Giới khoa học vừa thu được bằng chứng xác thực hoài nghi lâu nay rằng, các loài chim thuộc họ corvid, bao gồm cả quạ và chim ác là, rất thông minh. Khám phá này có thể hé lộ hoạt động trí não của những sinh vật không phải là động vật có vú, kể cả các dạng sống ngoài hành tinh.
Theo tạp chí Nature Communications, hai chuyên gia thần kinh sinh vật học đến từ trường Đại học Tubingen (Đức) đã phát hiện cách bộ não của quạ sản sinh ra hành động thông minh khi phải đưa ra những quyết định chiến lược, tương tự như con người, dù không có tổ tiên chung.
Nhà nghiên cứu Lena Veit giải thích, nhiều chức năng ở chim hoàn toàn khác biệt với người, do lịch sử tiến hóa dài đã phân tách chúng ta khỏi những hậu duệ trực tiếp này của khủng long. Quạ và các động vật linh trưởng sở hữu bộ não khác nhau, nhưng các tế bào điều phối quá trình ra quyết định rất giống nhau. Nó là minh chứng cho một nguyên tắc chung tái xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử tiến hóa.
"Cũng giống như các kết luận vững chắc về khí động lực học rút ra từ việc so sánh các loại cánh có cấu trúc khác biệt của chim và dơi, ở đây, chúng tôi có thể rút ra kết luận về cơ chế hoạt động của não bằng cách tìm hiểu những tương đồng và khác biệt về chức năng của các vùng não liên quan ở não chim và động vật có vú", giáo sư Andreas Nieder, đồng tác giả nghiên cứu, nói thêm.
Nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, không giống như đa phần các loài chim khác, quạ vô cùng thông minh. Chúng thậm chí được các nhà sinh vật học hành vi gọi là "động vật linh trưởng có lông vũ", vì có thể chế tạo và sử dụng công cụ (chẳng hạn như thả rơi các hạt lạc trên đường để ôtô đi nghiến qua, giúp tách vỏ lạc), có khả năng ghi nhớ số lượng lớn các địa điểm kiếm ăn (chẳng hạn như thay đổi đường bay di trú, tránh đi qua những địa điểm từng có cá thể trong đàn bị chết hoặc giết hại) và lên kế hoạch về hành vi bầy đàn dựa theo cách thể hiện của những thành viên khác trong đàn.
Mức độ thông minh vượt trội này khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên, vì bộ não của chim có cấu tạo về cơ bản rất khác với động vật có vú, kể cả động vật linh trưởng.
Trong một thí nghiệm nhằm kiểm tra chức năng sinh lý học bộ não đối với hành vi thông minh của quạ, nhóm nghiên cứu đã huấn luyện các con quạ thực hiện bài kiểm tra trí nhớ trên máy tính. Những con chim này được cho xem một bức ảnh và phải ghi nhớ nó. Không lâu sau đó, chúng phải chọn ra một trong 2 bức ảnh (1 bức giống hệt và 1 bức khác hoàn toàn ảnh ban đầu) xuất hiện trên màn hình cảm ứng bằng di mỏ lựa chọn.
Đôi khi luật kiểm tra là chọn ra bức ảnh giống hệt, đôi khi lại là chọn ra bức ảnh khác biệt. Tuy nhiên, các con quạ đều có thể hoàn thành cả 2 nhiệm vụ một cách trôi chảy, cho thấy khả năng tập trung và sự kinh hoạt trí não cao, vốn chỉ tồn tại ở số ít loài động vật, kể cả con người.
Khi quan sát hoạt động thần kinh tại vùng não nidopallium caudolaterale gắn liền với mức độ nhận thức cao nhất ở chim, các nhà nghiên cứu phát hiện, một nhóm tế bào thần kinh chuyên phản hồi khi quạ phải chọn ra bức ảnh giống nhau, trong khi một nhóm tế bào thần kinh khác luôn hồi đáp khi chúng thực hiện yêu cầu chọn ra bức ảnh khác biệt.
Thông qua quan sát hoạt động tế bào thần kinh như trên, các nhà nghiên cứu thường có thể dự đoán chính xác quạ đang đáp ứng yêu cầu nào ngay cả trước khi chúng đưa ra lựa chọn.
VietnamNet