Đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng thế nào tới các cuộc chiến: Trì hoãn hay thổi bùng?
Ý trả ơn hỗ trợ y tế của Nga bằng cách... gửi tàu chiến tới Crimea / Tàu tuần tra Nga "làm nhục" hai khu trục hạm NATO ở Biển Đen
Ngày 22/3, hãng tin AFP xuất bản bài viết "Will coronavirus slow the world’s conflicts - or intensify them?" (tạm dịch: Virus Corona sẽ khiến các cuộc xung đột trên thế giới chậm đi hay gia tăng?) của tác giả Philippe Rater.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên thế giới và tại một số quốc gia đang chìm trong xung đột như Syria, Libya đã phát hiện một số ca lây nhiễm đầu tiên, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng thế nào tới các cuộc xung đột?
Khi các cường quốc tập trung vào đối phó với dịch COVID-19, các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới (Syria, Libya, Yemen, Afghanistan, khu vực Sahel ở châu Phi...) sẽ giảm cường độ hay gia tăng?
Các chuyên gia cũng như các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc quan ngại rằng đại dịch sẽ "tạo ra một mối nguy cơ nghiêm trọng".
Bertrand Badie, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính trị (Science Po) của Pháp bình luận với AFP:
"Đối với các nhóm du kích và cực đoan, đó là một cơ hội 'trời cho'. Khi 'kẻ mạnh' trở nên bất lực, những 'kẻ yếu' sẽ bắt đầu trả đũa".
Trong những ngày gần đây, khoảng 30 binh sĩ Mali đã thiệt mạng trong một cuộc tập kích ở miền bắc nước này do các tay súng khủng bố, tuy nhiên sự kiện này không nhận được bất kỳ phản ứng sắc bén nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tại Libya và khu vực "Idlib lớn" của Syria, các cuộc xung đột là trọng tâm chú ý trước khi đại dịch COVID-19 "đánh cắp ánh đèn sân khấu" xung đột vẫn đang tiếp diễn.
Lệnh giới nghiêm đang được chính phủ Syria áp dụng tại miền bắc và miền đông nước này do đại dịch COVID-19.
Không có kẻ thắng-thua?
Thư ký về các vấn đề chính trị của Liên Hiệp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, kêu gọi tất cả các bên tham chiến thể hiện sự kiềm chế thông qua mạng xã hội Twitter như sau: "Hãy nghĩ đến khả năng tàn phá của COVID-19 tại Idlib và các nơi khác ở Syria.
Nếu ai đó vẫn cần một lý do để ngăn chặn chiến sự tiếp diễn tại đó (Syria), đại dịch là lý do".
Martin Griffiths, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Yemen, đã đưa ra một tuyên bố tương tự:
"Vào thời điểm cả thế giới đang vật lộn để chống lại đại dịch, điều mà các bên tham chiến cần làm là tránh xa nhau để bảo đảm rằng người dân sẽ không phải đối mặt với rủi ro nghiêm trọng hơn".
Cho đến nay, các quốc gia và khu vực có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên quy mô lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Nhưng virus này mang tiềm năng của một cuộc tàn phá còn lớn hơn chiến tranh một khi nó xâm nhập vào các quốc gia nghèo và xung đột.
Liên Hiệp Quốc đã lo ngại rằng một số quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh và không có sự trợ giúp từ bên ngoài có thể sẽ chứng kiến cái chết của "hàng triệu người".
Một nhà ngoại giao bình luận: "Đại dịch sẽ không trở thành "lợi thế" bất kỳ phe nhóm tham chiến nào vì nó mang tính tàn phá "không thể kiểm soát được.
Đại dịch có thể đem đến tình cảnh tồi tệ hơn cho các cuộc xung đột, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại các quốc gia này".
Một số đơn vị ứng phó khẩn cấp đã được lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) triển khai tại nước này nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
"Không nghe, không biết, không thấy"?
Theo một số chuyên gia, đại dịch COVID-19 cũng có thể làm suy yếu tâm lý hiếu chiến và năng lực quân sự của các phe tham chiến trong những tháng tới của năm 2020.
Robert Malley, Chủ tịch Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Washington bình luận:
"Tiếp tục tung binh lính vào các hoạt động quân sự sẽ làm các phe tham chiến cấp quốc gia và phi quốc gia lây nhiễm nhanh chóng và gây ra tổn thất thảm khốc về nhân mạng.
Tuy nhiên việc lây lan virus chắc chắn sẽ làm giảm năng lực và sự quyết tâm của các quốc gia và của hệ thống quốc tế bao gồm LHQ, các tổ chức khu vực phụ trách các vấn đề về người tị nạn, gìn giữ hòa bình - để giải quyết hoặc ngăn chặn xung đột".
Nó cũng sẽ là trở ngại, làm phức tạp việc tiếp cận các khu vực xung đột, khiến việc đàm phán ở các nước trung lập trở nên khó khăn hơn và các khoản tài chính nhằm chấm dứt chiến tranh "chảy" sang nỗ lực chống đại dịch.
"Các quốc gia theo đuổi kết quả cuối cùng là hòa bình ở Yemen, Syria, Afghanistan, Sahel hay những nơi khác cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị gần như không có tiền lệ".
Các cuộc xung đột nói trên dù tàn bạo và hủy diệt nhưng với việc truyền thông tập trung vào COVID-19 một cách "ám ảnh", một số người sẽ ở tình trạng "không nghe, không biết, không thấy".
Tại Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao khẳng định rằng những nỗ lực của họ để theo dõi các cuộc xung đột sẽ tiếp tục. Nhưng Richard Gowan, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề của LHQ, đã bày tỏ một số nghi ngờ.
"Các nhà ngoại giao trong Hội đồng Bảo an nói rằng ở thời điểm hiện tại rất khó khăn để khiến các lãnh đạo của họ tập trung vào 'các vấn đề của LHQ'".
End of content
Không có tin nào tiếp theo