Quốc tế

"Cân đo" sức mạnh tàu tên lửa cánh ngầm kỳ dị của Mỹ - Liên Xô

DNVN - Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giữa hai siêu cường quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ và Liên Xô có một cuộc đua rất thú vị liên quan tới chế tạo tàu tên lửa tấn công nhanh sử dụng kết cấu cánh ngầm.

Tàu sân bay Mỹ có thể bị đánh chìm trong “canh bạc rủi ro” với Iran / Cùng sao chép Iskander nhưng tên lửa Hàn Quốc đã vượt xa Triều Tiên

Khi nhắc tới tàu tên lửa tấn công nhanh sử dụng cánh ngầm thì hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay tới chiếc Sarancha. Đây là tên định danh NATO dành cho lớp tàu tên lửa tấn công nhanh cánh ngầm Dự án 1240 Uragan của Liên Xô (trong tiếng Nga Uragan có nghĩa là cuồng phong).

Tàu cánh ngầm là một con tàu có cánh giống như những chiếc lá lắp trên các giằng phía dưới thân. Khi tàu tăng tốc, các cánh ngầm tạo ra lực nâng thân tàu lên khỏi mặt nước. Điều này giúp làm giảm rất nhiều lực cản với thân tàu và nhờ vậy có thể gia tăng tốc độ.

Tàu tên lửa Sarancha hạ thủy vào năm 1973 tại nhà máy đóng tàu Petrovski ở Leningrad, con tàu được cho chạy thử nghiệm tới năm 1977 và đến năm 1979 thì chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen thông qua đường thủy nội địa của Nga.

Cận cảnh các cánh ngầm của tàu tên lửa Sarancha - Dự án 1240

Cận cảnh các cánh ngầm của tàu tên lửa Sarancha - Dự án 1240

Kết cấu của Sarancha rất phức tạp và khác biệt hoàn toàn so với các thế hệ tàu cánh ngầm trước kia của Liên Xô. Những cánh ngầm gắn cánh quạt ở phía sau được nhấn chìm hoàn toàn dưới nước lúc hoạt động.

Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu tên lửa Dự án 1240: chiều dài 53,6 m; chiều rộng 31,31 m; mớn nước 2,6 m (7,3 m khi cánh ngầm được duỗi ra); lượng giãn nước tiêu chuẩn 280 tấn, lượng giãn nước đầy tải 320 tấn; thủy thủ đoàn 40 người.

Nhờ 4 động cơ turbine khí có tổng công suất 30.000 mã lực kết hợp với kết cấu cánh ngầm cho phép tàu đạt được tốc độ tối đa 58 hải lý/h (107 km/h), tầm hoạt động 700 hải lý (1.300 km).

Tàu tên lửa Sarancha ở trạng thái hoạt động với tốc độ cao, các cánh ngầm được hạ xuống

Tàu tên lửa Sarancha ở trạng thái hoạt động với tốc độ cao, các cánh ngầm được hạ xuống

 

Sarancha được vũ trang khá mạnh với 4 tên lửa hành trình chống hạm P-120 Malakhit (SS-N-9 Siren) có tầm bắn 150 km, tốc độ cận âm và mang theo đầu đạn nặng 840 kg, bên cạnh đó là 1 ray phóng đôi của tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-4 (20 tên lửa) cùng 1 pháo AK-630.

Hệ thống điện tử của tàu gồm các loại radar điều khiển hỏa lực MR-331 Mineral (Band Stand) để dẫn bắn tên lửa P-120, MPZ-301 Baza (Pop Group) dẫn đường cho tên lửa SA-N-4 và MR-123 Vympel (BassTilt) điều khiển khẩu pháo phòng không AK-630.

Do bị nhận xét là quá lớn, quá phức tạp và tốn kém để sản xuất hàng loạt lên chỉ có duy nhất một chiếc Sarancha được hoàn thành, con tàu đóng căn cứ tại cảng Sevastopol cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 1990. Vào năm 1992, tàu bị hỏng do gặp phải hỏa hoạn và chìm trong vùng nước nông, xác tàu đắm đã được trục vớt và tiến hành tháo dỡ.

Tàu tên lửa cánh ngầm Pegasus của Hải quân Mỹ

Tàu tên lửa cánh ngầm Pegasus của Hải quân Mỹ

 

Nếu xét về sức mạnh thì Sarancha luôn vững chắc ở ngôi vị số 1, nhưng vì quá phức tạp nên đã dẫn đến việc chỉ có duy nhất một chiếc được hoàn thành, khiến cho nó bị đánh giá là kém thành công hơn đối thủ bên kia chiến tuyến là lớp tàu Pegasus của Hải quân Mỹ.

Pegasus là lớp tàu tên lửa cánh ngầm (PHM) được thiết kế cho Hải quân Mỹ để hoạt động trong vùng Biển Bắc và Biển Baltic, như lực lượng chủ công của NATO nhằm chống lại số lượng lớn các tàu tấn công nhanh lớp Osa và Komar của khối quân sự Warsaw.

Yêu cầu chế tạo một lớp tàu như vậy được đặt ra từ cuối thập niên 1960, dẫn tới kết luận sử dụng kết cấu cánh ngầm sẽ là tối ưu.

Vào năm 1970, Đô đốc Elmo Zumwalt - Tư lệnh Tác chiến của Hải quân Mỹ muốn tăng số lượng tàu mặt nước trong khi vẫn phải đảm bảo chi phí hợp lý, do vậy ông đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho chương trình Pegasus và đề xuất nó như một tiêu chuẩn của khối NATO.

 

Hai nguyên mẫu đầu tiên đã được chế tạo trong năm 1972. Ngoài Mỹ, Hải quân Đức, Italia cũng ký nghị định thư để tham gia dự án, còn Hải quân Anh và Canada đóng vai trò quan sát viên. Dự kiến sẽ có 30 chiếc được đóng cho Hải quân Mỹ, 10 dành cho Đức và 4 cho Italia.

Tàu tên lửa cánh ngầm ở trạng thái vận động nhanh

Tàu tên lửa cánh ngầm Pegasus ở trạng thái vận động nhanh

Tàu tên lửacánh ngầmPegasus có lượng giãn nước đầy tải 237,2 tấn; chiều dài 40 m; chiều rộng 8,5 m; thủy thủ đoàn 21 người,nó nhỏ hơn một chút so với chiếc Sarancha của Liên Xô.

 

Ở chế độ chạy thường, 2 động cơ diesel tăng áp MTU của Mercedes-Benz có tổng công suất 1.600 mã lực (1.193 kW) kết hợp với hệ thống đẩy phản lực nước cho tốc độ tối đa chỉ 12 hải lý/h (22 km/h).

Còn khi hoạt động với cánh ngầm, tàu sử dụng động cơ turbine khí General Electric LM2500 công suất 18.000 mã lực (13.423 kW), giúp tăng tốc độ lớn nhất lên tới 48 hải lý/h (89 km/h).

Vũ khí trang bị của lớp PHM này gồm 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon có tầm bắn 124 km bố trí trong 2 cụm 4 ống phóng, ngoài ra tàu còn có 1 pháo bắn nhanh OTO Melara Mk 75 cỡ 76,2 mm.Trên chiếc PHM-1, radar điều khiển hỏa lực là loại Mk 94 Mod 1, trong khi ở 5 chiếc còn lại là radar Mk 92 Mod 1.

Mặc dù là một thiết kế tốt, nhưng sau khi Đô đốc Zumwalt về hưu, Hải quân Mỹ đã dồn phần lớn ngân sách cho việc đóng những tàu chiến lớn hơn. Do vậy dự án Pegasus bị chấm dứt khi mới có 6 chiếc được hoàn thành trong giai đoạn 1973 - 1982.

Thời gian hoạt động của 6 chiếc PHM trong Hải quân Mỹ cũng khá ngắn, chỉ từ 1977 - 1993, do chúng chủ yếu được sử dụng cho nhiệm vụ tuần tra ven bờ, không phù hợp với thiết kế ban đầu là tàu tấn công nhanh vốn có chi phí hoạt động lớn. Sau khi bị loại biên, 5 chiếc đầu tiên của lớp hiện đã bị dỡ bỏ, chỉ còn duy nhất chiếc PHM-6 Gemini được hoán cải thành du thuyền là vẫn còn có mặt trên đại dương.

 

Vũ khí - khí tài

Phong Vũ (Tham khảo Wikipedia)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm