Điểm yếu trong thiết kế của xe tăng Nga khiến nhiều kíp xe có nguy cơ tử trận ở Ukraine
Nhược điểm trong thiết kế xe tăng Nga đã được phương Tây phát hiện ra từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 và 2003. Điểm yếu đó khiến đạn pháo trong xe tăng dễ nổ khi xe trúng hỏa lực đối phương.
Ukraine kêu gọi Nga rút quân để nối lại đàm phán / Nga tuyên bố phá hủy lô vũ khí Mỹ và châu Âu chuyển cho Ukraine ở Kharkiv
Trong cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra, các bức ảnh của các hãng thông tấn quốc tế cho thấy nhiều mẫu xe tăng bị thổi bay tháp pháo. Bộ trưởng Quốc phòng Anh mới đây cũng cho biết, hàng trăm xe tăng Nga đã bị phá hủy trong cuộc chiến này.
Giới chuyên gia cho rằng xe tăng Nga đang hứng chịu thiệt hại do một khiếm khuyết mà quân đội các nước phương Tây đã phát hiện ra trong nhiều thập kỷ qua. Khiếm khuyết này được họ gọi là hiệu ứng “hộp đồ chơi có lò xo bật ra”.
Một chiếc xe tăng được cho là của Nga bị bắn cháy trên chiến trường Ukraine. Xe cháy rụi, tháp pháo bung ra. Ảnh: Savilov.
Vấn đề ở đây liên quan đến cách cất trữ đạn dược của xe tăng. Khác với các xe tăng hiện đại của phương Tây, xe tăng Nga chứa nhiều đạn pháo ngay bên trong tháp pháo. Điều này khiến các cỗ xe của Nga dễ bị tổn thương ngay cả khi trúng phải một phát đạn gián tiếp của đối phương. Phát đạn có thể khởi động một phản ứng dây chuyền bên trong xe, khiến toàn bộ đạn dược tích trong xe (khoảng 40 quả đạn pháo) phát nổ đồng loạt.
Sóng nhiệt từ vụ nổ đồng loạt này đủ mạnh để thổi bay tháp pháo xe tăng lên cao ngang với tòa nhà 2 tầng.
Sam Bendett – cố vấn tại Chương trình Nga học ở Trung tâm An ninh Tân Mỹ, cho rằng đó là một khiếm khuyết trong thiết kế của xe tăng Nga.
“Khi đạn đối phương xuyên qua vỏ xe tăng, nó sẽ kích nổ toàn bộ đạn pháo bên trong, gây ra một vụ nổ lớn, và tháp pháo bị thổi bay đi”.
Nicholas Drummond – một nhà phân tích công nghiệp quốc phòng chuyên về tác chiến trên bộ, nói rằng khiếm khuyết này khiến kíp xe (thường gồm 2 người trong tháp pháo và 1 lái xe) trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. “Nếu anh không kịp thoát khỏi xe trong giây đầu tiên, anh sẽ bị thiêu cháy”.
Hiệu ứng “hộp đồ chơi có lò xo”
Drummond, cũng từng là sĩ quan Lục quân Anh, cho biết: Tình trạng đạn trong xe phát nổ là vấn đề đối với hầu hết các xe thiết giáp mà Nga đang sử dụng ở Ukraine. Ông lấy ví dụ là chiếc xe chiến đấu bộ binh BMD-4. Xe này có 3-4 thành viên trong kíp lái, ngoài ra xe chở thêm 5 binh sĩ nữa. Theo Drummond, BMD-4 chẳng khác nào “cỗ quan tài di động” sẽ bị thiêu cháy hoàn toàn khi trúng phải một quả rocket.
Quân đội phương Tây đã nhận ra hiện tượng này trong cuộc Chiến tranh Iraq lần 1 (năm 1991) và Chiến tranh Iraq lần 2 (năm 2003), khi lượng lớn các xe tăng T-72 do Nga sản xuất hứng chịu chung số phận – tháp pháo bị thổi bay khỏi thân xe sau khi trúng tên lửa chống tăng.
Drummond cho rằng Nga chưa rút ra bài học từ các cuộc chiến ở Iraq và điều này dẫn tới thực tế là nhiều xe tăng của họ ở Ukraine ngày nay vẫn mang các khiếm khuyết tương tự trong thiết kế của hệ thống nạp đạn tự động.
Khi dòng xe T-90 (kế thừa dòng T-72) được đưa vào hoạt động trong năm 1992, lớp giáp của loại xe này đã được nâng cấp nhưng hệ thống nạp đạn vẫn tương tự như xe tiền nhiệm, khiến xe vẫn dễ bị tổn thương như thường, theo Drummond. Xe T-80 – một phiên bản tăng khác của Nga có tham chiến ở Ukraine hiện nay, cũng có hệ thống nạp đạn tương tự.
Hê thống nạp đạn của Nga như trên thực ra cũng có một số ích lợi. Chuyên gia Bendett tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ cho rằng Nga đã lựa chọn hệ thống này để tiết kiệm không gian và khiến xe tăng có thiết diện nhỏ ở bên ngoài nên khó bị đối phương bắn trúng khi xung trận.
Cải tiến của phương Tây
Số phận của xe tăng T-72 ở Iraq đã hối thúc quân đội các nước phương Tây tìm cách cải tiến.
Drummond nói tiếp: “Quân đội các nước phương Tây đều rút ra bài học từ các cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh. Từ việc chứng kiến các xe tăng bị bắn cháy, họ nhận định phải tạo khoang riêng cho đạn dược trong xe tăng”.
Drummond nêu thí dụ với xe chiến đấu bộ binh Stryker của quân đội Mỹ được phát triển trong cuộc Chiến tranh Iraq lần 1.
“Xe đó có một tháp pháo ở trên nóc, và tháp đó không ăn vào khoang của kíp lái. Nó nằm thuần túy ở phía trên và toàn bộ đạn dược nằm trong tháp. Vì vậy, nếu tháp trúng đạn và phát nổ, kíp lái ở bên dưới vẫn an toàn. Đây là một thiết kế thông minh”.
Các xe tăng khác của phương Tây, như M1 Abrams có trong biên chế quân đội Mỹ và một số đồng minh, có kích cỡ lớn hơn và không có tháp quay. Trong xe Abrams, một thành viên thứ 4 của kíp xe lấy đạn pháo từ một khoang tách biệt và chuyển số đạn đó cho pháo thủ.
Khoang đạn pháo này có một cửa để thành viên kíp xe mở và đóng giữa các lần bắn của xe tăng. Như vậy, nếu xe tăng trúng hỏa lực đối phương, chỉ có một quả đạn pháo của xe tăng ở trong tháp là bị ảnh hưởng.
Bendett cho biết, “một phát đạn chính xác của đối phương có thể làm hư hỏng xe tăng nhưng không nhất định giết chết toàn bộ kíp xe”.
Ngoài ra, theo Drummond, các đạn pháo dùng trong xe tăng phương Tây đôi khi chỉ bị cháy do nhiệt độ cao tạo ra từ tên lửa chống tăng nhưng không phát nổ.
Xe tăng Mỹ M1 Abrams trên chiến trường Iraq. Ảnh: Military Wiki.
Xe tăng Mỹ có nhược điểm lớn gì khi có khoang riêng cho kíp lái?
Tất nhiên, bản thân xe tăng phương Tây nói chung và xe tăng Mỹ như chiếc M1 Abrams vẫn có nhiều nhược điểm không dễ loại bỏ. Việc thiết kế khoang riêng cho kíp lái cũng có cái giá của nó.
Thứ nhất, trọng lượng lớn khiến các xe tăng M1 Abrams cần có đường sá tốt và phà tốt thì xe mới đi qua được. Vùng đất mềm lún xe loại này sẽ khó vượt qua.
Chẳng hạn, trong cuộc tiến công Iraq, cơ sở hạ tầng ở đây kém khiến xe tăng Mỹ rất khó tiến so với đối phương. Ở những nơi không có cầu đường, xe tăng M1 Abrams phải đợi công binh làm đường mà điều này thì rất tốn thời gian và đẩy xe tăng Mỹ vào thế trở thành mồi ngon cho đối phương công kích.
Ngoài ra, trọng lượng lớn kéo theo kích cỡ cồng kềnh, khiến xe tăng dễ bị bắn trúng. Nói một cách đơn giản, ở cùng cự ly, xe tăng M1 Abrams hiển nhiên sẽ dễ bị bắn trúng hơn so với xe tăng Nga, đơn giản vì nó to hơn, dễ ngắm bắn hơn.
Điểm yếu chết người nữa với xe tăng M1 Abrams của Mỹ là nó tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn hẳn, từ đó gây ra gánh nặng lớn cho lực lượng hậu cần. Dù cho Mỹ là bậc thầy về hậu cần quân sự, có nhiều tình huống mà các xe thiết giáp Mỹ, nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực, tiêu thụ quá nhiều nhiên liệu, từ đó bị suy giảm hiệu quả tác chiến, ảnh hưởng đến chiến lược.
Tiêu tốn lớn nhiên liệu khiến xe M1 Abrams có cự ly hoạt động ngắn, chỉ khoảng 400km trên đường bằng và 300km trên đường gồ ghề.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo