Anh thay đổi tư duy về vai trò xe tăng?
Máy bay mô phỏng Su-57 của Mỹ bị rơi / Tiêm kích MiG-41 bước vào giai đoạn phát triển
Chương trình “xe tăng Châu Âu”
Hệ thống Chiến đấu Mặt đất Chủ lực (Main Ground Combat System - MGCS), còn được gọi là Leopard 3, là một dự án của Pháp và Đức, được khởi động từ năm 2012 nhằm tạo ra một dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới - xe tăng châu Âu ("Eurotank") - để thay thế trước năm 2035 các loại xe Leclerc và Leopard 2 hiện có trong trang bị của quân đội Pháp và Đức, vốn được phát triển vào những năm 1970-1980 và đã được nâng cấp; hoặc có thể xuất khẩu cho bên thứ ba. Mục tiêu mà Đức và Pháp hướng đến là một dòng xe tăng sở hữu sức mạnh vượt trội hơn so với xe tăng T-14 Armata của Nga.
Các Tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann (Đức), Nexter (Pháp) và Rheinmetall (Đức) cùng tham gia phát triển MGCS. Để tối ưu hóa chi phí, kết hợp kinh nghiệm và đơn giản hóa sản xuất trong tương lai, dự án chia thành 5 giai đoạn chính: phân tích nhu cầu; khảo sát xu hướng; trình diễn năng lực công nghệ và phát triển; tích hợp và trình diễn hệ thống; hệ thống sản xuất. Hai giai đoạn đầu tiên đã được thực hiện thành công.
Ngày 28/4/2020, Paris và Berlin đã ký hai thỏa thuận theo chương trình này. Hai bên đồng ý chia đôi chi phí chương trình và cả hai nước sẽ nhận được quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và phát triển. Một nỗ lực đa quốc gia tương tự đã dẫn đến sự phát triển máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon trước đó, và với dự án này, Đức và Pháp đang gửi một tín hiệu quan trọng cho sự hợp tác của châu Âu trong chính sách quốc phòng.
Hiện tại, các thông tin kỹ-chiến thuật của MGCS chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, một giải pháp mà hai bên có thể từng tính đến là sự kết hợp giữa xe tăng Leopard 2 và Leclerc. Theo đó, MGCS sẽ được phát triển dựa trên công nghệ khung gầm chắc chắn của tăng Leopard 2 và tháp pháo sẽ là loại dùng cho tăng Leclerc. Điều này khá hợp lý bởi tháp pháo của tăng Leclerc nhẹ hơn của xe tăng Leopard 2 tới 6 tấn nhờ cơ cấu nạp đạn tự động. Sự kết hợp giữa hai dòng xe tăng hàng đầu châu Âu chắc chắn sẽ tạo ra một sản phẩm quốc phòng cực kỳ mạnh trên chiến trường.
Một điều kiện tiên quyết cho xe tăng mới là phát triển một pháo chính mới có uy lực cao hơn. Tập đoàn Rheinmetall sẽ phát triển một pháo mới Rheinmetall Rh-130 L/51 (cỡ nòng 130mm), sử dụng đạn xuyên giáp mới, có đầu đâm xuyên bằng tungsten, và loại đạn nổ mảnh. Rheinmetall khẳng định, pháo 130mm này có khả năng bắn xuyên giáp cao hơn 50% so với loại pháo 120mm đang có trên các xe tăng Leopard của Đức.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, trên thực tế, MGCS là chiếc xe tăng mới dựa trên các ý tưởng cũ. Rheinmetall có một số ý tưởng rất đáng quan tâm về xu hướng phát triển xe bọc thép, tuy nhiên, chúng không thể được gọi là mới - đã được phát triển và thực hiện trong các dự án khác hoặc liên quan đến việc sử dụng các cấu phần đã có sẵn. Theo phương án này, cơ sở cho MGCS được đề xuất lấy khung gầm xe chiến đấu bộ binh bánh xích Lynx KF41 (Đức), có động cơ bố trí phía trước với vị trí trung tâm của khoang có người và khoang chiến đấu.
Ở phía cuối xe còn một thể tích nhất định thích hợp để vận chuyển đạn dược, một số lính đổ bộ hoặc hàng hóa khác. Xe được bảo vệ bằng vỏ giáp kết hợp với khả năng cài đặt các mô-đun bổ sung. Thân xe và tháp pháo được bọc thép hợp lý, có thể tán xạ bức xạ vô tuyến cùng các lưới tản nhiệt, các thiết bị hút khí ở đuôi xe, và hệ thống phòng thủ chủ động (APS). Do được tự động hóa tối đa, có thể giảm kíp xe xuống còn hai thành viên.
Vũ khí phụ của xe bao gồm một súng máy trên mô-đun chiến đấu điều khiển từ xa. Một trong những cách để tăng tiềm lực chiến đấu là sử dụng tên lửa dẫn đường tiên tiến. Trong điều khiển hỏa lực, MGCS được lên kế hoạch phát triển dựa trên các giải pháp hiện có. Việc tìm kiếm mục tiêu và vũ khí dẫn đường sẽ được thực hiện bằng các phương tiện quang-điện tử. MGCS sẽ có thể nhận được một bộ cảm biến (quang học, hồng ngoại, âm thanh và các cảm biến khác) và thiết bị phát hiện mở rộng, hệ thống quang điện tử mới dựa trên laser để tăng khả năng sống sót trên chiến trường.
Trong lĩnh vực truyền thông tin và điều khiển, tiếp tục phát triển các ý tưởng và giải pháp có hiện có, nhằm nâng cao độ tin cậy của các kênh truyền tin, tăng tốc độ truyền dữ liệu giữa nó và các phương tiện mặt đất có người lái và không người lái (UGV) cũng như các phương tiện bay không người lái (UAV). Người ta tin rằng, một chiếc xe bọc thép như vậy sẽ có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ vốn có của xe tăng và tấn công các mục tiêu khác nhau trên chiến trường.
Pháp và Đức có kế hoạch phân bổ cho Chương trình MGCS 200 triệu euro trong năm 2021; xây dựng 14 mẫu xe cho đến năm 2024 và năm 2025 - tạo ra các nguyên mẫu chính thức; giai đoạn thử nghiệm và chuẩn bị cho sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu không muộn hơn năm 2035. Ủy ban Quốc phòng Đức đã tính toán chi phí ước tính của MGCS, theo đó, đối với R&D từ năm 2020-2028 các nước tham gia phải chi khoảng 1,5 tỷ euro, tức 750 triệu mỗi nước. Đối với các nghiên cứu đầu tiên trong giai đoạn 2020-22, Đức sẽ chi khoảng 175 triệu euro.
Anh thay đổi tư duy về vai trò xe tăng?
Anh là quốc gia đầu tiên thiết kế, chế tạo và trang bị xe tăng nhằm hỗ trợ các lực lượng tấn công trên bộ. Trong suốt Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, Anh tiếp tục là cường quốc xe tăng, nhưng hiện nay, nước này chỉ duy trì 227 xe tăng Challenger II (CR-2) - xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba được thiết kế và chế tạo bởi công ty Vickers Defense Systems (hiện được gọi là BAE Systems) - nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Anh.
CR-2 là một xe tăng rất tốt, nhưng không nhận được những nâng cấp tương tự như những người cùng thời. Lục quân Anh lần đầu tiên sở hữu loại xe tăng này vào năm 1998, thiếu các tính năng hiện đại như mạng kỹ thuật số, hệ thống ngắm nhiệt cập nhật, tích hợp máy bay không người lái và hệ thống bảo vệ tích cực... Không giống như xe tăng của hầu hết các quốc gia khác, pháo chính CR-2 có rãnh để truyền lực quay ổn định cho đạn xe tăng.
Mặc dù hữu ích theo cách riêng của mình, nhưng việc sử dụng nòng pháo có rãnh (thay vì trơn) khiến Anh không thể tận dụng được những tiến bộ trong công nghệ vỏ xe tăng. Anh đang phải đối điện với bài toán hoặc nâng cấp những chiếc xe tăng 20 năm tuổi hoặc chế tạo những chiếc hoàn toàn mới. Nâng cấp CR-2 rõ ràng là lựa chọn rẻ hơn, nhưng việc nhồi tất cả các tiện ích mới vào một chiếc xe tăng chật chội không được thiết kế để mang chúng là một quá trình không hề dễ dàng.
Năm ngoái, có thông tin cho rằng Anh đang có kế hoạch loại bỏ xe tăng của mình như một phần của quá trình hiện đại hóa quân đội. Nguyên nhân được cho là do chi phí duy trì đội xe tăng già cỗi quá cao. Tuy nhiên, sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace tuyên bố, “ý tưởng cho rằng xe tăng sẽ không có trong quân đội được nâng cấp và hiện đại hóa, là sai lầm”. Theo tin mới nhất, Anh đã yêu cầu tư cách quan sát viên trong Chương trình MGCS mà mục tiêu có thể là trong tương lai, nước này sẽ tham gia với tư cách là một đối tác phát triển chính thức và mua xe tăng mới thay vì độc lập phát triển xe mới.
Ý tưởng về quan hệ đối tác của London với Berlin và Paris trong chương trình Eurotank MGCS có thể sẽ có ý nghĩa to lớn, vì nó sẽ làm dịu bớt gánh nặng tài chính để có được một dòng xe tăng tiên tiến. Việc các thành viên mới tham gia MCGS là phù hợp với nguyện vọng của Đức nhằm thúc đẩy sự hợp nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu. Theo các quan chức Anh, ngoài chương trình chung Eurotank, Bộ Quốc phòng Anh đang tiếp tục theo dõi các chương trình và nhà phát triển toàn cầu khác.
Eurotank dự kiến sẽ thay thế các xe tăng lỗi thời của Anh, hỗ trợ lực lượng mặt đất trong trường hợp có xung đột. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở xung đột lợi ích và liên quan đến nhu cầu khác nhau của mỗi nước. Phía Pháp yêu cầu phải giao cho họ 50% công việc, 50% còn lại được chia cho các nhà thầu Đức, mỗi nhà thầu đều mong muốn nhận được phần lớn hơn. KMW và Rheinmetall đã bắt đầu tranh cãi, và Bộ Quốc phòng đã đình chỉ sự tham gia của Đức vào dự án cho đến khi vấn đề được giải quyết.
Đức và Pháp đã có những triết lý thiết kế khác nhau về xe tăng trong suốt lịch sử của họ, trong đó người Đức quen với việc hy sinh áo giáp để có tính cơ động. Trong khi đó, xe tăng Pháp có sự tập trung ngang nhau về hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động, khác với xe tăng Anh, vốn thường hy sinh tính cơ động để có được lớp giáp bảo vệ. Vì vậy, nếu Anh tham gia MCGS, Chương trình Eurotank có thể kết thúc bằng một sản phẩm thỏa hiệp - tạo ra một dòng xe tăng mới, nhưng không phải là thứ phù hợp hoàn toàn với nhu cầu của nước này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo