Chiến thuật của Nga khiến tiêm kích F-16 không còn nơi cất cánh ở Ukraine
ISW: Washington nên cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga / Nga phóng 100 tên lửa và UAV trong cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine
Đêm 31/5, rạng sáng 1/6, quân đội Nga đã thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự và năng lượng ở các thành phố lớn của Ukraine, trong đó bao gồm thành phố Stryi, vùng Lviv. Báo cáo ban đầu cho biết quân đội Nga đã thực hiện 4 cuộc tấn công vào khu vực này.
Cuộc tấn công đầu tiên đã nhắm vào căn cứ không quân Stryi - nơi được cho là sẽ tiếp nhận máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Máy bay F-16 của Hà Lan. Ảnh: Reuters
Cuộc tấn công thứ hai nhằm vào các nhà kho của một tiểu đoàn công binh. Theo ghi nhận, sau khi các nhà kho bị tấn công, một vụ nổ mạnh đã xảy ra, có thể nghe thấy nổ ở khoảng cách nhiều km.
Mục tiêu của cuộc tấn công thứ ba là nhà máy sửa chữa ô tô. Nguồn tin từ lực lượng ngầm tiết lộ, nhà máy này thực chất là nơi chứa các thiết bị quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Mục tiêu thứ tư là tiểu đoàn Lviv thuộc lữ đoàn phòng không kỹ thuật vô tuyến đóng gần sân bay. Tiểu đoàn này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho lực lượng phòng không Ukraine trong khu vực.
Đây là lần thứ hai quân đội Nga tấn công vào sân bay quân sự được cho là sẽ dành cho F-16 của Ukraine. Cuộc tấn công trước đó diễn ra ngày 8/5, khiến sân bay Stryi hứng chịu nhiều thiệt hại.
Tuần trước, Nga tấn công vào sân bay Starokonstantinov thuộc vùng Khmelnitsky. Sân bay Starokonstantinov cũng là một trong những căn cứ trọng điểm của Ukraine có thể triển khai máy bay chiến đấu F-16. Trong khu vực sân bay này còn có kho bom, bãi huấn luyện và trạm biến áp điện.
F-16 sẽ cất cánh từ đâu?Ukraine dự kiến sẽ nhận được tiêm kích F-16 đầu tiên từ đồng minh vào mùa hè. Những máy bay chiến đấu này được cho là đóng vai trò then chốt trong hoạt động phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga.
Trong số những nước cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine, hiện có 2 quốc gia đã chấp thuận để Kiev sử dụng mẫu tiêm kích này tiến hành các cuộc tấn công vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Hôm 30/5, khi được phóng viên hỏi rằng liệu Đan Mạch có cho phép Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 do Đan Mạch cung cấp để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga hay không, Ngoại trưởng Lars Lokke Rasmussen đáp: “Câu trả lời ngắn gọn là có. Đây không phải là một quan điểm mới. Nó là một phần của gói viện trợ. Khi thảo luận với ủy ban đối ngoại tại quốc hội Đan Mạch, chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu rằng việc tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga là biện pháp tự vệ của Ukraine”.
Hà Lan cũng không phản đối việc Ukraine sử dụng F-16 do quốc gia này cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga như một biện pháp tự vệ.
“Không có giới hạn sử dụng vũ khí đối với quyền tự vệ. Copenhagen đánh giá điều này ‘phù hợp với quy tắc’”, Ngoại trưởng Hà Lan Hanke Bruins Slot bình luận hôm 1/6.
Ukraine hiện đang đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết như sân bay, đường băng tiêu chuẩn cao, các trạm radar, cơ sở bảo trì, và kho chứa tên lửa... Kiev thậm chí xây dựng cả boongke và kho chứa dưới lòng đất tại các sân bay để bảo vệ tiêm kích F-16.
Đại tá đã nghỉ hưu của Nga, Viktor Litovkin, từng cảnh báo rằng nếu Ukraine xây dựng sân bay và cơ sở hỗ trợ cho máy bay F-16 do phương Tây cung cấp, Moscow sẽ nhắm mục tiêu và phá hủy các cơ sở đó. Ông cho biết thêm, Nga sẽ thận trọng chờ đợi cho đến khi công trình xây dựng đủ tiến triển để tiến hành các cuộc tấn công.
Nga dường như có thông tin tình báo chính xác về vị trí của các đường băng F-16 mới được Ukraine xây dựng. Moscow được biết đến với khả năng giám sát không gian tiên tiến, họ có thể tận dụng điều này để tạo lợi thế cho mình.
Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: nếu Nga phá hủy tất cả các đường băng đang được xây dựng, F-16 của Ukraine sẽ cất cánh từ đâu?
Trong hơn 2 năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, các nước phương Tây đã nhiều lần vượt “ranh giới đỏ” trong việc viện trợ cho Kiev. Xe tăng cũng như tên lửa tầm xa, thông tin tình báo, máy bay chiến đấu và thậm chí cả việc sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga đều từng là những điều cấm kị, nhưng tất cả những rào cản này đã lần lượt bị phá vỡ.
Theo Bulgarian Military, điều cấm kỵ tiếp theo có thể là cho phép máy bay F-16 mà Ukraine sử dụng cất cánh từ Romania, Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic. Một kịch bản như vậy có thể đẩy NATO vào xung đột thực tế với Nga – điều mà phương Tây luôn muốn tránh.
Nga từng tuyên bố, việc sử dụng F-16 từ lãnh thổ của các quốc gia thành viên NATO này sẽ bị Moscow coi là sự can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine và Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp trả đũa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo