Quốc tế

Ba Lan chốt phương án mua tên lửa chống tăng của Mỹ

Bộ Quốc phòng Ba Lan đã hoàn tất đàm phán và sẽ sớm ký kết hợp đồng mua các hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin của Mỹ.

Ba Lan 'vẽ' kịch bản 'kinh hoàng' cho Nga / Ba Lan nhận siêu tăng từ Đức, chính thức thách thức T-14 Armata Nga

Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, thương vụ trên bao gồm 180 quả đạn tên lửa, 60 thiết bị phóng-điều khiển (CLU) và các gói hỗ trợ đi kèm.

Tuy nhiên, ông Blaszczak khẳng định đây sẽ không phải là con số cuối cùng bởi theo chương trình hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, Warsaw sẽ chú trọng đến mảng vũ khí chống tăng hạng nhẹ cho lực lượng bộ binh.

Binh sĩ Anh đang huấn luyện binh sĩ Ba Lan thao tác hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin.

Một thông báo mới đây của Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, việc mua tên lửa Javelin giúp Lục quân Ba Lan nâng cao năng lực tác chiến cũng như đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nước này là thành viên.

Nhằm chuẩn bị cho việc biên chế tên lửa Javelin một cách thuận lợi, quân đội Ba Lan cũng thường xuyên cử binh sĩ tham gia các khóa huấn luyện, diễn tập được tổ chức bởi các quốc gia thuộc khối NATO có sử dụng hệ thống tên lửa này.

Được phát triển bởi liên doanh Lockheed Martin và Raytheon của Mỹ nhằm thay thế cho tên lửa M47 Dragon, tên lửa Javelin chính thức phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1996. Đây là hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ ba với công nghệ dẫn đường tiên tiến có nhiệm vụ tiêu diệt xe bọc thép, công sự cũng như các mục tiêu có tốc độ di chuyển chậm và tầm bay thấp.

Với khối lượng 11,8kg, lắp đầu đạn tandem (hai lượng nổ), tầm bắn từ 50m-2.500m và tốc độ bay khoảng 290m/s, đạn tên lửa Javelin có hai chế độ bắn chính là bắn thẳng hoặc bắn từ trên xuống nóc của mục tiêu (nơi thường bọc giáp mỏng nhất).

Điểm mạnh của tên lửa Javelin nằm ở cơ chế dẫn đường bằng hồng ngoại, hoạt động theo nguyên tắc “bắn-quên”. Nghĩa là, người vận hành tên lửa chỉ cần phát hiện mục tiêu, bấm nút để khai hỏa sau đó không cần phải theo dõi mục tiêu lẫn hành trình bay của tên lửa vì nó sẽ tự động tiêu diệt mục tiêu. Điều này rất hữu ích trên chiến trường khi giúp xạ thủ dễ dàng thoát ly hoặc chuyển sang mục tiêu khác.

 

Thời gian qua, Ba Lan và Mỹ có nhiều chương trình hợp tác để tăng cường mối quan hệ quân sự song phương. Warsaw đã ký nhiều hợp đồng lớn với Mỹ như tiêm kích tàng hình F-35, hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết tăng số binh sĩ Mỹ tại Ba Lan lên 4.500 quân.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm