Quốc tế

Điều gì khiến đồng ruble của Nga phục hồi?

Bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế chưa có tiền lệ, đồng ruble của Nga đã ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ về gần sát ngưỡng giá trị như thời điểm trước khi cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu.

Tổng thống Putin cảnh báo các nước định quốc hữu hóa tài sản của Nga: Sẽ là con dao 2 lưỡi / Báo Trung Quốc: Mỹ đẩy Nga vào "3 cuộc đại chiến", kẻ thắng người thua vẫn chưa ngã ngũ!

Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sựđặc biệt tại Ukraine, Mỹ và đồng minh đã ồ ạt giáng đòn trừng phạt Moscow với mục đích làm tê liệt nền kinh tế nước này. Reuters thống kê, chỉ hơn 3 tuần tính từ ngày 24-2, đã có tới 4 vòng trừng phạt nhằm vào các cá nhân, doanh nghiệp cũng như hệ thống thương mại và tài chính của Moscow, biến Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Nổi bật nhất là việc ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Đặc biệt, “cơn mưa” trừng phạt đã khiến đồng ruble rơi tự do, thậm chí xuống đến mốc thấp kỷ lục gần 140 ruble cho mỗi USD vào ngày 7-3, nghĩa là giảm gần một nửa giá trị so với hồi đầu tháng 2. Tuy nhiên, đồng ruble đã tăng giá mạnh mẽ và trở thành tiền tệ hoạt động tốt nhất thế giới trong tháng 3 vừa qua.

Một văn phòng trao đổi tiền tệ tại Moscow, Nga.Ảnh:Wall Street Journal

Đơn cử, ngày 31-3, đồng ruble đã chạm mức cao nhất trong 5 tuần là 81,75 ruble/USD. Hiện con số này đang duy trì quanh ngưỡng 85 ruble đổi 1USD. Theo Business Standard, kết quả đó phản ánh những nỗ lực của Chính phủ Nga trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt và ổn định lĩnh vực tài chính đã phát huy tác dụng.

Trước hết, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vào cuối tháng 2 đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để hạn chế đà rút tiền của khách hàng và ngăn chặn xu hướng mất giá của đồng ruble, đồng thời lên kế hoạch giải phóng hàng trăm tỷ ruble trong dự trữ của các ngân hàng địa phương nhằm tăng tính thanh khoản.

CBR cũng giới hạn số lượng ngoại tệ mà người dân nước này có thể rút từ tài khoản ngân hàng ở mức 10.000USD trong vòng 6 tháng, số còn lại sẽ được trả bằng ruble; cũng như yêu cầu các công ty xuất khẩu đổi 80% doanh thu từ ngoại tệ thành ruble.

Tiếp đến, ngành dầu mỏ và khí đốt cũng đóng vai trò đòn bẩy hỗ trợ đồng ruble. Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng chính là một lợi thế của Nga khi “lục địa già” nhập khoảng 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô cần thiết từ Moscow.

Các nước này vẫn gặp khó khăn về chuyển hướng nguồn cung trong khi chính quyền Washington đã cấm nhập khẩu dầu khí Nga. Giữa lúc nhu cầu và giá năng lượng tăng cao, Nga còn yêu cầu châu Âu phải chuyển thanh toán khí đốt bằng ruble từ ngày 1-4.

 

Tổng thống Putin mới đây đã ký sắc lệnh ban hành cơ chế “ruble hóa” này, đồng thời đe dọa dừng các hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu không thực hiện. Điều này tạo ra nhu cầu lớn trên toàn cầu đối với đồng ruble, đẩy giá đồng ruble đi lên so với USD và euro.

Ngoài ra, những biến chuyển tích cực trên bàn đàm phán Nga-Ukraine cũng được cho là có tác động đến sự phục hồi của đồng ruble. Cụ thể, chính quyền Kiev đã ngỏ ý sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu cốt lõi của Moscow, còn Nga tuyên bố giảm bớt các hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng.

Mặt khác, theo chuyên gia Alexander Bakhtin tại tổ chức tài chính BCS World of Investments (Nga), nhu cầu du lịch quốc tế từ Nga bị giảm mạnh nên nhu cầu sử dụng ngoại tệ cũng giảm theo (người Nga ít đổi ruble sang USD và euro), dẫn đến việc đồng ruble mạnh lên.

Không những vậy, một câu hỏi đã được đặt ra về việc đồng ruble khởi sắc trước hàng loạt lệnh trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga thời gian qua. Trong khi Nhà Trắng cho rằng tác động của trừng phạt cần thời gian, có thể mất hàng tháng để phát huy hết hiệu quả thì nhiều nhà kinh tế lại tỏ ra hoài nghi. Thậm chí, các lệnh trừng phạt Nga và sự phục hồi của đồng ruble còn được cho là sẽ dẫn đến một trật tự tiền tệ toàn cầu mới.

“Chúng ta có thể chứng kiến sự ra đời của Bretton Woods III-một trật tự tiền tệ mới-tập trung xung quanh các loại tiền tệ dựa trên hàng hóa ở phương Đông, có khả năng sẽ làm suy yếu hệ thống Eurodollar (tiền gửi bằng USD trên tài khoản ngân hàng nằm ngoài nước Mỹ) và góp phần gia tăng lạm phát ở phương Tây”, Business Standard dẫn lời nhà phân tích Zoltan Pozsar tại ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) nhận định.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm