Quốc tế

Dịch COVID-19 ngày 4/4: Gần 60.000 người chết, hệ thống y tế các nước nghèo có nguy cơ sụp đổ

"Dịch COVID-19 cho thấy cách nó lây lan qua các biên giới, phá hủy các quốc gia và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres.

Tiết lộ khả năng đặc biệt của tàu ngầm Yasen / Nga thử nghiệm hầm gió siêu vận tải cơ thay thế An-124

Hơn 1 triệu ca nhiễm, gần 60.000 người chết

Thống kê mới nhất từ Worldometers, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến 205 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,09 triệu ca nhiễm bệnh, và gần 60.000 người tử vong.

Mỹ đang là tâm dịch COVID-19 của thế giới. Chỉ sau 24 giờ, nước Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 31.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên đến hơn 276.000. Mỹ cũng là nơi ghi nhận số người chết cao nhất sau 24 giờ qua với hơn 1.314 ca tử vong. Qua đó nâng tổng số ca tử vong lên thành 7.385 người.

Đã có gần 60.000 người tử vong vì COVID-19

Tại châu Âu, diễn biến dịch bệnh cũng đang vô cùng phức tạp. Hiện Italy và Tây Ban Nha đang cùng có khoảng hơn 119.000 người nhiễm bệnh. Italy đang là quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 14.681 người chết. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 11.198 ca tử vong.

Theo Worldometers, số người nhiễm bệnh tại Đức đã vượt Trung Quốc đại lục. Hiện Đức đang có khoảng hơn 91.000 người mắc bệnh, so với hơn 81.000 ca tại Trung Quốc đại lục.

Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh cũng hết sức đáng lo ngại. Malaysia và Philippines đang cùng nghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm bệnh trong khi Thái Lan và Indonesia cũng có gần 2.000 ca mắc tại mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, hiện ghi nhận 239 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 85 ca đã được chữa khỏi bệnh.

Hệ thống y tế ở các nước nghèo có nguy cơ sụp đổ

 

Liên minh Nghiên cứu lâm sàng COVID-19 gồm hơn 70 cơ quan khoa học đã gửi một bức thư lên tạp chí y học nổi tiếng The Lancet, cảnh báo rằng các nước nghèo cần được tiếp cận với nghiên cứu về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để tránh cho hệ thống chăm sóc y tế bị sụp đổ.

Bức thư nêu rõ sự lo ngại của các chuyên gia y tế không chỉ ở góc độ dịch COVID-19 sẽ cướp đi sinh mạng của nhiều người ở các nước nghèo, mà sẽ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại ở chính những nước này như nghèo đói, cơ sở hạ tầng yếu kém và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Dịch COVID-19 ngày 4/4: Gần 60.000 người chết, hệ thống y tế các nước nghèo có nguy cơ sụp đổ - Ảnh 2.
Hệ thống y tế ở các nước nghèo có nguy cơ sụp đổ vì COVID-19 (Ảnh minh họa)

Trong thư, các nhà khoa học cho biết hàng trăm triệu người sống trong tình trạng thiếu nước sạch và mất vệ sinh, và quá đông người sống tập trung ở các đô thị gây khó khăn cho việc thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả, nên thách thức đối với các nước nghèo càng lớn.

Bên cạnh đó, nhiều nhân viên y tế không có thiết bị phòng hộ cần thiết và không được huấn luyện để xử lý các bệnh truyền nhiễm. Các tác giả của bức thư trên cảnh báo sự đứt quãng hoặc sụp đổ hoàn toàn của các hệ thống chăm sóc y tế sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh.

Liên Hợp Quốc tiếp tục kêu gọi đình chiến toàn cầu

 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu, hối thúc các bên liên quan xung đột hạ vũ khí, để các nước đang bị chiến tranh tàn phá tập trung đối phó với dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 4/4: Gần 60.000 người chết, hệ thống y tế các nước nghèo có nguy cơ sụp đổ - Ảnh 3.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn cầu

Tại cuộc họp báo trực tuyến của Liên Hợp Quốc, ông Guterres khẳng định, những gì tồi tệ nhất vẫn còn chưa tới, đặc biệt là với các nước đang có xung đột như Syria, Lybia và Yemen. Ông Guterres nhấn mạnh, đã có một số tiến triển tích cực sau lời kêu gọi đình chiến đầu tiên vào ngày 23/3. Tuy nhiên, giao tranh vẫn xảy ra ở một số nước khiến chính quyền sở tại không thể lên kế hoạch đối phó với COVID-19.

"Vấn đề đang rất cấp bách vào lúc này. Dịch COVID-19 cho thấy cách nó lây lan qua các biên giới, phá hủy các quốc gia và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân", ông Guterres nhấn mạnh.

Những hy vọng mới

Trong diễn biến liên quan, tỷ phú Bill Gates cho biết sẽ chi ra hàng tỷ USD nhằm nỗ lực đẩy nhanh việc phát triển vaccine chống lại SARS-CoV-2. Trong một cuộc phỏng vấn của chương trình "The Daily Show", Bill Gates nói rằng sẽ triển khai đồng thời 7 chương trình nghiên cứu vaccine khác nhau nhằm thúc đẩy nỗ lực này.

 

Trước đó, các chuyên gia y tế tại Đại học Y tế Pittsburgh đã công bố rằng họ đã điều chế một loại vaccine đã được thẩm định ở chuột thí nghiệm và cho thấy triển vọng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm