Thị trường

Quả vải Việt Nam xuất khẩu sang Canada được đánh giá cao

(DNVN) - Theo đánh giá của những người đã nhiều năm nhập khẩu mặt hàng vải quả tươi vào Canada, vải Việt Nam rất ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng. Nói chung là sản phẩm có chất lượng tốt.

Theo thông tin trên VTV, lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada bằng đường hàng không, chất lượng tươi ngon hơn các sản phẩm cùng loại.
Cụ thể, lô vải quả tươi đầu tiên từ Việt Nam đã được đưa đến Canada vào tối 10/6. Như vậy, tiếp sau hai thị trường khó tính là Mỹ và Australia, Canada tiếp tục là quốc gia đón nhận vải tươi của Việt Nam.
Lô hàng vải thiều Việt Nam do được vận chuyển bằng đường hàng không, chỉ mất 2-3 ngày đi đường nên tươi ngon hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng với giá cước vận chuyển lên tới hơn 18 CAD/1 kg. Trong khi quả vải của Trung Quốc, Thái Lan được vận chuyển bằng đường biển, mất từ 3-4 tuần nên chất lượng kém hơn nhưng giá rẻ hơn.
Tiềm năng của mặt hàng vải quả của Việt Nam tại Canada là có triển vọng nhưng khó khăn trước mắt là giá vận chuyển quá cao khiến giá bán của vải Việt Nam tại Canada cũng bị đẩy lên cao. Lô vải thiều đầu tiên tới Canada là dấu mốc rất quan trọng cho việc xâm nhập thị trường của sản phẩm vải thiều cũng như hoa quả tươi nhiệt đới của Việt Nam.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin trên Vietnamplus, ông Rex Yu, đại diện Công ty Manley Sales nhập khẩu vải Việt Nam, cho biết để có thể vào được thị trường Canada, quả vải của Việt Nam đã đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu và những yêu cầu của Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA).
Theo đánh giá của ông Yu, người đã nhiều năm nhập khẩu mặt hàng vải quả tươi vào Canada, vải Việt Nam rất ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng. Nói chung là sản phẩm có chất lượng tốt.
Tiềm năng của mặt hàng vải quả của Việt Nam tại Canada là có triển vọng, nhưng khó khăn trước mắt là giá vận chuyển quá cao, nên khiến giá bán của vải Việt Nam tại Canada cũng bị đẩy lên cao. Thị trường Canada rất có ý thức về giá cả, nên ai có hàng hóa chất lượng tốt và giá rẻ thì sẽ bán được hàng.
Công ty Manley Sales dự kiến phân phối sản phẩm vải Việt Nam tới nhiều cửa hàng nhất có thể trên khắp Canada từ tỉnh British Comlumbia ở bờ Tây cho tới tỉnh Quebec ở bờ Đông trong vòng một tuần. Kế hoạch nhập khẩu vải Việt Nam tiếp theo của công ty còn tùy thuộc vào việc đối tác Việt Nam có hàng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Canada và giảm được giá vận chuyển để tăng tính cạnh tranh hay không. 
Để người tiêu dùng Canada lựa chọn và yêu mến quả vải Việt Nam, điều kiện tiên quyết là phải giảm được giá bán, bởi một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của vải Việt Nam là mặt hàng vải từ Mexico, cũng tươi ngon do lợi thế rất lớn về sự gần gũi địa lý. Ông Yu hy vọng mặt hàng vải Việt Nam có thể giành được thị phần tại Canada, giống như mặt hàng thanh long và nhãn tươi Việt Nam mà công ty ông đang nhập khẩu.
Về sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu Việt Nam tại thị trường Canada trong tương lai, Tham tán Thương mại Hoàng Anh Dũng cho biết chức năng chính của bộ phận Thương vụ nói chung và tại Canada nói riêng là xúc tiến thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, bộ phận Thương vụ tại Canada tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Canada. Trong thời gian gần đây, trước yêu cầu tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong nước, bộ phận Thương vụ tại Canada đã nỗ lực xúc tiến thương mại nông phẩm.
Trong thời gian tới, bộ phận Thương vụ sẽ hoàn thiện cẩm nang về quy định của Canada đối với các loại nông sản và hoa quả tươi để nông dân trong nước chủ động khâu nuôi trồng canh tác để đảm bảo chất lượng nhập khẩu của Canada, thậm chí vượt tiêu chuẩn nhập khẩu ở thị trường Canada để tăng khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác, giữ uy tín sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Hòa Hậu (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo