Bác Hồ đã chỉ rõ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, xác định Giáo dục và đào tạo là “Quốc sách hàng đầu”. Như vậy, tiêu cực trong giáo dục, mà cụ thể ở đây là quay cóp sẽ trở thành... nỗi nhục quốc thể.
Ngay sau khi nhận được các clip ghi lại những sai phạm, tiêu cực có hệ thống tại Hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Lục Nam – Bắc Giang), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều thư của độc giả cả nước bày tỏ ý kiến riêng của mình. Sau đây là bức thư của độc giả Huỳnh Anh.
Trong đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT có viết: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”. Không biết rằng, trong bài làm đã có bao nhiêu học sinh đề cập đến "thói dối trá" trong học đường?
Mục đích của đề thi là đề cao tính trung thực xoay quanh đến vấn đề “thói dối trá”. Thật tình cờ khi đề thi ra đúng năm mà "thói dối trá" bị "vạch trần" trong giáo dục, như "Kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Vì vậy, là công dân nước Việt Nam, chúng ta không thể không nghĩ ngợi về cái được coi là "nỗi nhục quốc thể".
“Cái kim” đó chính là những clip tố cáo sai phạm trong giáo dục tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô - Bắc Giang đã được phát tán trên mạng, nhận được nhiều phản hồi từ phía độc giả toàn quốc. Có nhiều người cho rằng: "Quay cóp ư? Đó là chuyện xưa... như Diễm rồi. Chẳng qua là bây giờ có clip nên mới có bằng chứng thôi".
Thật vậy, chúng ta không ai không biết đến hiện tượng quay cóp, đó là hiện tượng dối trá trong kiểm tra, thi cử. Quay cóp đồng nghĩa với nhìn và chép bài của người khác trong giờ kiểm tra dưới mọi hình thức: Giở vở, ghi tài liệu lên bàn, lên giấy đủ kích cỡ.
Hiện nay, lại có cả phương tiện hiện đại “hỗ trợ” cho việc quay cóp, đó là bút tàng hình và điện thoại di động. Nói tóm lại là biểu hiện của hiện tượng tiêu cực này rất phong phú về “chủng loại và cách thức”. Tôi cho rằng, quay cóp không chỉ phá hoại nhân cách, kiến thức của học sinh, mà cao hơn cả là... nỗi nhục của quốc thể.
Quay cóp không phải là việc làm của riêng ai cả, nó là của chung toàn xã hội. Ngay từ khi còn nhỏ, ý nghĩ quay cóp đã nhen lên trong đầu các em học sinh, bởi suy nghĩ không muốn học nhưng vẫn muốn bị điểm cao, học mà làm gì khi bạn bè quay cóp sẽ đạt được điểm cao hơn mình?
Sống trong một xã hội toàn quay cóp, rất ít người dám sống là chính mình, vươn lên bằng sự nỗ lực cá nhân. Những người trung thực là số ít, trước bão gió của cuộc sống nếu không vững vàng thì họ sẽ như một cái cây chết yểu, hoặc sẽ lại dối trá theo số đông để có cơ hội sống.
Như vậy, nhân cách và suy nghĩ của con người đã định hình theo hướng xấu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dẫn đến toàn xã hội xuống cấp về đạo đức.
Một dân tộc muốn "ngóc đầu" lên đc thì phải nhờ giáo dục, nhưng giáo dục như thế này bao giờ mới sánh vai được với các cường quốc trên thế giới? Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thầy cô, những người đại diện cho ngành giáo dục tuyên bố, coi dễ dãi vì thương học sinh. Nhưng đó là hành động cổ vũ cho việc quay cóp, họ không hề thương học sinh mà là thương cho “thành tích”, “danh hiệu” của trường, của cá nhân mà thôi.
Quay cóp trong thi cử đã tồn tại rất lâu trong ngành giáo dục nước nhà, bởi nước ta còn rất nhiều người thấy đúng không ủng hộ, thấy xấu không dám phê phán, chỉ biết nói lý thuyết suông, đó là biểu hiện của thói đạo đức giả.
Gian lận thi cử là một phần của bệnh gian dối khắp đất nước. Từ quan chức gian dối, những người làm giáo dục gian dối, dẫn tới học sinh cũng gian dối theo... Khi xảy ra sự việc, những người làm quan chức trong ngành giáo dục thường trả lời bằng cách né tránh trách nhiệm.
Sau sự việc tại THPT Dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang, trước hai thí sinh dũng cảm quay clip, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”.
Tôi hoàn toàn phản đối ý kiến của ông Đào Trọng Thi. Ông chỉ biết tuyên ngôn mà không biết nhìn nhận vào vấn đề thực tế, cho tôi hỏi một câu đơn giản: "Ông sẽ làm gì nếu biết trước tiêu cực sẽ xảy ra tại Bắc Giang?". Ông sẽ mời báo chí, phóng viên đến? Báo cáo Ban Giám hiệu nhà trường? Hay là báo công an?... Những sự việc“tai vách mạch rừng” này xảy ra thì làm sao có được những clip giá trị như vậy?
Nếu không có thí sinh quay clip để làm bằng chứng sống động như thế này, thì tất cả các báo cáo từ Sở đến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đều đánh giá kì thi tốt nghiệp THPT diễn ra tốt đẹp, hiện tượng tiêu cực chỉ là số nhỏ. Nhìn con số công bố sau kỳ thi là 12 thí sinh vi phạm quy chế thi trên tổng số 1 triệu thí sinh tham dự, thật không thể tin nổi...
Bác Hồ đã từng dạy thiếu niên, nhi đồng những lời rất mộc mạc: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Là những người làm trong ngành giáo dục, tôi tin rằng các vị biết rõ lời dạy này, vậy hãy nhìn nhận thẳng vào sự việc, để từ đó có cách giải quyết.
"Khiêm tốn" ở đây là biết nền giáo dục nước mình đang ở vị trí nào để mà có hướng phấn đấu. Đừng huyễn hoặc mình và nhân dân bằng các bản báo cáo thành tích. "Thật thà" ở đây là thẳng thắn nhìn nhận rằng, có quá nhiều giả dối đang tồn tại, để rồi "dũng cảm" là vạch trần nó ra. Có như thế, giáo dục nước nhà mới “ngóc đầu” lên được.
Năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa đã tố cáo tiêu cực tại Hà Tây, năm nay là Bắc Giang rồi tới đây sẽ còn 61 bài học tại các tỉnh thành nữa về còn tiêu cực nếu như gian dối vẫn còn tồn tại trong xã hội. Tôi mong rằng, qua sự việc gian lận thi cử tại Bắc Giang, tất cả chúng ta hãy coi quay cóp là "nỗi nhục quốc thể" để mà biết phấn đấu cho một hướng đi mới tươi sáng hơn. Bởi chỉ khi nào nhận thức được sâu sắc nỗi nhục này, giáo dục nước nhà mới có thể phát triển được.
Theo Giáo dục Việt Nam