Quốc tế

COVID-19 ở Indonesia: Tử vong tại nhà tăng dù hàng nghìn giường bệnh còn trống

Số ca mắc mới theo ngày tại Indonesia ước tính đã giảm nhưng nước này vẫn ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao nhất thế giới, khoảng 1.500 người, trong khi Ấn Độ là 490 và Mỹ là 342.

COVID-19 phá vỡ “pháo đài kiên cố” cuối cùng ở Đông Nam Á / Biến chủng Delta lây lan rộng khiến các nhà sản xuất vaccine phải thay đổi chiến lược

Với vai trò là một tình nguyện viên, Taufiq Hidayat lần lượt đi đến những ngôi nhà có người tử vong do COVID-19 để mang thi thể bệnh nhân đi.

Các tình nguyện viên trong nhóm củaTaufiq Hidayat thu thập thi thể những người mắc Covid-19 tử vong tại nhà. Ảnh: CNN
Các tình nguyện viên trong nhóm củaTaufiq Hidayat thu thập thi thể những người mắc COVID-19 tử vong tại nhà. Ảnh: CNN

Anh dẫn đầu một nhóm gồm hơn 10 tình nguyện viên chuyên nhận cuộc gọi của các gia đình có người qua đời ở thủ đô Jakarta – tâm chấn của đợt dịch bùng phát tồi tệ nhất taị Indonesia hiện nay. Taufiq Hidayat chia sẻ: “Đây là công việc thực sự khó khăn. Trong những bộ quần áo bảo hộnóng nực, chúng tôi phải cố gắng di chuyển qua các con hẻm nhỏ và các tầng cao với thi thể nặng trĩu”.

Số lượng các cuộc gọi đã giảm bớt kể từ giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Indonesia vào giữa tháng 7/2021, nhưng vẫn có nhiều báo cáo về số người tử vong tại nhà, mặc dù các bệnh viện và trung tâm cách ly tại Indonesia đã được gia tăng công suất và hàng nghìn giường bệnh vẫn đang để trống.

Fariz Iban, nhà phân tích dữ liệu của LaporCOVID-19 cho biết, số ca tử vong tại nhà trong tháng 7 là 2.400 người, tăng gấp 6 lần so với tháng 6. Ông đã gọi đây là “phần nổi của tảng băng”. Theo LaporCOVID-19, hầu hết các trường hợp tử vong đều ở Jakarta vì đây là khu vực duy nhất chia sẻ số liệu về các trường hợp tử vong tại nhà do COVID-19.

Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, Bộ Y tế không lưu giữ hồ sơ về những người tử vong tại nhà. Bà khuyến cáo mọi người chỉ nên cách ly tại nhà khi không có triệu chứng mắc COVID-19 hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ. Nhưng Hiệp hội Y tế Indonesia đang hối thúc chính phủ thay đổi chính sách của mình, cho rằng việc cách ly tại nhà khiến một số bệnh nhân không được chăm sóc y tế và thiếu sự giám sát cần thiết nhằm ngăn chặn virus lây lan.

Không có lựa chọn

 

Tháng 7 vừa qua, trước sự hoành hành dữ dội của biến thể Delta có độc lực cao, hệ thống y tế của Indonesia nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải. Nhiều bệnh nhân có kết quả dương tính với virus tại Indonesia được yêu cầu cách ly tại nhà nếu không có triệu chứng, nhưng khi tình trạng trở nên tồi tệ hơn họ không thể tìm được giường bệnh.

Ông Warsa Tirta – một lái xe 62 tuổi có kết quả dương tính với COVID-19 vào cuối tháng 6/2021 đã làm theo các hướng dẫn để theo dõi tại nhà, Fakhri Yusuf - con rể của ông cho biết. Ông không xuất hiện các triệu chứng nhưng đã tự đi làm xét nghiệm vì người chủ của ông mắc bệnh và ông có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Tuy vậy, chỉ trong vòng 2 ngày sau khi ông Warsa Tirta cách ly tại nhà, mẹ và 2 chị gái của Fakhri cũng mắc COVID-19. Không lâu sau cả 3 người đều phải cần sự trợ giúp y tế.

“Tôi đã cố gắng đăng ký cho tất cả mọi người đến Bệnh viện Cấp cứu COVID-19 nhưng họ chỉ đồng ý tiếp nhận 1 người. Tất cả các giường bệnh đều kín chỗ”, anh Fakhri Yusuf nói.

Ông Warsa Tirta qua đời vào ngày 6/7. Fakhri cho biết, anh đã gọi cho trung tâm y tế địa phương nhưng không có ai đến đưa thi thể ông đi vì hàng trăm người khác cũng đã chết trong ngày hôm đó.

 

“Phản ứng củahọ rất chậm. Họ nói với tôi rằng họ đang quá bận rộn với việc vận chuyển thi thể các nạn nhân khác xung quanh Jakarta”. Vì vậy, Fakhri Yusuf đã gọi cho National Board of Zakat - nhóm tình nguyện viên do chính phủ điều hành mà Taufiq là thành viên. “Họ thực hiện mọi quy trình ở nhà một cách suôn sẻ. Khoảng 16h chiều, chúng tôi khởi hành đến nghĩa trang và toàn bộ tang lễ đã được hoàn thành trước khi trời tối", Fakhri Yusuf nói.

Hàng nghìn giường bệnh trống chỗ

Khi số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng, chính phủ Indonesia đã tăng tốc xây dựng các bệnh viện dã chiến và trung tâm cách ly mới, trong đó có Pasar Rumput – một khu chung cư giá rẻ cung cấp gần 6.000 giường bệnh nới. Cơ sở này đã đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhưng đến thời điểm hiện tại, các phương tiện truyền thông cho biết chỉ có chưa đến 300 bệnh nhân.

Người phát ngôn của Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, nước này đã có đủ giường bệnh cho khoảng 30.000 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày: “Hiện tại, chúng tôi thấy không có bất cứ khó khăn nào cho bệnh nhân để tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là tại các trung tâm cách ly hoặc bệnh viện”.

Dù có sẵn giường bệnh, song những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ vẫn được khuyên nên lựa chọn ở nhà. Bà Siti cho biết, những ca dương tính với COVID-19 đang được theo dõi tại nhà từ xa thông qua một công ty y tế tư nhân và họ có thể tiếp cận sự trợ giúp nếu cần.

 

Nhưng Tiến sĩ Daeng M. Faqih, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Indonesia cho rằng, chính phủ nước này cần phải thay đổi lời khuyên về sức khỏe.

“Chúng tôi hiện đang vận động chính phủ thay đổi chính sách cách ly tại nhà:Khuyến khích người dân có nguy cơ cao nên tập trung trong các cơ sở cách ly đặc biệt”. Ông Daeng M. Faqih cho biết, cách ly tại nhà dễ khiến virus lây lan sang những người khác vì nhiều gia đình sống trong điều kiện đông đúc, chật chội.

“Theo truyền thống tại Indonesia, việc nhiều gia đình hoặc nhiều thế hệ sống chung một nhà là rất phổ biến, thậm chí ba gia đình cùng sống trong một nhà không phải là hiếm, vì vậy điều này sẽ tạo ra cụm lây nhiễm”.

Ông Daeng M. Faqih cho biết, rất khó để ngăn những người không có triệu chứng rời khỏi nhà của họ. “Họ có thể dễ dàng di chuyển xung quanh và lây cho những người khác”.

Số ca tử vong tiếp tục gia tăng

 

Số ca mắc mới theo ngày tại Indonesia ước tính đã giảm một nửa kể từ tháng 7 nhưng nước này vẫn ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao nhất thế giới, khoảng 1.500 người, trong khi Ấn Độ là 490 và Mỹ là 342. Cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng đã khiến chiến dịch tiêm chủng của Indonesia bị trì hoãn. Hiện các quan chức nước này đang chạy đua với với thời gian để tăng gấp đôi số liều vaccine được sử dụng trong ngày lên ít nhất 2 triệu liều.

Indonesia đang đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 208 triệu người trên tổng số dân hơn 270 triệu người. Tuy vậy, đến ngày 13/8 mới chỉ có chưa đến 10% dân số được nhận ít nhất 1 liều vaccine.

Cho đến khi Indonesia đạt được mục tiêu tiêm chủng, Taufiq và các tình nguyện viên khác trong nhóm của anh luôn sẵn sàng trợ giúp người dân khi học cần. Taufiq chia sẻ, một ngày của anh bắt đầu bằng lời cầu nguyện cho sự an toàn của bản thân cùng đồng nghiệp và kết thúc bằng lời cầu nguyện cho những người không vượt qua được căn bệnh COVID-19.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm