Ấn Độ với tham vọng trở thành cường quốc tàu sân bay
B-52 của Mỹ bỏ hết bom hạt nhân, nhưng tên lửa hạt nhân vẫn… đầy / Nga tiết lộ sự cố của Su-27 khi đánh chặn máy bay NATO
Theo bài viết này, mặc dù phải đối mặt với những thách thức đáng kể về kinh tế, Ấn Độ rất coi trọng ngành hàng không sau khi giành độc lập. Không giống như một số quốc gia khác, Ấn Độ tập trung vào các tàu sân bay thay vì tàu ngầm. INS Vikrant, một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Majestic, phục vụ trong lực lượng Hải quân Ấn Độ từ năm 1961 đến 1997, đã chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến năm 1971. Trong khi đó, INS Viraat, trước đây là tàu sân bay HMS Hermes lớp Centaur, gia nhập Hải quân Ấn Độ vào năm 1987 và phục vụ đến năm 2016. Các tàu sân bay này đã mang lại cho quốc gia Nam Á một bề dày kinh nghiệm đáng kể trong các hoạt động quân sự có sự tham gia của tàu sân bay, cũng như trở thành lý do thuyết phục khiến New Delhi quyết định duy trì sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm trong lực lượng hải quân.
Tàu sân bay INS Vikrant do Ấn Độ tự đóng. Ảnh: Military Watch Magazine. |
Đầu những năm 2000, INS Viraat bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của “tuổi tác”. Do đó, Ấn Độ quyết định mua một tàu sân bay cũ của Liên Xô là Chiến hạm Đô đốc Gorshkov lớp Kiev, đã ngừng hoạt động từ những năm 1990. New Delhi đã trả hơn 2 tỷ USD để “thay da đổi thịt” cho con tàu này với một sàn cất cánh kiểu “trượt tuyết” và hệ thống vũ khí hiện đại khiến người ta gần như không thể nhận ra được con tàu cũ. Khi được chấp thuận đưa vào sử dụng năm 2014, Đô đốc Gorshkov (hay còn gọi là tàu INS Vikramaditya) với trọng tải 45.000 tấn có thể vận hành khoảng 20 máy bay chiến đấu MiG-29K, cùng với các máy bay trực thăng đa dụng. Mặc dù gặp nhiều vấn đề về chi phí và khả năng phục vụ, con tàu đã mang đến cho Hải quân Ấn Độ cơ hội tái phát triển sức mạnh hàng không của mình sau nhiều năm chỉ vận hành các máy bay VSTOL (cất cánh và hạ cánh ngắn/thẳng đứng) từ tàu INS Viraat.
Không dừng lại ở đó, Ấn Độ tiếp tục cho đóng mới hoàn toàn một tàu sân bay với trọng tải 40.000 tấn có cùng tên INS Vikrant. Con tàu được sản xuất tại Nhà máy đóng tàu Cochin của Ấn Độ từ năm 2009 và nhiều khả năng sẽ được đưa vào hoạt động đầu năm 2021 với phi đội máy bay chiến đấu hiện đại MiG-29K tương tự INS Vikramaditya.
Quốc gia Nam Á cũng có kế hoạch đóng tàu sân bay thứ 3 mang tên INS Vishaal, có trọng tải 65.000 tấn, được trang bị hệ thống hỗ trợ cất và hạ cánh CATOBAR (máy bay được hỗ trợ bởi máy phóng khi cất cánh và thiết bị hãm khi hạ cánh). Không giống như INS Vikrant hay INS Vikramaditya, INS Vishaal sẽ có thể phóng và thu hồi máy bay tấn công hạng nặng cũng như các máy bay cảnh báo sớm như E-2 Hawkeye. INS Vishaal được cho là sẽ đi vào phục vụ năm 2030.
Thực tế, Ấn Độ có nhiều lý do để theo đuổi tham vọng trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới về hàng không mẫu hạm. Trong đó, Tạp chí National Interest đã nêu ra 3 lý do chính. Thứ nhất, Ấn Độ cần tàu sân bay để hỗ trợ các hoạt động quân sự của nước này trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa New Delhi và quốc gia láng giềng Pakistan. Thứ hai, tàu sân bay giúp Hải quân Ấn Độ trở thành lực lượng ưu việt ở Ấn Độ Dương, có khả năng kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng này tốt hơn bất kỳ đối thủ nước ngoài nào.
Lý do thứ ba liên quan đến cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc. Với việc đưa vào biên chế tàu sân bay lớn thứ hai, Trung Quốc đã có thể vượt qua Ấn Độ về phát triển lực lượng hàng không hải quân trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Mặc dù ít kinh nghiệm hơn so với Ấn Độ về vận hành tàu sân bay, Trung Quốc lại sở hữu ngành đóng tàu rất hiệu quả và lực lượng hàng không ngày càng hiện đại, khiến Bắc Kinh ít bị phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Những lý do này buộc New Delhi phải đẩy mạnh tốc độ hoàn thành các dự án tàu sân bay kèm với đó là củng cố sức mạnh lực lượng hải quân nếu muốn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng và bảo vệ tốt chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia trên biển.
Dẫu hiện nay có những nhận định cho rằng tàu sân bay là thứ vũ khí đắt đỏ, cồng kềnh, dễ trở thành mục tiêu công kích và đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp trong thời đại của vũ khí dẫn đường chính xác tầm xa, song sức hấp dẫn của "nữ hoàng biển cả" vẫn không hề suy giảm. “Hàng không mẫu hạm vẫn là hiện thân của sức mạnh quân sự, cho thấy quốc gia sở hữu là cường quốc hải quân và cũng thể hiện ý chí của họ tại một khu vực nhất định”, chuyên gia quân sự Michael Koffman tại Nga khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo