Quốc tế

Ấn Độ thúc đẩy chương trình mua máy bay chiến đấu đời mới

Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa yêu cầu lực lượng không quân phải nhanh chóng hoàn tất các đề xuất để sớm thực hiện một dự án trang bị máy bay chiến đấu đời mới với số lượng lớn.

Pháp: Không có chuyện trì hoãn chuyển giao 36 máy bay Rafale cho Ấn Độ / Trung Quốc tuyên bố S-400 sẵn sàng bắn hạ máy bay Ấn Độ

Trước đó, chính quyền New Delhi đã đồng ý về nguyên tắc các tiến trình triển khai gói thầu mua 114 tiêm kích trị giá ước tính khoảng 17 tỷ USD nhằm hiện đại hóa Không quân Ấn Độ trong thời gian tới.

Ban đầu, Ấn Độ yêu cầu 85% số lượng máy bay phải được sản xuất trong nước theo sáng kiến “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Narendra Modi. Tuy nhiên, quy định mới của chính phủ yêu cầu con số này sẽ là 100% sản xuất ở Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đặc biệt chú trọng phát triển, hiện đại hóa lực lượng không quân. Ảnh: The Times of India.

Theo Không quân Ấn Độ, dự án này sẽ vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, chương trình có thể sẽ phải kéo dài thời gian bởi hiện nay họ vẫn chưa đi đến thống nhất về các nội dung căn bản của dự án và điều khoản chính của thương vụ.

Ngay cả khi Ấn Độ ký hợp đồng và có được giấy phép chuyển giao công nghệ thì chưa chắc các doanh nghiệp quốc phòng trong nước đã có đủ năng lực sản xuất tất cả các thành phần của máy bay. Họ cần phải có thêm thời gian để đáp ứng được yêu cầu này.

Cho đến nay, chưa có công ty quốc phòng của Ấn Độ tự phát triển, sản xuất máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, nhiều hãng sản xuất quân sự của quốc gia Nam Á đã ngỏ ý muốn tham gia vào dự án trên như Tata Advanced Systems, Adani Defence, Reliance Defence, Mahindra Defence và Bharat Forge Limited.

Trong số này, Reliance Defence đã thành lập liên doanh với hãng Dassault Aviation của Pháp để sản xuất một số phụ tùng của tiêm kích Rafale mà Không quân Ấn Độ đặt mua để tạm thời bù đắp nhu cầu về máy bay chiến đấu của nước này.

Ấn Độ mua 36 tiêm kích Rafale trong lúc chờ dự án trang bị tiêm kích mới được triển khai. Ảnh: Def Post.

Ngoài ra, Tata Advanced Systems đã bắt tay với nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ còn Adani Defence mới công bố một kế hoạch hợp tác cùng Tập đoàn Saab của Thụy Điển.

 

Hiện quy trình tuyển chọn nhà thầu vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, cuộc chạy đua dự thầu dự kiến sẽ quy tụ các hãng chế tạo hàng đầu thế giới bao gồm Lockheed Martin (với mẫu F-21), Boeing (F/A-18), Dassault Aviation (Rafale), Eurofighter (Typhoon), MiG (MiG-35) và Saab (Gripen).

Không quân Ấn Độ đặt mục tiêu sẽ đưa vào biên chế tất cả 114 máy bay mới trong vòng 12 năm kể từ ngày ký hợp đồng với bên thắng thầu.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm