Ba Lan sẽ chính thức đề xuất triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" của NATO tới Ukraine
Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 19/3 / Những người rời chảo lửa Mariupol với ước mơ vụn vỡ: "Thành phố của cháu... đã chết rồi"
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 18/3 cho biết nước này sẽ chính thức đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, Phó Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski công bố ý tưởng về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong chuyến thăm thủ đô Kiev hôm 15/3.
Được biết, ông Kaczynski cùng các lãnh đạo Cộng hòa Czech và Slovenia đã tới Kiev bằng tàu hỏa"để thể hiện sự ủng hộ cấp cao" đối với Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Đây cũng là những nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên tới Ukraine kể từ sau khi Nga phát động cái mà họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Ông Kaczynski phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal: "Tôi nghĩ rằng cần phải có lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO - hoặc của một số tổ chức, liên minh quốc tế rộng lớn hơn, nhưng đó phải là một lực lượng có khả năng tự vệ, hoạt động trên lãnh thổ Ukraine với sự đồng ý của Tổng thống Ukraine."
Theo ôngKaczynski, "lực lượng gìn giữ hòa bình" này sẽ "tìm cách cung cấp viện trợ nhân đạo và hòa bình cho Ukraine, đồng thời được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang thích hợp."
Phó Thủ tướng Kaczynski cũng khẳng định rằng sự hiện diện của "lực lượng gìn giữ hòa bình" với sự cho phép của Ukraine sẽ không phải là cái cớ cho các "hành động thù địch".
Euractiv cho biết, sau phát biểu của ôngKaczynski, Bộ trưởng Quốc phòng Đan MạchMorten Bodskov đã thể hiện sự sẵn sàng đóng góp binh sĩ cho sáng kiến về lực lượng "gìn giữ hòa bình", nếu NATO thông qua đề xuất của Ba Lan.
Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren đã thể hiện sự hoài nghi về ý tưởng này: "Tôi e rằng hiện vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Đầu tiên chúng ta cần phải có một lệnh ngừng bắn, sau đó quân Nga phải rút khỏi Ukraine, sau đó nữa là phải có một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine".
NATO đến nay vẫn khước từ những lời kêu gọi của Ukraine về khả năng trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột quân sự, bao gồm cả lời đề nghị lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã nói rõ rằng việc họ can dự trực tiếp có thểchâm ngòi cho một cuộc đối đầu với Nga và dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Thay vào đó, NATO khẳng định sẽ giúp đỡ Ukraine theo những cách khác, bao gồm việc hỗ trợ vũ khí dù Moskva cảnh báo rằng lực lượng của họ có thể tấn công nhằm vào các lô vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ được tổ chức vào ngày 24/3 tại trụ sở của khối này ở Brussels. Giới truyền thông đánh giá đây là cuộc họp được tổ chức bất thường trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang căng thẳng.
Ông Stoltenberg nói cuộc họp nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của NATO đối với Ukraine và tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của khối.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác nhận sẽ trực tiếp tham dự sự kiện này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo