COVID-19 phá vỡ “pháo đài kiên cố” cuối cùng ở Đông Nam Á
Iron Dome lập công hiếm trong trận mưa roket từ Lebanon / Vaccine - “Chìa khoá” để thế giới thực hiện mục tiêu kép
Brunei không còn là "pháo đài kiên cố"
Theo thống kê của Worldometers, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 54 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca mắc lên thành 494 ca, trong đó có 3 ca tử vong. Trước đó hôm 10/8, cơ quan y tế Brunei thông báo có 42 ca mắc mới, chỉ 2 ngày sau khi phát hiện 7 ca mắc mới, làm chao đảo “pháo đài” vững chắc cuối cùng tại Đông Nam Á.
Là một quốc gia nhỏ có nguồn tài nguyên dầu mỏ phong phú, tiếp giáp với bang Sarawak của Malaysia, Brunei là câu chuyện thành công trên thế giới về chống dịch COVID-19. Trước khi làn sóng mới bùng phát cuối tuần qua, nước này đã ghi nhận ca dương tính cuối cùng vào ngày 6/5/2020.
Brunei đạt được nhiều thành công trong chống dịch, trở thành điểm sáng của Đông Nam Á và thế giới, nhờ thiết lập các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt đối với việc đi lại trong nước, thực hiện cách ly, xét nghiệmnhanh, truy tìm nguồn lây. Việc kiểm soát đại dịch của quốc gia Đông Nam Á này đã đạt được những kết quả đáng kể nhờ sự lãnh đạo mạnh mẽ của Thủ tướng Brunei Hassanal Bolkiah với các chính sách hiệu quả của chính phủ cũng như sự đồng lòng, hợp tác của công chúng.
Tuy vậy, đợt bùng phát mới này diễn ra vô cùng phức tạp. Phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Y tế Brunei Mohd Isham Jaafar cho biết, một số ca mắc mới liên quan đến một trung tâm cách ly tại khách sạn.
“Khác với đợt dịch năm 2020, hiện giờ chúng tôi không biết rõ nguồn lây của nhiều ca bệnh trong thời gian này. Chúng tôi chỉ biết rằng, chuỗi lây nhiễm dễ nhất chủ yếu là qua các tuyến đường buôn lậu xuyên biên giới hoặc các điểm tiếp đón từ sân bay đến khách sạn”.
Theo ông Isham Jaafar, đợt bùng phát mới khiến các trung tâm cách ly nhanh chóng bị lấp đầy và nhà chức trách đang điều tra khả năng những người vượt biên trái phép giữa Brunei và Malaysia chính là nguồn gốc gây ra các ca mắc mới.
Với dân số tương đối nhỏ, chỉ 450.000 người và sự quản lý tập trung của chính phủ, các cơ quan y tế Brunei đã truy vết thành công và ngăn chặn sự bùng phát các ổ dịch suốt thời gian qua.
Nhưng việc kiểm soátcác ổ dịch mới phát sinh không hề đơn giản. Do vẫn chưa xác định được liệu biến thể Delta - một biến thể nguy hiểm và dễ lây lan, đang tàn phá nhiều khu vực ở Đông Nam Á, có phải nguyên nhân chính khiến các ca mắc xuất hiện và gia tăng tại Bruinei hay không, nên quốc gia này đã gửi các mẫu bệnh phẩm đến Singapore để xét nghiệm.
Phát biểu với báo chí khi tuyên bố áp đặt các hạn chế chống COVID-19, Bộ trưởng Y tế Jaafar nói rằng, người dân không thể ra khỏi nhà mà không có lý do chính đáng, còn những nhân viên làm việc trong các ngành nghề không thiết yếu sẽ được yêu cầu làm việc tại nhà. Nước này cũng cấm tụ tập đông người, đóng cửa các nhà thờ và trường học, yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang mọi lúc,mọi nơi.
Timor-Leste lo ngại bị nhấn chìm bởi biến thể Delta
Quyết định phong tỏa của Brunei bắt đầu được thực hiện khi nước láng giềng Timor-Leste thông báo ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thểDeltatrong cộng đồng, làm dấy lên lo ngại quốc gia này có thể bị nhấn chìm trong làn sóng COVID-19 mới tương tự như thảm kịch đang diễn ra tại Indonesia.
Kết quả giải trình tự gen virus của Viện Doherty (Australia) vào tuần đầu tiên của tháng 8 cho thấy, trong số 27 mẫu bệnh phẩm được lấy ở thành phố Ermera của Timor Leste, có 12 mẫu nhiễm biến thể Delta.
Dù chỉ ghi nhận 11.870 ca mắc và 29 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng Timor Leste đã ban hành một số lượng lớn các biện pháp phong tỏa từ đầu năm đến nay nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy vậy, Bộ Y tế nước này hôm 8/8 cảnh báo, sự xuất hiện của biến thể Delta có thể làm gia tăng đáng kể số ca mắc, trong đó có cả những ca nặng và ca tử vong.
Dù số ca mắc ngày càng cao, cả Brunei và Timor Leste đều hy vọng có thể tránh được sự tàn phá khủng khiếp của biến thể Delta vốn đã làm lu mờ những câu chuyện thành công trong chống dịch COVID-19 ở Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Lào. Làn sóng COVID-19 mới, nghiêm trọng hơn, đang nhấn chìm Malaysia và Indonesia, trong khi các ổ dịch mới liên tiếp gia tăng tại Philippines.
Biến thế Delta ngày càng hoành hành mạnh mẽ tại các khu vực đông dân cư và gây quá tải cho nhiều hệ thống y tế tại Đông Nam Á, trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn cung vaccine khiến khu vực khó đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ngăn chặn các đợt bùng phát mới.
Tính đến ngày 7/8, chỉ có 34% dân số Brunei được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và chưa đến 10% được tiêm đủ 2 liều – con số nhỏ ở mức đáng kinh ngạc đối với nước đứng thứ 4 trong top 25quốc gia giàu cónhất trên thế giới. Còn ở Timor Leste, các số liệu tương ứng là 23% và 7,8%./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo