Quốc tế

"Sóng dậy" ở Mali: Cộng đồng quốc tế không thể ngồi yên

Mali, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi, đang trải qua những ngày dậy sóng, sau khi Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita buộc phải tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực gây sức ép với lực lượng tiến hành đảo chính tại Mali, vốn là nguồn cơn dẫn đến cuộc binh biến gây rúng động này.

Lựu pháo Mỹ được trang bị đạn Mach 5 / Ấn Độ tăng cường tự lực quốc phòng

Dậy sóng

Reuters đưa tin, ngày 19/8 (giờ địa phương), Đại tá quân đội Mali Assimi Goita đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc đảo chính nổ ra trước đó một ngày tại quốc gia này, với việc các binh sĩ nổi dậy bắt giam Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse cùng nhiều quan chức cấp cao khác tại căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako.

Phát biểu sau cuộc họp với các công chức hàng đầu, Đại tá Assimi Goita nói: “Tôi là Đại tá Assimi Goita, Chủ tịch Ủy ban Cứu quốc Nhân dân (CNSP), được thành lập sau cuộc đảo chính”. Lực lượng đảo chính tự xưng là CNSP tuyên bố sẽ giám sát quá trình chuyển giao quyền lực chính trị, tổ chức bầu cử và thực thi lệnh giới nghiêm.

Phát ngôn viên CNSP Ismael Wague phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kati, Mali hôm 19/8 (giờ địa phương). Ảnh: AP.

Trên thực tế, theo New York Times, tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7 vừa qua khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita từ chức với lý do điều hành kém, chính phủ tham nhũng.

Mặc dù Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và cộng đồng quốc tế đã nỗ lực hòa giải nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang, song tình hình Mali ngày càng trở nên phức tạp. Tổng thống Keita cũng đã cố gắng xoa dịu phong trào đối lập, đồng thời để ngỏ khả năng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, tuy nhiên phe đối lập đã bác bỏ những nỗ lực của ông, kiên quyết yêu cầu ông phải rời bỏ quyền lực.

Giới chuyên gia đánh giá đây là hệ quả nhãn tiền của việc chính quyền không được lòng dân, cùng những bất ổn ngày càng gia tăng ở Mali, kể từ sau cuộc bỏ phiếu “có nhiều bất thường” dẫn đến việc Tổng thống Keita tái đắc cử cách đây 2 năm.Đại tá Ismael Wague, thành viên và là phát ngôn viên của CNSP, cáo buộc chính phủ của ông Keita tham nhũng và không giải quyết được các mối đe dọa từ những nhóm cực đoan trong khu vực.

Lực lượng binh biến cho biết, vai trò của CNSP là bảo vệ tính mạng người dân và chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử ở Mali. Cũng trong ngày 19/8, các thủ lĩnh quân sự đứng sau vụ binh biến tại Mali đã đề nghị người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và cảnh báo chống lại các hành động phá hoại.

Không thể ngồi yên

Cuộc binh biến tại Mali đang khiến cộng đồng quốc tế không thể ngồi yên. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã cực lực lên án hành động này, yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho Tổng thống Mali Boubacar Keita và các thành viên trong chính phủ của ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới lên án cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống tại Mali, nhấn mạnh rằng “cuộc chiến chống các nhóm khủng bố và việc bảo vệ dân chủ cũng như pháp quyền là hai vấn đề không thể tách rời”.

Đám đông đổ ra đường tung hô các binh sĩ sau cuộc binh biến tại Mali. Ảnh: Sky News.

Theo Diplomat, Mali đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực do Pháp dẫn đầu nhằm đẩy lùi các phần tử Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel. Ảnh hưởng từ cuộc binh biến ở Mali có thể vượt xa biên giới nước này, làm gia tăng bất ổn khu vực, đe dọa lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có Pháp. Vì thế, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi “trao trả quyền lực cho người dân”, cũng như tạo điều kiện cho việc “khôi phục trật tự Hiến pháp”, đồng thời hối thúc trả tự do cho Tổng thống và Thủ tướng Mali.

Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng: “Mỹ mạnh mẽ lên án cuộc binh biến ngày 18/8 tại Mali, cũng như chúng tôi sẽ lên án mọi hành động dùng vũ lực để giành quyền lực. Cần phải đảm bảo sự tự do và an toàn cho các quan chức chính phủ bị bắt giữ cùng gia đình của họ”.

Theo RT, hiện các binh sĩ trong lực lượng đặc nhiệm của Mỹ hoạt động trên 22 quốc gia châu Phi, khiến châu lục này trở thành nơi có dấu ấn quân đội Mỹ lớn thứ hai chỉ sau Trung Đông.Năm ngoái, một vài trong số lực lượng tác chiến mạnh nhất của Lầu Năm Góc đã xuất hiện tại Mali, chứng tỏ mối quan tâm của Mỹ với vùng đất này. Biến động ở Mali ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới chính sách của cường quốc số 1 thế giới.

Trong khi đó, Ủy ban Hòa bình và An ninh của AU thông báo đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali nhằm đáp lại cuộc đảo chính của các binh sĩ, sẽ có hiệu lực tới khi trật tự hiến pháp tại Mali được khôi phục.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm