3 yếu tố khiến Ukraine tổn thất nghiêm trọng pháo hạng nặng trên chiến trường
Tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 của Mỹ khiến đối thủ khiếp sợ / Cận cảnh xe tăng Nga T-80BVM nã pháo vào đơn vị trinh sát Ukraine
Tính đến giữa tháng 5/2023, Ukraine đã nhận được ít nhất 390 khẩu pháo kéo và 440 pháo tự hành của phương Tây. Nhiều loại pháo trong số này đang bị tổn thất nặng nề trước các cuộc tấn công của Nga.
Khi Nga đẩy mạnh tấn công và phá hủy các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, nhiều chuyên gia cho rằng, Kiev cần phải di chuyển liên tục các hệ thống này, để tránh bị đối phương phát hiện.
Trang web tình báo nguồn mở Oryx cho biết, các loại pháo kéo nặng nhất của Ukraine – vốn rất khó chuyên dịch ra khỏi vị trí, đang bị tổn thất nghiêm trọng nhất. Tỷ lệ thiệt hại khá cao. Ước tính, hơn 1/3 trong số 152 khẩu pháo kéo M777 155 mm mà Ukraine tiếp nhận từ phương Tây bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Hình ảnh về cuộc tấn công của Nga vào các khẩu pháo 155mm tiêu chuẩn NATO cho thấy chúng đã được đặt quá lâu tại một vị trí nhất định và xung quanh là những đống vỏ đạn.
Nhà phân tích Craig Hooper của tạp chí Forbes nhận định: “Việc các khẩu đội pháo binh Ukraine ở một vị trí trong thời gian quá dài đã khiến các đơn vị chỉ huy và kiểm soát của Nga dễ phát hiện và phục kích”.
Ngoài lựu pháo M777, Nga cũng tấn công và phá hủy những hệ thống pháo tự hành kiểu cũ của Ukraine, chẳng hạn như pháo tự hành AHS Krab do Ba Lan sản xuất kết hợp với khung gầm xe bánh xích K9 Thunder của Hàn Quốc hay lựu pháo cơ động M-109 do Mỹ chế tạo. Tỷ lệ tổn thất của M-109 nằm trong khoảng 18 đến 21%, khi có ít nhất 36 trên tổng số 180 hệ thống bị hư hỏng hoặc phá hủy.
Một lần nữa, hình ảnh về các cuộc không kích thành công của Nga cho thấy khoảng một nửa số lựu pháo di động bị tiêu diệt là do không nhanh chóng rời khỏi vị trí sau khi bắn hoặc được đặt ở những nơi dễ bị phát hiện.Theo nhà phân tích Craig Hooper, phương Tây nên tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine đủ phương tiện cơ động và liên tục đào tạo, tập huấn cho kíp vận hành để giúp họ có thể di chuyển loại vũ khí này đi khắp chiến trường.
Ngoài việc thiếu tính cơ động, còn một số yếu tố khác khiến Ukraine mất khá nhiều pháo hạng nặng trên chiến trường, trong đó phải kể đến yếu tố thời tiết. Băng tuyết tan sau mùa Đông kết kết hợp với lượng mưa xuân nhiều bất thường tại Ukraine khiến mặt đất có nhiều bùn lầy. Loại bùn này chính là kẻ thù của quân đội, khi nó có thể gây kẹt pháo và gây khó khăn cho việc di chuyển với các vũ khí tối tân nhưng dễ hỏng mà Ukraine mới nhận từ các nước phương Tây.
Một yếu tố khác là thách thức trong việc vận hành các loại vũ khí tiêu chuẩn của NATO. Các binh sỹ Ukraine thường quen sử dụng những loại lựu pháo có từ thời Liên Xô, do đó họ phải mất nhiều thời gian để học cách điều khiển các hệ thống mới. Mặc dù lựu pháo KRAB, M-109 và M777 trông khá giống các lựu pháo thời Liên Xô nhưng chúng có cơ chế hoạt động hoàn toàn khác vì thế cách thức vận hành cũng khác biệt.
Nếu như pháo hạng nặng của Ukraine bị tổn thất khá lớn thì những hệ thống pháo nhỏ hơn và cơ động hơn lại có khả năng sống sót cao hơn. Ukraine hiện đã tiếp nhận ít nhất 166 khẩu pháo kéo cỡ 105mm từ phương Tây, chẳng hạn như lựu pháo L118/119 của Anh, M101 và M119 của Mỹ hay pháo OTO Melara Mod 56. Thống kê của Oryx cho biết chỉ có một khẩu pháo 105mm của Ukraine bị phá hủy.
Theo các chuyên gia quân sự, những vũ khí này khai hỏa rất nhanh và có tính cơ động cao, dễ dàng dịch chuyển vị trí liên tục nên đối phương rất khó phát hiện hoặc ứng phó kịp thời với chúng.
Nhìn chung trọng lượng của các loại pháo 105mm nói trên chỉ bằng khoảng một nửa trọng lượng của pháo M777. Mặc dù đạn của pháo 105mm nhỏ hơn và sức công phá kém hơn nhiều so với loại đạn 155mm, nhưng những khẩu pháo này có thể hoạt động gần tiền tuyến, nơi đặt nhiều hệ thống phòng thủ và thiết bị gây nhiễu, khiến các phi đội UAV của đối phương chuyên săn lùng pháo binh khó phát hiện.
Hơn nữa, chúng có khả năng di chuyển nhanh chóng trên chiến trường để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Kíp vận hành pháo 105mm thường hoạt động cách mục tiêu 16km. Với khoảng cách như vậy, họ dễ trở thành mục tiêu tấn công của đối phương, vì thế họ luôn có cơ chế phòng thủ “bắn và chạy”.
Tất nhiên, tính cơ động không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công của các đội pháo binh. Những công nghệ tiên tiến và những nỗ lực khác nhằm ngăn hặn hoặc gây nhiễu hoàng loạt máy bay không người lái của đối phương cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là nếu các hệ thống pháo binh càng cơ động trên mặt trận và di chuyển theo cách không thể đoán trước, thì chúng càng khó bị đối phương tấn công.
End of content
Không có tin nào tiếp theo