Quốc tế

Chuyên gia Mỹ nghi Triều Tiên sao chép tên lửa tiên tiến Iskander của Nga

Giới chức Mỹ nghi ngờ một tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên thử nghiệm mới đây dường như là bản sao của một thiết kế tiên tiến của Nga, vốn có thể cải thiện đáng kể khả năng của Bình Nhưỡng nhằm tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Syria triển khai lực lượng Hổ tinh nhuệ tới Latakia cho trận chiến quan trọng / Phi công quan ngại vấn đề an toàn của máy bay Boeing 737 MAX

Chuyên gia Mỹ nghi Triều Tiên sao chép tên lửa tiên tiến Iskander của Nga - 1

Triều Tiên phóng thử tên lửa hôm 9/5 (Ảnh: KCNA)

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã tìm cách thiết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng chưa thành, đã giảm nhẹ mối đe dọa từ tên lửa mới thử nghiệm của Triều Tiên. Nhưng giới chức quân sự và an ninh quốc gia Mỹ đã nhìn thấy mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Đông Bắc Á.

Triều Tiên đã thử 3 tên lửa trong các ngày 4/5 và 9/5 ở tây bắc nước này. Chúng bay ở tầm bay thấp, chưa vượt qua bầu khí quyển trái đất, trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Các bức ảnh cho thấy tên lửa đó rất giống một tên lửa tầm ngắn của Nga có tên gọi Iskander, xét ở góc độ nhiên liệu rắn và bốn vây ở đuôi để có thể chỉnh hướng trong khi bay. Sự giống nhau giữa hai tên lửa đáng chú ý tới nỗi các chuyên gia đã gọi tên lửa mới của Triều Tiên là Kimskander.

Các hệ thống phòng thủ của Mỹ khó đánh chặn

Reuters dẫn lời các quan chức giấu tên cảnh báo, một tên lửa bay thấp có hệ thống dẫn đường vệ tinh, mà tên lửa Triều Tiên dường như sở hữu, có thể khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đánh chặn.

 

Vũ khí trên cũng có thể khó bị phá hủy trên bộ vì nó dựa vào một bệ phóng di động có thể chở 2 tên lửa và có thể cơ động. Nhiều khả năng nó cũng chính xác hơn các tên lửa tầm ngắn cũ kỹ Scud trong kho vũ khí của Triều Tiên.

Các vụ thử nghiệm mới nhất dường như nhằm gia tăng áp lực lên Nhà Trắng để nối lại các cuộc đàm phán vốn bị ngưng trệ sau thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ 2 hồi tháng 2 năm nay không đạt được tiến triển nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và các cơ sở sản xuất vũ khí.

“Đây là một tên lửa được thiết kế nhằm lách các biện pháp phòng thủ”, một quan chức cấp cao của Mỹ giấu tên đánh giá về vụ thử mới của Triều Tiên. Họ muốn nói là “Chúng tôi có một chương trình vũ khí tiên tiến đang được tiếp tục nhằm làm những điều khác biệt và mới mẻ. Giờ thì hãy trở lại bàn đàm phán”, một quan chức Mỹ biết về việc phân tích các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho hay.

Một phiên bản mới của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tại Hàn Quốc có thể tấn công tên lửa trên trong khi nó đang bay. Nhưng nếu Bình Nhưỡng bắn vài tên lửa cùng lúc, hệ thống Patriot có thể bị “quá tải”, một quan chức Mỹ cảnh báo.

Quỹ đạo thẳng của tên lửa cũng có thể giúp nó có khả năng tránh tốt hơn hệ thống phòng thủ THAAD - hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc để đề phòng các tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên.

 

Trong vụ thử gần đây, tên lửa không vượt độ cao khoảng 48km, theo một tuyên bố của Hội đồng tham mưu trưởng liên quan Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là nó quá cao để các tên lửa đánh chặn Patriot tiên tiến nhất có thể ngăn chặn và quá thấp để THAAD tấn công, theo các chuyên gia.

Về phần mình, ông Trump đã giảm nhẹ mối đe dọa tiềm tàng và tín hiệu mà vụ thử đưa ra từ phía ông Kim Jong-un, cho rằng các vụ thử nghiệm không vi phạm cam kết của ông Kim hồi năm ngoái nhằm ngừng các vụ thử vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm trung và tầm xa khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.

“Chúng là tên lửa tầm ngắn và tôi không nói vụ việc là vi phạm niềm tin”, ông Trump nói với trang tin Politico hồi tuần trước. “Tôi không nghĩ họ đã sẵn sàng đàm phán”. Ông Trump cũng bảo vệ các cuộc đàm phán với ông Kim, cho rằng việc ngừng thử nghiệm giúp giảm bớt căng thẳng với Bình Nhưỡng, ít nhất là ở hiện tại.

Nhưng giới chức tình báo Mỹ lo ngại rằng ông Kim ít có ý định từ bỏ hoàn toàn chương trình tên lửa hạt nhân và nhiều khả năng sẽ tăng cường thử nghiệm nếu Mỹ không nhất trí dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy các nhượng bộ khác.

Các quan chức tình báo Mỹ và các chuyên gia bên ngoài đang nghiên cứu kỹ các dữ liệu để cố gắng hiểu thêm về các khả năng của tên lửa mới.

 

Không rõ là Bình Nhưỡng đã chế tạo được bao nhiêu tên lửa trên và khả năng của nó như thế nào so với tên lửa Iskander của Nga, vốn có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân và tầm xa từ 400-800km.

Tên lửa Iskander từ đâu ra?

Một trong những bí ẩn là làm thế nào Bình Nhưỡng có thể chế tạo một tên lửa giống với Iskander mà Moscow bị cấm bán cho Triều Tiên theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Một số chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng có thể đã có được nó một cách trái phép từ một trong những đồng minh của Nga và sao chép nó. Trong thập niên qua, Moscow đã bán Iskander cho Syria, Armenia và Algeria. Cũng có khả năng Triều Tiên chế tạo tên lửa với sự trợ giúp bí mật từ các chuyên gia vũ khsi Nga, hoặc mua nó hay đánh cắp bản thiết kế tên lửa.

“Tôi không nghĩ chính phủ Nga bán nó cho Triều Tiên, nhưng có khả năng Bình Nhưỡng sử dụng các mạng lưới mua bán bí mật, có thể là sử dụng bên thứ ba”, Michael Elleman, cựu chuyên gia vũ khí tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London (Anh), nói.

 

Các bức ảnh của Triều Tiên cho thấy các dải hỗ trợ xung quanh tên lửa rơi ra trong vụ phóng với cấu hình gần như giống hệt với Iskander, bằng chứng cho thấy nó hoàn toàn giống với tên lửa Nga, chuyên gia trên nói thêm.

David Shlapak, một chuyên gia quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Rand Corp (bang California, Mỹ), cũng tin rằng Triều Tiên có thể nhận sự hỗ trợ trực tiếp từ Nga.

Hai tên lửa mới trên đã được trưng bày trên bệ phóng di động trong một cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào tháng 2/2018, nhưng dường như chúng là giả.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm