
Vụ tai nạn ngày 11/02/2010.

Ngày 11/02/2010, một chiếc ATR 42 chở 52 người gặp sự cố khi đang hạ cánh xuống sân bay Samarinda, may mắn rằng không có ai thiệt mạng hoặc bị thương nặng.

Ngày 11/01/2015, một chiếc DHC6 trống va chạm khi hạ cánh xuống sân bay Enarotali, khiến 3 thành viên phi hành đoàn bị thương.

Sau 24 năm hoạt động với 15 vụ tai nạn, làm hư hỏng hoàn toàn 10 chiếc máy bay, Trigana Air đã đưa tên mình vào danh sách các hãng hàng không “khủng khiếp” nhất thế giới. Mặc dù chỉ chuyên bay nội địa Indonesia, nhưng vào năm 2007, hãng này đã đạt "thành tích" là đưa mình vào danh sách cấm bay trên không phận Châu Âu.

Thu Phương (Theo Aviation-safety)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo