Chuyên gia cảnh báo kết cục thảm họa cho cả Mỹ và Iran cùng “động binh”
Hai tàu chiến Mỹ chở tên lửa hành trình tới vùng biển gần Iran / Tướng Iran lệnh chuẩn bị chiến tranh, tàu sân bay Mỹ vào vị trí
Trong tuần qua, bầu không khí căng thẳng giữa Mỹ và Iran có dấu hiệu bùng phát với hàng loạt các khí tài quân sự của Washington được đưa tới khu vực gần vịnh Ba Tư. Ngoài ra, truyền thông Mỹ cũng đưa tin về kế hoạch Washington muốn điều 120.000 quân tới khu vực để “nắn gân” Iran. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ thẳng thừng thông tin này, nhưng ông vẫn nói rằng nếu kịch bản xung đột xảy ra thực sự thì con số quân mà Mỹ điều động sẽ nhiều hơn như vậy.
Ông Trump đến lúc này được cho là vẫn đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, dù một số cố vấn cao cấp của ông dường như vẫn đang ủng hộ quan điểm cứng rắn với Iran.
Cả Iran và Mỹ đều cho biết họ không muốn chiến tranh. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang và hai bên thiếu đi giải pháp đối thoại hiệu quả, nguy cơ đối đầu, dù bị châm ngòi cố tình hay vô ý, ngày càng gia tăng.
Ông Chas Freeman, một nhà cựu ngoại giao cấp cao của Mỹ, chuyên gia tại viện Watson về các vấn đề quốc tế, nhận định rằng kịch bản rõ ràng nhất có thể kích hoạt cuộc chiến là từ các cố vấn của ông Trump, trong đó tiêu biểu là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người có quan điểm cứng rắn với Iran trong nhiều năm qua.
Ông Freeman cũng cho rằng tác động từ các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Israel hay Ả rập Xê út cũng được coi là một yếu tố có thể tác động tới việc Mỹ quyết định sử dụng phương án quân sự hay không. Trên thực tế, hai quốc gia trên từ lâu vẫn coi Iran là đối thủ và họ dường như mong muốn có thể làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Tehran tại Trung Đông.
Tương quan lực lượng
Iran đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này từ hàng thập kỷ qua, theo ông Freeman. Họ có khoảng 550.000 quân nhân thường trực. Bao gồm các lực lượng dự bị, họ có đội quân 1 triệu người. Mặc dù, Mỹ có tiềm lực quân sự mạnh hơn, nhưng lực lượng của họ rải rác trên khắp thế giới.
Theo Lầu Năm Góc, cho tới cuối tháng 3, Mỹ có khoảng 30.000 quân nhân đồn trú tại các nước Trung Đông và Nam Á, trong đó nhiều nhất là Afghanistan (14.000), Iraq (khoảng 5,000), Thổ Nhĩ Kỳ (1,600). Tất cả nước nước này đều có biên giới với Iran.
Tại căn cứ hải quân ở Bahrain, Mỹ có khoảng 4.000 quân nhân đồn trú, trong khi ở Kuwait, con số này là 2.000. Họ cũng có quân ở Ả rập Xê út và Qatar. Các quốc gia trên đều nằm ở khu vực vịnh Ba Tư và eo biểu Hormuz, khu vực có thể trở thành chiến trường chính nếu xung đột nổ ra.
Kịch bản đối đầu
Quân đội Iran được đánh giá là không tinh nhuệ bằng Mỹ và Tehran có rất ít cơ hội để chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thông thường. Do đó, Iran dường như sẽ chọn các chiến lược tác chiến phi thông thường để tấn công Mỹ. “Iran có thể tấn công các căn cứ và cơ sở của Mỹ ở khu vực với tên lửa và lực lượng bất quy ước hoặc cả 2”, ông Freeman nói.
Trên thực tế, Iran được cho là đã từng thực hiện các hoạt động này. Theo ông Freeman, Iran bị nghi từng tài trợ, trang bị vũ trang và đào tạo lực lượng nổi dậy ở Iraq sau sự việc Mỹ đưa quân tới đây năm 2003. Mỹ từng cáo buộc Iran là nguyên nhân khiến 608 quân nhân của Washington tại Iraq thiệt mạng từ năm 2003-2011.
Ông Freeman nói rằng Iran có tầm ảnh hưởng nhất định tới các lực lượng dân quân tinh nhuệ. Chính vì điều này, mà Mỹ đã phải yêu cầu sơ tán bớt các nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil hồi tuần qua vì lo ngại về an ninh.
Daniel Byman, giáo sư tại Đại học Georgetown, Mỹ, nói rằng Iran có thể tấn công Mỹ và các mục tiêu đồng minh không chỉ trong khu vực mà có thể ở các chiến trường và lĩnh vực khác.
Ông Byman nhận định Iran có mạng lưới đồng minh và lực lượng ủng hộ ở phía bắc khu vực Trung Đông và những lực lượng này có thể tấn công vào nơi Mỹ đặt quân.
Trong kịch bản căng thẳng leo thang ở mức cao, Iran có thể dùng đội 200 tàu tấn công nhanh có vũ trang nhằm vào các tàu hải quân Mỹ hoặc tàu thương mại đi qua Vùng Vịnh và eo biển Hormuz, nơi lưu chuyển của 20% lượng dầu mỏ giao dịch trên toàn cầu. Tehran cũng từng cảnh báo phong tỏa eo biển Hormuz bằng mìn hải quân, tên lửa chống hạm và hạm đội của họ trong kịch bản đối đầu xảy ra.
Tuy nhiên, ông Byman cho rằng phương cách này có thể trở thành “gậy ông đập lưng ông” với Iran vì nó cũng chặn đi đường giao thương dầu mỏ của Tehran. Hơn nữa, Iran trong thời gian qua nỗ lực tạo dựng hình ảnh của một quốc gia có lý lẽ. Việc đóng cửa eo biển sẽ biến những nỗ lực đó trở nên vô nghĩa, ông Byman nói.
Theo giáo sư trên, nếu kịch bản đối đầu xảy ra, Mỹ có thể sẽ hạn chế các cuộc không kích, thay vào đó là các vụ tấn công do lực lượng đặc nhiệm thực hiện và thậm chí phương án tấn công mạng.
Tuy nhiên, 2 chuyên gia cũng cho rằng cái giá phải trả nếu cuộc chiến xảy ra là rất lớn cho cả 2 phía. Iran có thể sẽ đánh chìm được tàu Mỹ và coi đó là chiến thắng nhưng để làm được điều đó họ có thể sẽ phải đánh đổi bằng những hậu quả thảm họa và thiệt hại nghiêm trọng.
Về phía Mỹ, việc khởi xướng một cuộc chiến sẽ dẫn đến hàng loạt những chi phí về nhân lực, tài chính và cả chính trị. Ông Freeman cho rằng công chúng và Quốc hội Mỹ sẽ phản đối mạnh mẽ một cuộc chiến tranh. “Về cơ bản, Quốc hội sẽ gần như bác bỏ việc thông qua cuộc chiến này. Vì vậy, chính phủ Mỹ sẽ không chỉ trải qua căng thẳng ở Iran mà họ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong cơ quan lập pháp nếu xung đột thực sự bùng phát với Iran”, ông Freeman nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo