Châu Âu gấp rút ban hành các biện pháp ngăn chặn biến thể Omicron
COVID-19: Cảnh báo biến thể SARS-CoV-2 đột biến hơn cả Delta / Những con số đáng báo động về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư
Tính đến chiều ngày 27/11, sau khi Bỉ trở thành nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca mắc biến thể Omicron, đã có thêm nhiều nước khác công bố các ca mắc biến thể Omicron. Tại Đức, hai ca đầu tiên mắc biến thể Omicron là các du khách vừa từ Nam Phi về đến sân bay Munich. Italia cũng ghi nhận 1 người mắc biến thể mới sau khi đi du lịch Mozambique. Tương tự, hai ca đầu tiên mắc biến thể Omicron tại Anh cũng là những người vừa đi du lịch ở các nước phía Nam châu Phi về.
Hiện tại, nguy cơ ổ dịch biến thể Omicron lớn nhất châu Âu là tại Hà Lan khi theo báo chí nước này, một chuyến bay chở vài trăm du khách Hà Lan đi du lịch Nam Phi về đã xét nghiệm và phát hiện 62 ca dương tính với biến thể Omicron. Hiện tất cả những người này đều đang phải cách ly tại khách sạn để xét nghiệm thêm.
Trước nguy cơ cực kỳ đáng lo ngại hiện nay của biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây nhiễm gấp nhiều lần biến thể Delta cũng như có thể kháng vaccine, các nước châu Âu đang tiếp tục đưa ra một loạt các biện pháp hạn chế mới.
Trong chiều 27/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra thông báo cho biết, ngoài việc cấm các chuyến bay đến từ miền Nam châu Phi, chính phủ Anh buộc phải áp dụng trở lại lệnh đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng, trong các cửa hàng cũng như yêu cầu tất cả hành khách khi nhập cảnh vào Anh đều phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi đến Anh và phải tự cách ly cho đến khi có kết quả âm tính. Đây là lần đầu tiên nước Anh cho áp dụng lại các biện pháp hạn chế sau khi đã bãi bỏ toàn bộ hồi đầu Hè 2021.
Thủ tướng Anh cũng cho biết, các nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học nước này cho thấy biến thể Omicron có thể lây nhiễm rất nhanh kể cả giữa hai người đã tiêm đủ vaccine, do đó, nước Anh phải làm tất cả để làm chậm quá trình virus lây lan
“Chúng ta cần phải làm chậm sự lây lan của biến thể này tại nước Anh bởi các biện pháp áp dụng ở biên giới chỉ có thể giảm nhẹ và trì hoãn phần nào sự xâm nhập của các biến thể chứ không thể ngăn chặn chúng. Do đó, bên cạnh các biện pháp đã được áp dụng để xác định những người đã đi đến các quốc gia có nguy cơ cao trong 10 ngày qua, chúng tôi sẽ yêu cầu tất cả những ai tiếp xúc với những ca dương tính nghi nhiễm biến thể Omicron phải tự cách ly 10 ngày, bất kể đã tiêm vaccine hay chưa” - Thủ tướng Anh nói.
Cùng với Anh, các nước khác tại châu Âu cũng đang gấp rút ban hành các biện pháp kiểm soát tương tự. Tại Pháp, trong tối ngày 27/11, Bộ Y tế Pháp cho biết tất cả những ai tiếp xúc với người nhiễm biến thể Omicron sẽ phải cách ly dù đã tiêm đủ vaccine. Đến thời điểm này Pháp chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron nhưng các chuyên gia y tế nhận định, việc này là không thể tránh khỏi.
Về vấn đề biên giới, sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen ra khuyến nghị các nước nên tạm dừng toàn bộ các chuyến bay đến từ các nước phía Nam châu Phi, hiện đã có Pháp, Italia, Thụy Sỹ ban hành lệnh cấm mọi chuyến bay đến từ 7 nước ở phía Nam châu Phi là Nam Phi, Mozambique, Botswana, Lesotho, Malawi, Namibia và Swaziland.
End of content
Không có tin nào tiếp theo