“Bóng ma” lạm phát đe dọa kinh tế toàn cầu
Nhóm thành viên WTO đạt thỏa thuận 'lịch sử' về thương mại dịch vụ / Máy bay phản lực đa năng hạng nhẹ Yak-130
Người dân và doanh nghiệp châu Âu đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục
Lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức cao trong lịch sử là một trong những câu chuyện kinh tế đáng chú ý nhất tuần qua.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tại 19 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lạm phát cả năm ghi nhận cho tới lúc này là 4,9% - mức cao nhất trong lịch sử Eurozone. Lạm phát đang bào mòn sức mua của đồng Euro, khiến người dân và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn.
Tại nhiều nước châu Âu, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên rất cao, kéo theo đó là sự leo thang về giá cả hàng hóa. Hiện nay, khi đi mua sắm, người tiêu dùng sẽ buộc phải lựa chọn, hoặc tốn nhiều tiền hơn, hoặc phải thắt lưng buộc bụng. Còn người bán cũng chật vật không kém.
Áp lực lạm phát không chỉ đè nặng người tiêu dùng, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế. (Ảnh: AP)
"Mọi thứ đều trở nên đắt đỏ hơn. Tôi vẫn có tiền mua thức ăn, nhưng mua được ít hơn", bà Judit Nagy, người dân Hungary, bày tỏ.
"Chúng tôi vẫn cần chút chênh lệch giá cả để có lợi nhuận, nhưng người mua bây giờ rất nhạy cảm về giá, nếu giá cao họ có thể sẽ không mua hàng, dù sản phẩm chất lượng tốt", ông Ildiko Vardos Serfozo, người bán thịt tại Hungary, cho biết.
Giá tăng, nhưng lương lại không tăng tương ứng đã khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào tình cảnh khó khăn, đặc biệt là những người thu nhập thấp.
"Sức mua của chúng tôi đang sụt giảm vì lạm phát. Với việc tình trạng lạm phát liên tục kéo dài trong thời gian tới, tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn", ông Jacques Dubois, người lao động về hưu tại Pháp, cho hay.
"Bên cạnh dịch bệnh COVID-19, thị trường tiêu dùng đang phải đối mặt với sức ép lớn từ mức lạm phát trên 4% và giá cả gia tăng. Điều này đang khiến lĩnh vực bán lẻ gặp nhiều khó khăn", ông Rolf Buerkl, chuyên gia công ty nghiên cứu thị trường GFK, nhận định.
Lạm phát leo thang cũng buộc các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng tồi tệ như hủy đơn đặt hàng hay buộc phải tạm dừng đầu tư, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang gây ra nhiều gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Hiện chỉ số niềm tin tiêu dùng Eurozone đã rơi xuống mức thấp nhất 6 tháng, trong khi chỉ số lòng tin về kinh tế cũng đã sụt giảm mạnh trong tháng 11 vừa qua.
Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến người dân tại nhiều quốc gia
Không chỉ tại Eurozone, người dân nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với áp lực từ tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng.
Các khảo sát mới nhất cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, lạm phát tăng là một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà bán lẻ tại Anh phải nâng giá hàng hóa thêm 0,3%, lần tăng đầu tiên trong 2 năm. Hiệp hội Bán lẻ Anh dự kiến tỷ lệ lạm phát sẽ tăng nhanh trong những tháng tới, gây áp lực lớn lên người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ lạm phát ở gần mức 20% khiến giá thực phẩm, nhiên liệu tăng mạnh, người dân rơi vào tình cảnh khó khăn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã phải thiết lập khoảng 1.000 siêu thị mới trên cả nước để cung cấp hàng tiêu dùng với mức giá phù hợp.
Còn tại châu Á, chính phủ Malaysia cũng cho biết sẽ tổ chức chương trình bán các mặt hàng cơ bản một cách thường xuyên trên phạm vi cả nước, như một nỗ lực nhằm kìm giá nhu yếu phẩm. Giá hàng hóa dự kiến sẽ thấp hơn từ 15 - 20% so với giá thị trường.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vẫn nhận định, mức tăng lạm phát đột biến chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần khi nhu cầu và sản xuất trở lại bình thường. Tuy nhiên, tổ chức này cũng lưu ý rằng, nếu đà tăng của lạm phát kéo dài hơn và mức tăng cao hơn dự kiến, đây sẽ là rủi ro chính với kinh tế toàn cầu.
Thời điểm này, các ngân hàng trung ương đang có những quan điểm khác nhau về vấn đề lạm phát. Tại một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nga, Brazil..., chính sách tiền tệ đã được thắt chặt để ngăn chặn lạm phát tăng phi mã.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hay Australia lại ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn, khi lựa chọn tiếp tục duy trì chính sách nới tiền tệ nới lỏng.
ECB vẫn tin tưởng lạm phát chỉ mang tính tạm thời
Còn tại Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện cũng chưa có động thái nào để kéo lạm phát xuống, bởi ECB cho rằng, các áp lực dẫn đến lạm phát chỉ mang tính tạm thời.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. (Ảnh: Reuters)
"Chúng tôi biết rằng giá cả đang đắt đỏ hơn, đặc biệt là với những người thu nhập thấp. Nhưng chúng tôi coi đây là khó khăn nhất thời và mọi thứ sẽ giảm xuống. Chúng tôi tin tưởng lạm phát sẽ giảm trong năm 2022", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định.
"Lạm phát đã đạt gần đến đỉnh điểm, nhưng ngân hàng trung ương sẽ không làm gì nhiều, vì họ tin rằng, lạm phát sẽ giảm từ từ và dần ổn định trở lại", ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường vốn, Ngân hàng Baader, cho hay.
FED không còn coi lạm phát chỉ mang tính tạm thời
Một ngân hàng trung ương lớn khác là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng từng chia sẻ quan điểm này với ECB. Bất chấp áp lực lạm phát liên tục gia tăng, FED vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng, không muốn thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế quá sớm, bởi lo ngại điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Tuy nhiên, chỉ cách đây ít ngày, Chủ tịch FED Jerome Powell đã phát đi tín hiệu về một sự thay đổi khi cho biết đã đến lúc không nên coi "lạm phát cao" là tạm thời.
"Áp lực lạm phát hiện đang rất lớn. Do vậy, theo quan điểm của tôi, FED có thể sẽ phải thu hẹp chương trình mua tài sản sớm hơn dự kiến vài tháng", Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh.
FED không phụ thuộc vào một yếu tố đơn lẻ nào. Trước hết, thị trường lao động đang bị thắt chặt. Tháng 11 vừa qua, các doanh nghiệp chỉ tạo thêm được 210.000 việc làm mới, trong khi mức kỳ vọng cao hơn gấp 2 lần, có nghĩa dư địa mở rộng của các doanh nghiệp đang giảm, nên bơm thêm tiền cũng không có tác dụng nhiều. Quan trọng hơn là lạm phát đang ở mức quá cao. Mức ổn định với FED là 2%. Tuy nhiên trong 7 tháng vừa qua, lạm phát luôn ở ngưỡng từ 4,2 - 6,2%.
7 tháng liên tiếp nên không thể coi lạm phát cao là tạm thời. Nó chứng tỏ lượng tiền lưu thông trong thị trường đang quá cao so với hàng hóa tương ứng và lượng hàng vốn đang thiếu thốn do bị tắc nghẽn lại càng có nguy cơ nghẽn nặng hơn khi có thông tin về biến thể Omicron. Nhiều nước trong chuỗi cung ứng đã chọn đóng cửa và khả năng nhiều nước khác sẽ quyết định tương tự.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở St. Louis, Missouri, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Ngay sau tuyên bố của ông Powell, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một phiên giảm điểm mạnh. Điều này phần nào cho thấy, giới đầu tư đã có phần bất ngờ trước sự thay đổi quan điểm của FED đối với lạm phát. CNBC dự đoán, điều này có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá sự thay đổi trong quan điểm của FED là phù hợp và nhất quán. Cơ quan này tuyên bố từ đầu rằng họ để ngỏ các chính sách để phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh và vận hành của nền kinh tế. Việc rút lại bớt chương trình mua trái phiếu vẫn là một biện pháp mềm, nên doanh nghiệp dễ dàng thích nghi hơn.
Tuy nhiên góc độ thị trường, các nhà quản lý quỹ đầu tư không thấy vui. Bởi điều này có nghĩa FED có thể sẽ nâng lãi suất trở lại sớm hơn. Do đó, đầu tư vào các cổ phiếu trong ngắn hạn không còn tiềm năng sinh lời nhiều. Người ta chứng kiến ngay sau phát biểu của Chủ tịch FED, một lượng tiền không nhỏ đã đổ vào trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Một lượng tiền khác dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechip, mang tính đầu tư dài hơi hơn như của Microsoft hay Apple.
Bên cạnh những tác động lên thị trường tài chính Mỹ, những thay đổi trong quan điểm của FED đối với lạm phát được dự báo sẽ tạo ra những tác động rộng lớn hơn. Các ngân hàng trung ương lớn như ECB hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng được kỳ vọng sẽ có những sự điều chỉnh quan điểm về lạm phát trong cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng này.
Theo các chuyên gia, tốc độ thay đổi sẽ còn phụ thuộc vào tác động từ biến thể Omicron lên nền kinh tế. Sự không chắc chắn biến thể này mang lại được cho sẽ khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Dự án AI trị giá 500 tỷ USD của Mỹ: Thách thức lớn cho châu Âu
Pháp - Đức bàn đối phó chính sách thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump